Khu di tích nhà đày Lao Bảo - nguy cơ trở thành phế tích

Nằm cạnh dòng sông biên giới Sê Pôn thuộc khóm Duy Tân, thị trấn Lao Bảo, huyện Hướng Hóa, tỉnh Quảng Trị, khu di tích nhà đày Lao Bảo trầm lặng trong cơn gió rừng xào xạc và tiếng nước róc rách của dòng Sê Pôn nặng nghĩa thủy chung giữa hai dân tộc Việt - Lào. Ít người biết rằng, trong suốt 80 năm thực dân Pháp cai trị đất nước ta, nhà đày Lao Bảo được xây dựng để giam cầm những người yêu nước và những người chiến sĩ cộng sản đã dũng cảm đấu tranh vì độc lập, tự do của Tổ quốc.

Một công trình của di tích bị bom Mỹ đánh sập hiện vẫn còn ngổn ngang những mảng bê tông bị vỡ.

Một công trình của di tích bị bom Mỹ đánh sập hiện vẫn còn ngổn ngang những mảng bê tông bị vỡ.

Một thời là “địa ngục trần gian”

Nói về sự tàn khốc, những cực hình mà kẻ thù đã đối xử với hơn 354 tù nhân chính trị bị giam cầm tại nhà đày Lao Bảo từ năm 1896 đến năm 1945, nhà thơ Tố Hữu, trong thời gian bị giam cầm tại đây đã từng viết: “Cùng với những địa ngục trần gian như nhà tù Sơn La, Buôn Mê Thuột, Côn Đảo, nhà đày Lao Bảo là một nhà tù nổi tiếng ác độc, được xây dựng ở vùng rừng núi heo hút, đầy muỗi, sốt rét ác tính ở miền Tây Quảng Trị, thực tế nơi đây đã là mồ chôn hàng nghìn người cách mạng bất khuất”.

Nhà đày Lao Bảo được thực dân Pháp xây dựng theo tờ trình của Khâm sứ Trung kỳ gửi Toàn quyền Đông Dương vào ngày 18-1-1896 “Việc thiết lập nhà ngục Ai Lao tại một địa điểm trên tả ngạn sông Mê Công, cần thiết phải đặt ở Quảng Trị”. Nhà đày Lao Bảo xây dựng trên diện tích rộng khoảng 10ha, cách đường 9 khoảng 2km về phía Nam, giáp với sông Sê Pôn. Từ năm 1929 đến năm 1931, nhà đày Lao Bảo được mở rộng để giam cầm những người cộng sản hoạt động tại Quảng Trị như Lê Thế Tiết, Trần Hữu Dực, Trần Công Ái, Lê Thế Hiếu, Đoàn Lân... hay cả những chiến sĩ hoạt động ở miền Trung như Tố Hữu, Nguyễn Chí Thanh... và cả những người Lào.

Lúc mới lập, nhà đày Lao Bảo chỉ có 2 dãy nhà giam bằng gỗ, lợp ngói, tường trét toóc xi (vôi, cát trộn rơm), gọi là lao A và lao B. Mỗi dãy nhà dài 15m, rộng 5m, cao 4m, có thể giam giữ 60 tù nhân. Từ khi Đảng Cộng sản Việt Nam ra đời, nhiều phong trào cách mạng nổ ra khắp miền Trung, thực dân Pháp tăng cường săn lùng, bắt bớ đàn áp những người theo cách mạng. Sau đó, chúng cho xây dựng thêm hệ thống nhà lao kiên cố bằng bê tông, cốt thép là lao C, lao D và lao E. Mỗi nhà lao dài 30m, rộng 6m, giam giữ được khoảng 180 tù nhân. Riêng lao E là một loại hầm tối, có 56 chỗ giam, nằm dưới mặt đất khoảng 0,5m nên thường xuyên ẩm ướt, tối tăm.

