Khu kinh tế Nghi Sơn:Thủ tục hành chính 20 ngày, xử lý chỉ trong 3 giờ

Trưởng ban Quản lý KKT Nghi Sơn: 'Các doanh nghiệp đến đầu tư ở đây đều được rút ngắn thủ tục hành chính, bình thường là 60%, thậm chí đến 90%'

Trong những năm gần đây, khu kinh tế Nghi Sơn đã thu hút được rất nhiều dự án lớn như dự án Lọc hóa dầu, dự án nhà máy điện mặt trời, dự án cảng tổng hợp quốc tế gang thép Nghi Sơn (NIS)… Đến nay, khu kinh tế Nghi Sơn đã thu hút được 227 dự án, với tổng vốn gần 20 tỷ USD gồm cả trong nước và nước ngoài (18,5 tỷ USD). Có được kết quả này là nhờ có bước phát triển đột phá trong thu hút đầu tư, cải cách thủ tục hành chính, môi trường đầu tư của tỉnh. Điều này đã giúp Khu kinh tế Nghi Sơn trở thành khu kinh tế thành công nhất cả nước.

Phóng viên Báo điện tử VOV phỏng vấn ông Nguyễn Văn Thi, Tỉnh ủy viên, Trưởng ban Quản lý Khu kinh tế Nghi Sơn.

PV: Khu kinh tế Nghi Sơn được xác định là một trong những trọng điểm kinh tế của tỉnh cũng như của khu vực. Những thành quả đạt được của khu kinh tế trong thời gian qua đã đóng góp vào sự phát triển của tỉnh nói riêng cũng như của khu vực Bắc Trung Bộ như thế nào, thưa ông?

Ông Nguyễn Văn Thi: Xuất phát từ vùng đất phía Nam của tỉnh, giáp Nghệ An (vùng Bắc Nghệ- Nam Thanh) là hai khu vực rất khó khăn, tỉnh Thanh Hóa lại có dân số đông, cơ cấu kinh tế trước kia cũng có nhiều khó khăn, tỉnh đề xuất và Trung ương đồng ý cho thành lập Khu kinh tế Nghi Sơn.

Từ 2006 đến nay, sau 13 năm thành lập, đã có nhiều sự thay đổi, đặc biệt là với sự quan tâm của Trung ương, sự quyết liệt của lãnh đạo tỉnh Thanh Hóa và sự nỗ lực của các cấp, các ngành, trong đó có Ban Quản ký Khu kinh tế, đã đạt được một số kết quả.

 Ông Nguyễn Văn Thi, Tỉnh ủy viên, Trưởng ban Quản lý Khu kinh tế Nghi Sơn.

Ông Nguyễn Văn Thi, Tỉnh ủy viên, Trưởng ban Quản lý Khu kinh tế Nghi Sơn.

Trước hết là về đầu tư hạ tầng, đến nay khu kinh tế đã cơ bản kết nối đối nội và đối ngoại, như đường bộ, đường thủy và cảng nước sâu Nghi Sơn; đồng thời xây dựng được hạ tầng về cấp nước, cấp điện cho khu kinh tế.

Đến nay, khu kinh tế Nghi Sơn đã thu hút được 227 dự án, với tổng vốn gần 20 tỷ USD gồm cả trong nước và nước ngoài (18,5 tỷ USD). Hiện có nhiều dự án lớn đã đi vào hoạt động như Lọc hóa dầu Nghi Sơn. Đây là một dự án lớn trọng điểm quốc gia, Trung ương và tỉnh đã quan tâm hỗ trợ, sau 5 năm xây dựng đã hoàn thành và hoạt động thương mại từ 2018. Đến nay nhà máy đã cho kết quả tốt, đảm bảo an ninh năng lượng cho quốc gia; tự chủ về nguyên liệu, nhiên liệu cho giao thông vận tải và vấn đề liên quan đến xã hội. Đồng thời tạo việc làm và đóng góp vào ngân sách Trung ương và địa phương. Cùng với dự án Lọc hóa dầu Nghi Sơn, nhiều dự án khác đang được đầu tư, có dự án đã đi vào hoạt động thương mại như dự án Nhiệt điện Nghi Sơn, dự án bao bì và tới đây là Thép Nghi Sơn và nhiều dự án khác.

Thanh Hóa xuất phát từ một tỉnh nghèo, sau khi có Khu kinh tế Nghi Sơn đã mang lại được hiệu quả kinh tế rất lớn cho cả tỉnh và khu vực Bắc Trung Bộ.

Chúng tôi đang tiếp tục thu hút các dự án lớn, xây dựng Nghi Sơn là khu kinh tế đầu tàu.

Trong những năm vừa qua, tổng thu của tỉnh đạt kết quả khá cao, như năm 2018 hơn 23.000 tỷ đồng, năm 2019 hơn 27.000 tỷ đồng. Tỷ lệ thu ngân sách của tỉnh và Trung ương, tỷ lệ thu tại khu kinh tế Nghi Sơn và các khu công nghiệp chiếm từ 60-65%.

