Khu Linh Đàm là điển hình của phá vỡ quy hoạch, gây bức xúc xã hội

'Thời gian qua, tình trạng điều chỉnh quy hoạch ở rất nhiều thành phố lớn đã phá vỡ quy hoạch, ảnh hưởng đến phát triển kinh tế - xã hội, đời sống của người dân gây bức xúc cho xã hội. Ví dụ như khu Linh Đàm của Hà Nội là điển hình của vấn đề này', đại biểu Nguyễn Lâm Thành (Lạng Sơn) nói.

Khu đô thị Linh Đàm bị băm nát - Ảnh: VOV

Thảo luận ở Quốc hội về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của các Luật liên quan đến Luật Quy hoạch, đại biểu Nguyễn Lâm Thành (Lạng Sơn) cho rằng việc sửa đổi các luật thuộc phạm vi điều chỉnh của luật vẫn chưa được triệt để, vẫn có sự trùng lặp giữa nội dung; nguyên tắc chung của hoạt động quy hoạch tại Luật Quy hoạch chưa được tuân thủ. Điều này có thể dẫn đến những khó khăn cho doanh nghiệp và người dân.

Ví dụ như quy hoạch xây dựng vùng tỉnh, vùng liên huyện và huyện lại có nội dung trùng với quy hoạch xây dựng tỉnh tại Luật Quy hoạch. Một số nội dung mới được bổ sung vào nội dung của quy hoạch xây dựng tỉnh lại trùng với quy hoạch có tính chất kỹ thuật chuyên ngành khác như giao thông, thủy lợi. Điều này là không cần thiết.

Về điều chỉnh quy hoạch, so với Luật Quy hoạch, Luật Xây dựng và Luật Quy hoạch đô thị quy định thêm hình thức điều chỉnh cục bộ với thủ tục giản đơn hơn. Tuy nhiên, trường hợp áp dụng phạm vi và mức độ điều chỉnh theo hình thức này lại không được quy định cụ thể. Điều này có thể dẫn đến việc điều chỉnh tùy tiện gây khó khăn cho doanh nghiệp và người dân.

“Thời gian qua, tình trạng điều chỉnh quy hoạch ở rất nhiều thành phố lớn đã phá vỡ quy hoạch, ảnh hưởng đến phát triển kinh tế - xã hội, đời sống của người dân gây bức xúc cho xã hội. Ví dụ như khu Linh Đàm của Hà Nội là điển hình của vấn đề này”, ông Thành nói.

Đại biểu Thành cho rằng để tránh việc điều chỉnh quy hoạch tùy tiện, cần quy định rõ trường hợp được áp dụng hình thức điều chỉnh tổng thể, hình thức điều chỉnh cục bộ tại Luật Xây dựng và Luật Quy hoạch đô thị để đảm bảo đồng bộ với nguyên tắc chung của hoạt động quy hoạch đã được quy định tại Luật Quy hoạch, tránh tình trạng lợi dụng kẽ hở, chính sách tạo lợi ích nhóm.

ĐBQH Nguyễn Lâm Thành nói về tình trạng phá vỡ quy hoạch - Ảnh: Thanh Niên

Bên cạnh đó, cần bỏ giấy phép quy hoạch và chứng chỉ quy hoạch trong Luật Xây dựng và Luật Quy hoạch đô thị để đảm bảo nguyên tắc khách quan, công khai, minh bạch quy định tại Luật Quy hoạch, tránh gây nhũng nhiễu, khó khăn cho doanh nghiệp và người dân.

Đại biểu Trương Trọng Nghĩa (TP.HCM) cho rằng nhờ quy hoạch đúng, có những ngành phát triển, nhưng cũng là nguồn cơn của rất nhiều tiêu cực, thiệt hại. Nhiều khi quy luật thì đúng nhưng sau đó là phá hỏng, làm cho méo mó đi, điều chỉnh một cách tùy tiện theo lợi ích nhất thời hoặc tác động của nhóm lợi ích.

“Nhiều đô thị, thậm chí nông thôn các nước phát triển họ quy hoạch cực kỳ hợp lý. Ngay Sài Gòn trước đây quy hoạch những cửa hiệu bán thuốc tân dược là người ta cũng sắp xếp. Ở nhiều quốc gia, kể cả Mỹ và một số nước những cơ sở giải trí, tiện ích giải trí được đặt cách trường học bao nhiêu, cách các cơ sở tôn giáo bao nhiêu... Cho nên ở đây chúng ta nói đến hệ thống quy hoạch quốc gia, vùng, tỉnh, thành, huyện và phải đi vào từng xã”, ông Nghĩa nói.

