Khu di tích khởi nghĩa Ba Tơ được công nhận Di tích Quốc gia đặc biệt

Từ ngày 9/3, 11 địa điểm gắn liền với cuộc khởi nghĩa Ba Tơ cách đây 73 năm trở thành Di tích Quốc gia đặc biệt.

Đó là Khúc sông Liêng, phía sau đồn Ba Tơ, nơi các chiến sĩ cách mạng giả bệnh lao, đòi sống cách ly dưới thuyền, che mắt địch để in ấn truyền đơn, tài liệu tuyên truyền vận động cách mạng. Cũng tại khúc sông này, đêm 11/3/1945, du kích địa phương dùng thuyền chở vũ khí và chiến lợi phẩm ở đồn Ba Tơ về căn cứ.

Lò gạch Nước Năng, nơi thành lập Tỉnh ủy Quảng Ngãi vào cuối tháng 12/1944.

Nhà đồng chí Trần Quý Hai, nơi Tỉnh ủy lâm thời tổ chức cuộc họp bất thường vào ngày 10/3/1945 quyết định khởi nghĩa cướp chính quyền.

Chòi canh Suối Loa, nơi Tỉnh ủy Quảng Ngãi họp khẩn cấp vào trưa 11/3/1945 để quyết định chuyển hướng khởi nghĩa giành chính quyền tại huyện lỵ Ba Tơ.

Địa điểm Bến Buôn, nơi đội du kích Ba Tơ trú quân, xây dựng căn cứ, luyện tập quân sự kháng Nhật.

Địa điểm Bến Buôn, nơi đội du kích Ba Tơ trú quân, xây dựng căn cứ, luyện tập quân sự kháng Nhật.

Đồn Ba Tơ, nơi trú đóng của đội lính do tên Đồn trưởng người Pháp chỉ huy, kiểm soát châu Ba Tơ, bị quân khởi nghĩa đánh chiếm trong đêm 11/3/1945.

Nha kiểm lý là nơi vào đêm 11/3/1945, các lực lượng nổi dậy vây bắt viên kiểm lý Bùi Danh Ngũ, thu toàn bộ ấn triện, hồ sơ, tài liệu, vũ khí, giành chính quyền về tay nhân dân.

Sân vận động Ba Tơ, nơi tổ chức cuộc mít tinh lớn của hàng ngàn đồng bào Kinh - Thượng vào đêm 11/3/1945 do đồng chí Phạm Kiệt chủ trì, thề quyết tâm bảo vệ thành quả cách mạng vừa giành được.

Đây cũng là nơi Đội du kích Ba Tơ được thành lập và là địa điểm vào sáng ngày 12/3/1945, Ban Chỉ huy cuộc khởi nghĩa tổ chức cuộc mít tinh lớn, tuyên bố xóa bỏ chính quyền thực dân phong kiến, thành lập chính quyền cách mạng.

Bãi Hang Én, dưới chân núi Cao Muôn, là nơi vào đêm 14/3/1945, đội du kích Ba Tơ tổ chức tuyên thệ “Hy sinh vì Tổ quốc!.

Tượng đài Khởi nghĩa Ba Tơ.

Bến Buôn, nơi trao đổi, buôn bán hàng hóa của nhân dân miền ngược, miền xuôi. Từ giữa tháng 3/1945, nơi đây trở thành địa điểm tiếp nhận lương thực, vũ khí do nhân dân miền xuôi quyên góp, chuyên chở bằng đường sông tiếp tế cho Đội du kích Ba Tơ xây dựng chiến khu kháng Nhật ở Nước Sung, Nước Lá.

Chiến khu Nước Lá- Hang Voọt Rệp, nơi Đội du kích Ba Tơ trú quân, xây dựng căn cứ, luyện tập quân sự kháng Nhật.

Chiến khu Núi Cao Muôn, một trong những nơi đội du kích Ba Tơ đặt căn cứ trong những ngày đầu khởi nghĩa, xây dựng lực lượng, vun đắp tình đoàn kết Kinh - Thượng.

Ông Đặng Ngọc Dũng, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ngãi cho biết: "Có thể nói việc Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định công nhận Di tích địa điểm cuộc khởi nghĩa Ba Tơ là Di tích quốc gia đặc biệt là niềm tự hào rất lớn của Đảng bộ, Chính quyền và Nhân dân tỉnh Quảng Ngãi. Qua việc tổ chức lễ đón nhận bằng quốc gia đặc biệt này góp phần làm cho nhân dân toàn tỉnh có thêm trách nhiệm đối với việc tôn tạo, bảo tồn di tích, phát huy giá trị lịch sử trong quá trình phát triển kinh tế, xã hội".

Chiến khu Núi Cao Muôn, một trong những nơi đội du kích Ba Tơ đặt căn cứ trong những ngày đầu khởi nghĩa, xây dựng lực lượng.

Những ngày qua, đồng bào các dân tộc anh em ở huyện miền núi Ba Tơ tổ chức nhiều hoạt động chào mừng lễ đón nhận bằng Di tích quốc gia đặc biệt và kỷ niệm 73 năm cuộc khởi nghĩa Ba Tơ./.

CTV Tiến Công/VOV- Miền Trung

Nguồn VOV: http://vov.vn/xa-hoi/khu-di-tich-khoi-nghia-ba-to-duoc-cong-nhan-di-tich-quoc-gia-dac-biet-737661.vov