Cùng với đó, mang lại giá trị cốt lõi là tạo rất nhiều việc cho người lao động. Người lao động có việc làm, có thu nhập ổn định thì tiêu dùng cũng tăng, kéo theo một loạt dịch vụ xã hội tốt lên. Đây cũng là điều kiện tốt cho tỉnh. Hy vọng 2020, có dự án mới vào tiếp tục tạo nền móng cho nhiệm kỳ sau.

Quan trọng nhất các doanh nghiệp đã đến đầu tư, có trải nghiệm cảm nhận được lợi thế của Thanh Hóa về hạ tầng, về phục vụ, về hiệu quả đầu tư, họ đánh giá đây là điểm đầu tư tốt, tự quảng bá giúp cho tỉnh, “lôi kéo” các nhà đầu tư khác đến đầu tư tại khu kinh tế. Quan điểm của chúng tôi là đầu ra của sản phẩm này là đầu vào của nhà máy khác, tạo chuỗi giá trị đầu tư.

Nhà máy lọc hóa dầu Nghi Sơn

Nhà đầu tư không phải bỏ bất cứ chi phí nào ngoài quy định

PV: Như ông vừa nói Thanh Hóa có nhiều chính sách thu hút các nhà đầu tư. Xin ông cho biết cụ thể các chính sách này là gì và theo đánh giá của ông, các chính sách đã đủ mạnh để thu hút và giữ chân các nhà đầu tư?

Ông Nguyễn Văn Thi: Trong thời gian qua,Chính phủ đã có nhiều cơ chế chính sách để tạo điều kiện đột phá cho các khu kinh tế, khu công nghiệp và khu chế xuất.

Cùng với đó, tỉnh cũng có nhiều hỗ trợ cho các nhà đầu tư. Ví dụ, hỗ trợ về mặt bằng. Nhiệm vụ chính Nhà nước phải giải phóng cho nhà đầu tư, Thanh Hóa cũng còn khó khăn nhưng với các dự án lớn, tỉnh sẵn sàng bỏ tiền ra trước để giải phóng, rút ngắn thời gian giải phóng để bàn giao sớm nhất cho nhà đầu tư.

Về hạ tầng kết nối giao thông, điện, nước cũng được chuẩn bị sẵn sàng cho dự án.

Về nguồn nhân lực của tỉnh cũng khá dồi dào, trên 2,3 triệu dân số vàng trong độ tuổi lao động được đào tạo.

Tỉnh cũng đã ban hành nhiều cơ chế chính sách để hỗ trợ cho các doanh nghiệp. Đồng thời cải cách mạnh mẽ hành chính và môi trường đầu tư kinh doanh, lấy nền tảng phục vụ, công chức phục vụ để phục vụ người dân và doanh nghiệp.

Nếu nhà đầu tư vào các khu công nghiệp, khu kinh tế thì các thủ tục liên quan đến nhà đầu tư, Ban Quản lý dự án trực tiếp giải quyết như cấp phép đầu tư, các vấn đề liên quan đến thẩm định, thiết kế, thi công, môi trường... Ban Quản lý dự án sẵn sàng tìm mọi cách để hỗ trợ tốt và nhanh nhất cho các nhà đầu tư.

Các doanh nghiệp đến đầu tư ở đây đều được rút ngắn thủ tục hành chính, bình thường là 60%, thậm chí đến 90%. Chẳng hạn như cấp phép đầu tư bình thường 20 ngày nhưng bây giờ chỉ 3 tiếng đến 1 ngày là xong. Theo tôi, cải cách thủ tục hành chính và môi trường đầu tư kinh doanh là rất quan trọng.

Còn nếu thủ tục liên quan đến Trung ương thì Ban Quản lý dự án đồng hành cùng nhà đầu tư phối hợp đề xuất giải quyết để hoàn thành sớm nhất.

Nhà đầu tư không phải bỏ chi phí nào ngoài quy định, không có chi phí không chính thức. Chúng tôi khẳng định, nhà đầu tư đến khu kinh tế Nghi Sơn được phục vụ, được hỗ trợ tốt nhất. Chúng tôi ăn lương thuế của dân thì phải phục vụ nhà đầu tư để họ đóng thuế cho Nhà nước và cho tỉnh. Thành công của họ là thành công của chúng tôi.

Ngoài ra, tất cả hạ tầng cấp nước, cấp điện đều được các công ty của tỉnh phối hợp chặt chẽ để cung cấp tốt nhất.

Trong đầu tư chắc chắn sẽ vướng nhiều thứ, như thủ tục, thanh kiểm tra thì chúng tôi hạn chế. Tất cả việc kiểm tra chỉ tập trung một đầu mối. Nếu định kỳ thì 1 năm không quá 1 lần. Các cơ quan vào kiểm tra phải tuân thủ quy định của pháp luật, khi doanh nghiệp có dấu hiệu vi phạm thì phải xử lý. Chúng tôi quán triệt chủ trương phát triển kinh tế nhưng không đánh đổi môi trường. Tỉnh vì doanh nghiệp nhưng doanh nghiệp cũng phải phải vì tỉnh.

