Khu nhà giàu Thảo Điền ngập sâu nhất trong triều cường lịch sử

Theo Công ty Thoát nước đô thị TP.HCM, trong đỉnh triều tối 30/9, toàn TP có 13 điểm ngập. Đường Nguyễn Văn Hưởng ở quận 2 là nơi ngập sâu nhất.

Người dân TP.HCM than khổ khi nước ngập nửa đêm chưa rút Chiều tối 30/9, triều cường tiếp tục dâng cao, nước ngập sâu vào nhiều hộ dân ở khu vực xóm Đáy (quận Bình Thạnh, TP.HCM) khiến sinh hoạt của người dân nơi đây gặp nhiều khó khăn.

Chiều tối 30/9, anh Ngô Minh Huyên, người dân sống trên đường Nguyễn Văn Hưởng (quận 2), cùng người thân bất lực nhìn nước từ từ tràn vào trong nhà. Anh cho biết chưa bao giờ thấy khu vực này ngập sâu như hôm qua (30/9). Được trang bị thêm 2 máy bơm 250 m3 cùng một trạm bơm trên 1000 m3 nhưng đoạn đường này vẫn ngập sâu, tới tận 21h nước mới rút dần.

"Chống hoài vẫn ngập, giờ chỉ có một giải pháp duy nhất thôi. Đấy là lội nước", anh Huyên hài hước chia sẻ trong lúc xắn quần để đi qua "dòng sông" trước cửa nhà.

Nhà anh Huyên cùng hàng trăm hộ dân trên đường Nguyễn Văn Hưởng phải đối mặt với đợt triều cường cao chưa từng có suốt 10 năm qua. Đây cũng là điểm ngập sâu nhất của TP trong đỉnh triều tối 30/9.

Đoạn trước chung cư Hoàng Anh Gia Lai (đường Nguyên Văn Hưởng, quận 2) là điểm ngập sâu nhất TP.HCM trong đỉnh triều tối 30/9. Ảnh: Lê Quân.

Đoạn trước chung cư Hoàng Anh Gia Lai (đường Nguyên Văn Hưởng, quận 2) là điểm ngập sâu nhất TP.HCM trong đỉnh triều tối 30/9. Ảnh: Lê Quân.

Ông Bùi Văn Trường, Trưởng phòng phòng Quản lý vận hành hệ thống thoát nước mưa của Công ty TNHH MTV Thoát nước đô thị TP, cho biết hôm qua (30/9), đỉnh triều đạt mức kỷ lục trong vòng 10 năm qua là 1,74 m vào lúc 18h. Theo thống kê của Đài Khí tượng Thủy văn khu vực Nam Bộ, đỉnh triều cao nhất trong 10 năm qua đạt 1,72 m vào tháng 12/2017.

Theo ghi nhận của công ty, chiều tối 30/9, TP.HCM có 13 điểm ngập, gồm: đường Bình Quới, Bình Lợi (quận Bình Thạnh); Nguyễn Văn Hưởng (quận 2); Lê Văn Lương, Huỳnh Tấn Phát, Đào Sư Tích, Nguyễn Bình (huyện Nhà Bè); Phú Định, Phạm Hùng, Mễ Cốc (quận 8); Trần Xuân Soạn, Nguyễn Thị Thập (quận 7); quốc lộ 50 (huyện Bình Chánh).

Đến khoảng gần 21h, nước tại các điểm ngập mới rút dần. Ảnh: Lê Quân.

Độ sâu các điểm ngập nằm trong khoảng từ 0,1 m đến 0,35 m. Trong đó, vị trí ngập sâu nhất là 0,35 m tại đường Nguyễn Văn Hưởng, đoạn trước chung cư Hoàng Anh Gia Lai.

4 điểm có diện tích ngập lớn nhất (khoảng 9.600 m2) là đường Lê Văn Lương (đoạn từ số nhà 1135 đến 123), đường Trần Xuân Soạn (đoạn từ SN 675 đến cầu Tân Thuận), đường Phạm Hùng (đoạn từ Công ty Nguyễn Cường đến cầu Tắc Bến Rô) và đường Nguyễn Bình (từ Huỳnh Tấn Phát đến Cầu Mương Chuối).

"Người dân nên chủ động lưu ý tránh đi qua các đoạn đường này trong những ngày triều cường còn lại", ông Trường đưa ra cảnh báo.

"Nước ngập sâu quá, chiếc xe bị nước tràn vào lút đến ghế tôi phải ra ngồi chờ để gọi bảo hiểm và cứu hộ tới để giải quyết sự việc", anh Dũng (Thảo Điền) nói. Ảnh: Lê Quân.

Trong đỉnh triều tối qua, các điểm ngập đều rút nước trong vòng khoảng 4-5 tiếng từ khi triều lên (từ 16h đến gần 21h). Đại diện công ty cho biết đã huy động hơn 20 máy bơm công suất 250 m3 trên khắp TP để "giải ngập". Đồng thời, hơn 150 công nhân thường xuyên túc trực tại các điểm ngập để tuần tra, giám sát vận hành trạm bơm, van ngăn triều, lập hàng rào cảnh báo khu vực sạt lở.

Theo Đài Khí tượng Thủy văn Khu vực Nam Bộ, từ hôm nay (1/10), đỉnh triều giảm nhưng vẫn giữ mức 1,71 m tại trạm Phú An và 1,72 m tại trạm Nhà Bè. Mực nước triều cao hơn báo động 3 sẽ duy trì đến hết ngày 3/10.

CSGT TP.HCM lội nước đẩy xe giúp người dân giữa triều cường kỷ lục Chiều 30/9, các tuyến đường ven sông rạch tại TP.HCM bị triều cường kỷ lục bủa vây. CSGT đã có mặt từ rất sớm để hỗ trợ người dân khu vực bị ngập.

Thu Hằng

Nguồn Znews: https://news.zing.vn/thao-dien-ngap-sau-nhat-trong-dot-trieu-cuong-lich-su-o-tphcm-post996142.html