Khu di tích danh nhân Nguyễn Văn Siêu cần sớm được tôn tạo

Hiện nay, khu nhà thờ danh nhân Nguyễn Văn Siêu ở làng Kim Lũ đã xuống cấp nghiêm trọng, cần được sớm trùng tu, tôn tạo.

Danh nhân Nguyễn Văn Siêu sinh năm 1799 tại một ngôi làng có truyền thống khoa bảng vào loại nhất nhì đất Kinh kỳ - làng Kim Lũ, tổng Khương Đình, huyện Thanh Trì (nay là phường Đại Kim, quận Hoàng Mai, Hà Nội). Là một trong những nhà Nho nổi tiếng của đất Thăng Long xưa, Nguyễn Văn Siêu cùng thời với Cao Bá Quát, hai người nổi tiếng về tài thơ văn mà dân gian truyền tụng là “thần Siêu, thánh Quát”.

Đặc biệt, với tinh thần chấn hưng văn hóa, Nguyễn Văn Siêu đã khởi xướng công cuộc khôi phục diện mạo cố đô. Ông có công lớn trong việc tu sửa đền Ngọc Sơn, bắc cầu Thê Húc, xây tháp Bút, đài Nghiên (năm 1865), tạo thành một quần thể di tích tuyệt đẹp ở Hồ Gươm cho đến ngày hôm nay.

Nhà thờ thủy tổ họ Nguyễn ở làng Kim Lũ do “Thần Siêu” tạo dựng.

Đến nay, tháp Bút, đài Nghiên đã trải qua một thế kỷ rưỡi, trở thành một trong những nét văn hóa tiêu biểu của Thăng Long-Hà Nội ngàn năm văn vật. Cụm di tích đài Nghiên, tháp Bút, cầu Thê Húc, đền Ngọc Sơn… đã thể hiện kết tinh tâm huyết và trí tuệ một nhà văn hóa lớn của dân tộc để lại cho con cháu muôn đời sau.

Cụ Nguyễn Văn Siêu mất năm 1872. Lăng mộ của cụ hiện ở làng Kim Lũ, số 256 đường Kim Giang, phường Đại Kim (quận Hoàng Mai, Hà Nội. Cách đó chừng một cây số là nhà thờ thủy tổ họ Nguyễn do ‘Thần Siêu” tạo dựng. Nhà thờ thủy tổ họ Nguyễn và khu lăng mộ đã được xếp hạng Di tích lịch sử quốc gia.

Trong đó, khu lăng mộ hiện đã được trùng tu, tôn tạo khang trang. Khuôn viên lăng mộ rộng rãi có tường bao quanh, sân lát gạch đỏ sạch sẽ, xung quanh được trồng hoa và cây cảnh. Mộ phần của cụ lát đá xanh, bên trái có nhà bia, bên phải trồng cây đại đang mùa nở hoa. Một bộ bàn ghế được đặt dưới tán cây đại để khách đến thăm viếng có chỗ nghỉ chân. Tình trạng cho thuê để xe máy trong khuôn viên lăng mộ và bán hàng nước ngay trước cửa di tích đã không còn nữa.

Tuy nhiên, khu nhà thờ thủy tổ họ Nguyễn (số 18, ngách 51/250 đường Kim Giang) đang xuống cấp nghiêm trọng. Được một cán bộ của UBND phường Đại Kim dẫn lối, từ đường Kim Giang, chúng tôi theo lối ngõ tới khu nhà thờ. Cùng với quá trình đô thị hóa của làng, khu nhà thờ đã được xây tường bao quanh khép kín không gian thâm trầm của di tích. Dấn ấn thời gian đọng rõ trên những mảng tường đã hoen màu xưa cũ.

Cổng vào nhà thờ được gia cố bằng khung sắt.