Để đàn áp và làm nhụt ý chí cách mạng của những tù nhân cộng sản, kẻ địch đã áp dụng một chế độ cai trị vô cùng dã man: Bắt tù nhân phải đeo một lúc cả gông lẫn xiềng có tổng trọng lượng trên 10kg; bữa cơm ăn hằng ngày chỉ là gạo mục, cá, mắm thối; ốm đau không có thuốc để điều trị và chế độ lao dịch khổ ải nên đã hành hạ thể xác con người đến chết dần, chết mòn... Cùng với khí hậu khắc nghiệt, chúng đã biến nơi đây thành địa ngục trần gian

Nỗi trăn trở về một khu di tích

Sau ngày thống nhất đất nước, nhà đày Lao Bảo đã được UBND và các ngành chức năng của tỉnh Quảng Trị quan tâm đầu tư kinh phí tu bổ, bảo quản những hạng mục quan trọng để du khách thập phương đến tham quan, dâng hương tưởng niệm những chiến sĩ cộng sản đã ngã xuống bởi sự tù đày tàn khốc của chế độ thực dân. Tuy nhiên, trải qua 2 cuộc chiến tranh, nhất là trong cuộc chiến tranh chống Mỹ, nhà đày Lao Bảo đã bị phá hủy gần như hoàn toàn, nhiều công trình chỉ còn lại một phần kiến trúc, không còn đủ sức thu hút du khách.

Tỉnh Quảng Trị đã đầu tư gần 20 tỷ đồng để bảo tồn, phục dựng và tôn tạo di tích lịch sử nhà đày Lao Bảo với nhiều công trình quan trọng như: Phục dựng nguyên trạng 6 gian xà lim và 1 lối vào, gia cường bảo tồn các bộ phận kết cấu của 3 gian xà lim, phát lộ và bảo tồn mặt bằng móng của 2 gian khác; bảo tồn, tu bổ, phục hồi 1 phần nhà lao D, E; phục dựng 5 gian xà lim E, 3 gian xà lim D. Chính quyền địa phương cũng đầu tư xây dựng nhà đa năng vừa làm nơi trưng bày hiện vật, tranh, ảnh, vừa làm nơi làm việc cho cán bộ, nhân viên song khi bố trí trưng bày thì lại quá rộng nên không đảm bảo vấn đề thẩm mỹ bởi hiện nay chỉ có 32 hiện vật và hơn 20 bức ảnh tư liệu còn lưu giữ tại đây.

Chị Võ Thị Thu Hằng, Trưởng ban quản lý di tích nhà đày Lao Bảo chia sẻ: “Hiện nay, hầu như toàn bộ các công trình đều bị xuống cấp song rất thiếu nguồn kinh phí để trùng tu tôn tạo. Nhà lao A, B trong thời kỳ chống Mỹ đã bị trúng bom và cháy. Nhà lao C sau này cũng sụp hoàn toàn, nhưng vẫn còn nguyên sắt thép lẫn trong xi măng. Do rất thiếu nguồn kinh phí trùng tu tôn tạo di tích, Ban quản lý viết đơn lên tỉnh, tỉnh lại phải xin Trung ương. Chờ đợi mãi nhưng đến nay vẫn chỉ trùng tu nhỏ giọt”.

Tính đến nay, đã 124 năm trôi qua kể từ ngày thực dân Pháp cho xây nhà đày Lao Bảo, dẫu đã kinh qua thời gian với sự khắc nghiệt của khí hậu và cả bom đạn kẻ thù nhưng công trình vẫn tồn tại như minh chứng cho sự tàn ác của kẻ thù đối với những người chiến sĩ cộng sản bị giam cầm nơi đây, đó chính là nơi hành hình, tra tấn những chiến sĩ cộng sản cho đến chết. Căn phòng hình tròn, bên trong xây hình chữ “L” để trói những người tù cho cai ngục dễ bề thực hiện các loại hình tra tấn tàn độc.

Bước qua cánh cổng, sau vạt đất trống được phủ một màu trắng của loài hoa xuyến chi là sự ngổn ngang, đổ nát với những công trình di tích bị sập, những khối bê tông bị đạn bom làm vỡ, lộ ra cả lõi thép cùng với hàng cây ngô đồng cổ thụ làm cho khu di tích càng hoang phế hơn. Điều này khiến cho những ai đến đây không khỏi ngậm ngùi, xót xa cho một khu di tích đã từng có thời kỳ là biểu tượng của tinh thần yêu nước chống chế độ thực dân. Hiện nay, khu di tích này đang cần và rất cần nguồn kinh phí trùng tu, nâng cấp để trở thành nơi tham quan, tưởng niệm, góp phần giáo dục truyền thống và đạo đức cách mạng cho các thế hệ hôm nay và mai sau.

Nguyễn Thành Phú

Nguồn Biên Phòng: https://bienphong.com.vn/khu-di-tich-nha-day-lao-bao-nguy-co-tro-thanh-phe-tich-post436362.html