Khử mùi bãi rác Nam Sơn bằng công nghệ Nano: Khó...

Theo giám đốc doanh nghiệp chuyên xử lý rác, công nghệ Bio Nano chỉ khử được mùi nước rỉ rác, không xử lý triệt để được mùi hôi của rác.

Sau đề xuất cải tạo sông Tô Lịch thành công viên lịch sử-văn hóa-tâm linh, Công ty Cổ phần Tập đoàn Môi trường Nhật Việt (JVE) tiếp tục đề xuất tài trợ miễn phí thí điểm xử lý mùi của bãi rác Nam Sơn (Khu liên hợp xử lý chất thải Nam Sơn) ở huyện Sóc Sơn, TP Hà Nội bằng công nghệ Bio-Nano Nhật Bản.

Trong đề xuất của mình, JVE cho biết sẽ áp dụng công nghệ sục khí nano của Nhật Bản (công suất của loại máy nano dự kiến sử dụng lớn gấp 5 lần công suất của máy nano đã lắp đặt thí điểm tại sông Tô Lịch) lắp đặt trực tiếp vào các ô chứa nước rỉ rác, hồ sinh học với số lượng hợp lý để đưa lượng lớn các bọt khí siêu nhỏ kích thước micro và nano "lặn" xuống để phân hủy tận gốc các khí gây ra mùi hôi thối như khí Hydro Sunfua H2S (mùi trứng thối), khi Amoniac NH3(mùi khai), CH4...trong các ô nước rỉ rác.

JVE cho biết sẽ áp dụng tổng hợp việc phun rải nước nano cùng vật liệu bio (được tinh chế từ nham thạch đá núi lửa Nhật Bản, không phải hóa chất nên không tan và không bị tiêu hao) lên khu bãi chôn lấp để phân hủy các chất hữu cơ, khí độc gây ra mùi hôi thối, hiệu quả lâu dài, bền vững và thân thiện với môi trường do không phải sử dụng hóa chất.

Trao đổi với Đất Việt, một số ý kiến đều hoan nghênh thiện chí của JVE, tuy nhiên không mấy lạc quan về hiệu quả của giải pháp này.

Ông Đỗ Chí Lệ, Tổng Giám đốc Công ty CPTM Thành Đạt, doanh nghiệp có tiếng trong xử lý rác thải tại Thái Bình cho rằng, công nghệ Bio-Nano mà JVE đề cập không giải quyết được triệt để mùi của bãi rác Nam Sơn, có chăng chỉ xử lý được mùi của nước rỉ rác.

Mỗi lần người dân địa phương chặn xe vào bãi rác Nam Sơn vì ô nhiễm, rác trong nội đô Hà Nội lại ùn ứ. Ảnh: VietNamNet

Mỗi lần người dân địa phương chặn xe vào bãi rác Nam Sơn vì ô nhiễm, rác trong nội đô Hà Nội lại ùn ứ. Ảnh: VietNamNet

"Cơ bản là mỗi ngày Hà Nội có khoảng 6.000 tấn rác thải sinh hoạt được vận chuyển chủ yếu về bãi rác Nam Sơn. Mùi hôi chính là do các loại rác hữu cơ bị phân hủy tạo nên, chẳng hạn như gà, lợn chết, thức ăn thừa, rau củ thối..., nước rỉ rác chỉ là một phần", ông Đỗ Chí Lệ cho biết.

Cũng theo Tổng Giám đốc Công ty CPTM Thành Đạt, mùi hôi từ nước rỉ rác thì dễ xử lý, song cả bãi rác khổng lồ thì làm sao có thể xử lý được?

"Muốn xử lý mùi hôi của bãi rác thì nhà máy phải phân loại và xử lý triệt để trong ngày, còn một khi đã chất đống rác, rồi chôn lấp thì kiểu gì cũng có mùi", ông Lệ nói.

Tuy nhiên, một thực tế được ông Lệ và nhiều chuyên gia trước đó chỉ ra, đó là phân loại rác tại nguồn ở Việt Nam hiện nay hầu như là bất khả thi bởi lẽ người dân chưa có thói quen phân loại rác. Thậm chí, nếu người dân có phân loại thì đến bộ phận thu gom lại đổ lẫn các loại rác vào chung một xe. Một số nhà máy công đoạn xử lý rác cũng không chuyên. Nhà máy phải có dây chuyền sản xuất phân hữu cơ thì mới đi thu toàn bộ rác hữu cơ về xử lý; hay với túi nilon thì nơi xử lý rác phải có xưởng sản xuất hạt nhựa; doanh nghiệp sản xuất chất vô cơ thì mới đi thu rác vô cơ...