Ngay cổng vào khu di tích có thể nhận thấy nhiều vết nứt, để chống đổ sập, gia đình đã gia cố bằng những thanh sắt chằng tạm. Đi qua cánh cổng, men theo lối dốc thoải là vào đến khoảng sân lát gạch đỏ. Kết cấu khu nhà thờ vẫn còn khá nguyên vẹn, nhưng do xây dựng đã lâu nên các cột trụ bằng gỗ bị mối mọt, mái nhà có chỗ võng xuống, cửa gian thờ chính hiện đang được thay bằng khung tre, có chỗ thay bằng cửa sắt rồi dùng dây xích khóa tạm. Hai dãy nhà tả vu và hữu vu cũng đã xuống cấp, vách và trụ cột, tường mái nhà bị nứt.

Khu nhà thờ hiện đang được người cháu dâu là Nguyễn Thị Hồng Phượng (con dâu cố đạo diễn Nguyễn Tự Huy, cháu gọi danh nhân Nguyễn Văn Siêu là cụ nội) trông nom. Chồng chị Phượng, anh Nguyễn Huy Việt là đời thứ 5 của cụ Nguyễn Văn Siêu – đã mất cách đây sáu năm. Vợ chồng chị Phượng chỉ có một con trai là Nguyễn Đức Anh, năm nay hai mươi tuổi.

Nói chuyện với chúng tôi, chị Phượng không khỏi lo lắng về sự xuống cấp của khu nhà thờ. Chị cho biết, mỗi khi trời mưa, nhà thờ bị dột, dù gia đình đã dặm ngói mấy lần. Những lần mưa to như thời gian vừa qua, nước từ trên đường trào xuống, dâng lên trong sân rất nhanh, có khi lên tận bậc cửa nhà thờ vì hiện nay khu nhà thờ thấp hơn mặt đường chừng một mét rưỡi. “Gia đình đã lắp sẵn hai máy bơm hai bên sân, trời mưa to như mấy hôm trước là túc trực để bơm nước”, chị Phương cho biết.

Khu nhà thờ đã xuống cấp, cửa được gia cố bằng những thanh tre.

Theo bà Nguyễn Thị Thái, Phó Chủ tịch UBND phường Đại Kim, đơn vị quản lý trực tiếp khu di tích, trước tình trạng xuống cấp của khu nhà thờ, UBND phường đã báo cáo lên UBND quận và cấp trên. Chi phí cho trùng tu, tôn tạo di tích sẽ căn cứ trên thực tế, việc hạch toán chi đang giao cho Ban quản lý dự án và phòng Tài chính tham mưu, ngoài tiền ngân sách thì sẽ kêu gọi xã hội hóa.

Theo bà Thái, vướng mắc lớn nhất hiện nay cho việc tiến hành trùng tu, tôn tạo khu nhà thờ liên quan đến quy hoạch, sử dụng đất. Thời điểm xếp hạng di tích năm 1986, diện tích nhà thờ rất rộng, nhưng qua nhiều đời vì gia đình trực tiếp trông nom, quản lý nên một phần diện tích đã được bán, chuyển nhượng cho người thân trong dòng họ. Hiện nay, cả khu nhà thờ gồm nhà thờ chính, khu nhà tả vu, hữu vu và sân vườn khoảng trên năm trăm mét vuông.

“Hiện, UBND phường đang tiến hành đánh giá lại hiện trạng, khoanh vùng di tích để xin điều chỉnh các mốc giới. UBND quận Hoàng Mai cũng rất quan tâm tới việc này. Chúng tôi rất mong các cấp bộ, ngành liên quan quan tâm hơn nữa để có thể trùng tu, tôn tạo khu di tích trong thời gian sớm nhất”, bà Nguyễn Thị Thái nói.

Bài và ảnh: Xuân Phong/Báo Tin tức

Nguồn Tin Tức TTXVN: http://baotintuc.vn/van-hoa/khu-di-tich-danh-nhan-nguyen-van-sieu-can-som-duoc-ton-tao-20181011215610487.htm