“Tính toán xây dựng khu kinh tế Nghi Sơn thành Khu kinh tế đặc biệt”

PV: Qua hoạt động trực tiếp của các nhà đầu tư ở khu kinh tế Nghi Sơn, thì họ còn những khó khăn nào cần tháo gỡ, thưa ông?

Ông Nguyễn Văn Thi: Trong những năm qua, Chính phủ có nhiều quan tâm đến nhà đầu tư FDI và nhà đầu tư trong nước. Đây là thuận lợi. An ninh chính trị của chúng ta rất tốt nên nhà đầu tư rất yên tâm. Các tỉnh tập trung đảm bảo an toàn cho người, tài sản của nhà đầu tư.

Chúng ta có nhiều điều chỉnh, xem xét về luật, đến nay cơ bản các luật đã hoàn chỉnh, đáp ứng được yêu cầu. Nhân lực của chúng ta dồi dào, có đủ điều kiện phục vụ các doanh nghiệp. Nhân công giá rẻ, chi phí thấp cũng là ưu thế. Vị trí địa lý của chúng ta tốt nên các nhà đầu tư rất yên tâm. Kết nối trong nước và quốc tế được mở rộng, có nhiều mối quan hệ quốc tế rất tốt.

Tuy nhiên, các nhà đầu tư vẫn còn những khó khăn. Tuy luật cải thiện, có điều chỉnh nhưng chưa kịp thời nên nhiều khi vẫn còn vướng, gây cản trở cho nhà đầu tư. Các luật còn chồng chéo như luật về đất đai, môi trường, đầu tư, đầu tư công, xây dựng cũng làm ảnh hưởng đến đầu tư.

Hạ tầng xã hội, hạ tầng kỹ thuật chưa đáp ứng kịp. Nhiều nhà đầu tư khi đến Việt Nam họ muốn đem cả con cái, gia đình nhưng hạ tầng chưa đáp ứng cũng gây khó khăn, như trường học, bệnh viện, vệ sinh an toàn thực phẩm hay các vui chơi giải trí...

Cơ chế chính sách tuy rằng có ban hành nhưng nhiều khi chưa ổn định. Các chế tài quản lý, về pháp lệnh thuế và liên quan đến xuất nhập khẩu cũng chưa ổn định.

PV: Thưa ông, để khắc phục những khó khăn cũng như phát huy lợi thế, trong thời gian tới cần có những giải pháp như thế nào để tạo động lực cho khu kinh tế Nghi Sơn thực sự cất cánh như mục tiêu đã đề ra?

Ông Nguyễn Văn Thi: Tỉnh Thanh Hóa luôn xác định phát triển toàn diện kinh tế-xã hội là vấn đề quan trọng. Nhưng mà đầu tầu để kéo tỉnh phát triển mạnh hơn thì chắc chắn phải quan tâm Khu kinh tế Nghi Sơn, các khu công nghiệp và một số lĩnh vực nữa.

Thời gian tới, đề nghị Chính phủ, tỉnh quan tâm đầu tư hạ tầng kỹ thuật cho khu kinh tế. Liên quan cảng đến nước sâu như nạo vét luồng tầu để tạo động lực cho Cảng nước sâu thành cảng quốc tế, thực sự kết nối toàn diện hơn nữa với quốc tế.

Thứ 3 là đầu tư hạ tầng xã hội, bao gồm bệnh viện, trường học, hạ tầng xã hội khác để làm sao có nhiều điểm vui chơi để nhà đầu tư yên tâm làm việc.

Trung ương có thể tính toán xây dựng khu kinh tế Nghi Sơn thành Khu kinh tế đặc biệt để phát triển toàn diện, tập trung thu hút lĩnh vực, công nghệ, lọc hóa dầu và công nghiệp phụ trợ. Cố gắng khai thác sản phẩm xăng hóa dầu. Chúng ta hiện nay mới làm ra sản phẩm chứ chưa có sản phẩm xăng hóa dầu. Ví dụ, đầu ra dự án này là đầu vào nhà máy khác, là chuỗi giá trị thì chưa có. Lọc hóa dầu Nghi Sơn có thể có nhiều sản phẩm để làm lốp ô tô, trong khi chúng ta lại đi nhập khẩu ở các nơi khác.

Chúng ta cần tính toán để vừa có ưu đãi mạnh hơn cho doanh nghiệp mà Nhà nước vẫn thu nguồn thuế, vẫn thu được lợi ích.

PV: Xin cảm ơn ông./.

Hưng Thành Hòa (Thực hiện)

Nguồn VOV: https://vov.vn/kinh-te/khu-kinh-te-nghi-sonthu-tuc-hanh-chinh-20-ngay-xu-ly-chi-trong-3-gio-996423.vov