"Muốn phân loại rác tại nguồn thì phải đồng bộ, còn phân loại xong rồi sau đó lại đổ lẫn vào nhau, đưa vào đốt hay chôn lấp thì không có tác dụng gì", ông Đỗ Chí Lệ nhấn mạnh.

Doanh nghiệp của ông Lệ đã tự nghiên cứu, chế tạo công nghệ xử lý rác thải sinh hoạt TTD-01 với các quy trình: Phân loại rác, rửa rác, tái chế tạo ra sản phẩm, xử lý nước thải sản xuất quay vòng lại để phục vụ sản xuất. Hoạt động này khép kín như một vòng tuần hoàn, không thải bất kỳ lượng nước thải nào ra ngoài môi trường. Đối với loại rác không thể tái chế được, nhà máy xử lý rác của ông sẽ đốt bằng lò công nghệ cao (không mùi, không khói, không bụi).

Dù khẳng định công nghệ này rất tốt, song ông Lệ cho rằng nhà máy của ông chỉ có thể xử lý được ở quy mô một huyện, còn nếu tập trung rác của cả một tỉnh, một thành phố thì không ổn.

"Vấn đề không phải là công nghệ mà là khi rác đã tập trung hàng ngày với khối lượng lên đến hàng nghìn tấn thì một nhà máy không thể xử lý triệt để trong 1 ngày được, phải có nhiều nhà máy mới làm nổi", Tổng Giám đốc Công ty CPTM Thành Đạt cho biết.

Từ thực tế này, ông đề nghị với thiện chí của JVE, đặc biệt là doanh nghiệp này tài trợ miễn phí, hãy cứ để JVE thí điểm.

"Nếu được thì tốt, còn không Hà Nội cũng chẳng mất gì", ông nói.

Chung quan điểm, GS.TSKH Lê Huy Bá, nguyên Viện trưởng Viện Khoa học công nghệ và Quản lý môi trường cũng cho hay công nghệ khử mùi bãi rác Nam Sơn mà JVE đề xuất cần phải trải qua các bước thử nghiệm và có hội đồng kiểm chứng, kiểm định một cách khách quan.

"Mùi hôi của rác chủ yếu là do các phân tử hữu cơ bán phân giải, công nghệ của JVE liệu có thể xử lý được triệt để hay không?", ông Bá đặt câu hỏi.

Vị chuyên gia cũng khẳng định, vấn đề của bãi rác Nam Sơn cũng như nhiều bãi rác lớn khác trên cả nước không chỉ nằm ở vấn đề trên, mà là công nghệ chôn lấp đã quá lỗi thời, cần phải chuyển đổi sang công nghệ tiên tiến và giảm thiểu ô nhiễm môi trường, như công nghệ đốt phát điện.

Theo các chuyên gia của JVE, không phải cứ sục khí đưa oxy vào bằng máy sục khí thông thường là khử được mùi hôi thối mà mấu chốt nằm ở chỗ phải đưa oxy vào nhưng oxy đó phải tồn tại lâu được trong nước và dưới tầng đáy thì mới phân hủy được các khí gây ra mùi ở trên.

Về nguyên lý, bong bóng siêu nhỏ được tạo ra từ máy sục khí công nghệ nano của Nhật Bản trong nước sẽ xuất hiện sóng xung kích (bong bóng âm thanh) được gọi là sóng siêu âm. Những lỗ rỗng này trở thành bong bóng chứa đầy hơi nước hoặc khí. Các bong bóng phình ra trong giai đoạn giãn nở và co lại trong giai đoạn nén, cho đến khi chúng bị nổ tung. Hiện tượng này được gọi là khí xâm thực, một quá trình diễn ra trong điều kiện đặc biệt (quá trình đoạn nhiệt).

Thành Luân

Nguồn Đất Việt: http://baodatviet.vn/khoa-hoc/khoa-hoc/khu-mui-bai-rac-nam-son-bang-cong-nghe-nano-kho-3421488/