Khu ổ chuột khiến Nhật Bản phải xóa tên

Nhật Bản từng tồn tại một thành phố có tên Kamagasaki. Tuy nhiên, lúc này, bạn sẽ không tìm thấy cái tên đó trên bản đồ nữa.

 Sạch và đẹp là 2 từ nhiều người thường nghĩ khi nhắc đến Nhật Bản. Tuy nhiên, quốc gia này cũng từng có một khu ổ chuột nổi tiếng tên Kamagasaki, nằm ở phía nam Osaka. Thành phố ảm đạm với những tòa nhà bẩn thỉu, rác vứt bừa bãi. Đây chính là nơi sinh sống của những người vô gia cư. Ảnh: Yahoo News.

Sạch và đẹp là 2 từ nhiều người thường nghĩ khi nhắc đến Nhật Bản. Tuy nhiên, quốc gia này cũng từng có một khu ổ chuột nổi tiếng tên Kamagasaki, nằm ở phía nam Osaka. Thành phố ảm đạm với những tòa nhà bẩn thỉu, rác vứt bừa bãi. Đây chính là nơi sinh sống của những người vô gia cư. Ảnh: Yahoo News.

Hiện tại, tên gọi của Kamagasaki là Airin-chiku. Việc đổi tên bắt đầu từ năm 1966, chấm dứt 44 năm của cái tên Kamagasaki. Cái tên cũ bị chính quyền thành phố Osaka cố xóa đi. Thậm chí, nó không xuất hiện trên bản đồ chính thức và các phương tiện truyền thông cũng được nhắc nhở tránh dùng tên này. Tại Liên hoan phim châu Á Osaka 2013-2014, bộ phim "Fragile" đã bị loại vì đạo diễn từ chối cắt những cảnh phim liên quan đến Kamagasaki. Ảnh: Freewheel.

Lý do gì khiến Osaka muốn xóa tên Kamagasaki như thế? Câu chuyện bắt đầu từ những năm 1960, Kamagasaki là điểm đến của nhiều người lao động từ khắp Nhật Bản. Đây là khoảng thời gian hậu Thế chiến 2, Osaka cần xây dựng lại các quận của mình nên nhu cầu lao động khá lớn. Ảnh: The Malaya Post.

Trung tâm Lao động và Phúc lợi Airin tập trung những người cố gắng tìm việc làm ở đây. Họ xếp hàng mỗi sáng với đống đồ đạc lỉnh kỉnh, bất chấp thời tiết. Những người này kiên nhẫn chờ đợi để có việc làm trên các công trường ở Osaka. Tuy nhiên, sự hy vọng không phải lúc nào cũng đem đến kết quả tốt. Ảnh: Medium.

Sau khi việc xây dựng lại các quận đã xong, chính quyền muốn những lao động này trở về nhà. Họ lại chọn cách bám trụ ở Kamagasaki. Tuy nhiên, nhu cầu tìm người lao động giảm sút nên những công nhân rơi vào tình trạng thiếu việc. Những người nghèo vẫn tiếp tục nghèo. Ảnh: The News Lens.

Cho tới nay, tình trạng này vẫn tiếp diễn nhưng không thường được nhắc đến. Cây viết Daniel của tờ Medium từng tới đây vào năm 2017 và chụp được cảnh hàng dài người xếp hàng trước Trung tâm Lao động và Phúc lợi Airin. Anh miêu tả: "Xung quanh khách sạn tồi tàn là những người ăn mặc xuề xòa trong bộ đồ thể thao sờn cũ. Họ ngồi trên đường phố và nói chuyện với nhau. Họ bán những gì mình tìm thấy, từ gói ramen đến các đồ điện tử cũ trong thùng rác". Ảnh: Medium.

Một điểm kỳ lạ ở đây là không có khách du lịch, phụ nữ và cả trẻ con. Chỉ có những người đàn ông ngồi bên đống lửa, uống bia và nướng vài miếng thịt rẻ tiền. Tờ The Guardian từng gọi đây là "một thế giới của đàn ông". Ảnh: Bored Panda.

Hầu hết cư dân ở Kamagasaki đều có gia đình nhưng họ không muốn quay về. Một phần vì nợ nần. Số khác lại trốn chạy thực tế. Có những người không muốn tìm tới người thân vì liên lụy. Theo Prezi, yakuza có quyền lực lớn ở Kamagasaki. Nếu những người lao động ở đây nợ và không trả, chúng sẽ tìm tới người thân của họ. Ảnh: Bored Panda.

Các tổ chức phi lợi nhuận và tôn giáo thường xuyên phát đồ ăn ở đây. Mỗi lần như vậy, hàng dài người lại xếp hàng tại các công viên công cộng. Giá trị bất động sản ở Kamagasaki thấp hơn đáng kể so với các khu vực xung quanh. Ảnh: Wikimedia.

Hoài Anh

Nguồn Znews: https://zingnews.vn/khu-o-chuot-khien-nhat-ban-phai-xoa-ten-post1362272.html