Đại biểu Nghĩa dẫn chứng về Luật Thể dục, thể thao và cho rằng không nhất thiết đầu tư xây một bãi bóng rổ, sân bóng đá, chỉ cần một bãi trống có cây xanh, có thảm cỏ là trẻ con có thể đá bóng, người già có thể tập thể dục. Tuy nhiên, nhưng những khoản đó dần dần bị mất đi, toàn bộ là do công tác quy hoạch cả.

“Nói là chỉnh sửa để đồng bộ nhưng thực ra lại không chỉ như vậy, đụng tới rất nhiều ngành, các ngành đụng lẫn nhau: xây dựng, dược, thực phẩm... Chúng tôi thấy các đại biểu phát biểu hết sức băn khoăn và có những điểm không phải chỉ là điều chỉnh cho đồng bộ mà có những vấn đề lại gây ra những tác động nhất định đối với những luật đang hiện hành. Do vậy, chưa nên thông qua và để kỳ tới đây, sau khi xem xét đầy đủ các tác động, cân nhắc câu chữ… để sửa đổi thêm”, ông Nghĩa cho hay.

Giải trình vấn đề này, Bộ trưởng Bộ KH-ĐT Nguyễn Chí Dũng chia sẻ, khi ban hành Luật Quy hoạch đã xác định đây là luật rất khó. Phải qua 3 kỳ họp mới thông qua được nên để sửa đổi đồng bộ tại phụ lục 3 quy định 25 luật phải sửa đổi. Lần này sửa đổi 13 luật, có 2 luật phát sinh trong quá trình rà soát là Luật An toàn thực phẩm và Luật Phòng chống thiên tai. Lần này Luật An toàn thực phẩm đề nghị đưa vào sửa trong 13 luật lần này, còn Luật Phòng chống thiên tai để lại kỳ họp 6.

Bộ trưởng Bộ KH-ĐT Nguyễn Chí Dũng - Ảnh: quochoi.vn

Liên quan đến Luật Xây dựng, có nhiều ý kiến liên quan, ban soạn thảo đề nghị với Quốc hội cho phép cơ quan soạn thảo và cơ quan thẩm tra sẽ tiếp tục rà soát lại một lần nữa theo tinh thần những gì trùng lặp với quy hoạch tỉnh và các quy hoạch kỹ thuật chuyên ngành khác thì loại bỏ. Còn những gì hợp lý và không có trùng lặp sẽ giữ lại. Điều 13, Luật Xây dựng cũng phải làm rõ được các loại quy hoạch và mối quan hệ giữa các loại quy hoạch, việc này xin phép điều chỉnh và báo cáo lại với Quốc hội.

Về quy hoạch vùng liên huyện và vùng huyện, Bộ trưởng Dũng đánh giá đây là một quy hoạch kỹ thuật chuyên ngành giống với cả các quy hoạch kỹ thuật chuyên ngành khác và đã được quy định trong luật. Nhưng về quy hoạch vùng liên tỉnh thì đã thống nhất bỏ quy hoạch này.

Còn giấy phép quy hoạch và chứng chỉ quy hoạch, Bộ trưởng Dũng cho biết ban soạn thảo sẽ tiếp thu để bỏ ngay từ lần này mà không chờ sửa các luật khác liên quan đến giấy phép quy hoạch và chứng chỉ quy hoạch nữa. Sửa ngay từ Luật Xây dựng lần này.

“Việc điều chỉnh quy hoạch, đúng như các đại biểu đã nêu là cái việc cần rà soát để quy định chặt chẽ hơn, để đảm bảo không tùy tiện trong quá trình điều chỉnh quy hoạch. Chúng tôi sẽ tiếp tục rà soát và cũng có các quy định chặt chẽ để đảm bảo việc điều chỉnh quy hoạch không được tùy tiện trong quá trình thực hiện”, ông Dũng nói.

Lam Thanh

Nguồn Một Thế Giới: http://motthegioi.vn/thoi-su-c-66/xa-hoi-c-94/khu-linh-dam-la-dien-hinh-cua-pha-vo-quy-hoach-gay-buc-xuc-xa-hoi-89378.html