Khu công nghiệp thế hệ mới phải tương tác với đô thị

Đối với khu công nghiệp phát triển thế hệ mới, phải trở thành thực thể hữu cơ, tương tác hữu cơ lẫn nhau tương tác với đô thị.

Theo bà Lê Thanh Thảo, đại diện quốc gia của Tổ chức Phát triển Công nghiệp Liên hiệp quốc (UNIDO) tại Việt Nam, lợi ích của KCN sinh thái tóm gọn trong 3 khía cạnh chính: kinh tế, môi trường, xã hội. Đầu tiên lợi ích về mặt kinh tế là hoàn toàn cao hơn đầu tư ban đầu, các nhà đầu tư quan tâm nhất về mặt kinh tế. Đầu tư về giải pháp sinh thái giúp giảm được chất thải ra môi trường. Phát triển theo hướng sinh thái tạo môi trường tốt hơn cho người lao động, tăng năng suất, tạo việc làm mới, dịch vụ mới. Phát triển KCN sinh thái giúp cải thiện hình ảnh của chủ đầu tư đối với các doanh nghiệp đóng tại đó, cải thiện mối quan hệ với cộng đồng.

Đồng quan điểm trên, ông Phạm Hồng Điệp, Chủ tịch Công ty cổ phần SHINNEC cho rằng, Việt Nam có thể làm được mô hình 5 KCN sinh thái như trên thế giới đang làm. KCN Nam Cầu Kiền do Công ty cổ phần SHINEC làm chủ dự án ra đời là một khu công nghiệp xanh, thân thiện với môi trường, hài hòa với mạng lưới an sinh nông thôn khi làm theo tiêu chuẩn của nhà nước, cung cấp dịch vụ chuẩn mực từ viễn thông đến xử lý nước thải, phòng cháy chữa cháy, xử lý các sự cố, hệ thống nhà ở cho cán bộ công nhân viên... Như vậy, KCN sinh thái này sẽ như một khu trung tâm kinh tế, văn hóa, xã hội của địa phương. Ở đó, sẽ có doanh nghiệp chuyên trách xử lý nước thải, thu dọn rác công nghiệp, cung ứng thực phẩm, có hệ thống chợ ẩm thực, siêu thị giá rẻ, vườn hoa, công viên, khu vui chơi giải trí...

Phân tích về phát triển KCN sinh thái, TS Nguyễn Cao Lãnh - Trưởng Khoa Kiến trúc và Quy hoạch (trường Đại học Xây Dựng) nhận định: Đối với KCN phát triển thế hệ mới, phải trở thành thực thể hữu cơ, tương tác hữu cơ lẫn nhau tương tác với đô thị.

“Việt Nam đang trên con đường công nghiệp hóa, mà hạt nhân của công nghiệp hóa là các KCN. Theo Nghị quyết của Chính phủ đến năm 2030 chúng ta sẽ trở thành nước công nghiệp theo hướng hiện đại. Chỉ còn 10 năm nữa chúng ta phải hoàn thành mục tiêu rất mới này. Với mô hình của KCN cũ thì chúng tôi rất băn khoăn có thể đạt được mục tiêu đó. Trên bình diện bất động sản (BĐS), doanh nghiệp (DN) BĐS Việt Nam hoàn toàn có đủ tiềm lực, đây là cơ hội và yêu cầu tất yếu về KCN thế hệ mới”- TS Lãnh lý giải.

Trong khi đó, theo ông Đỗ Nhất Hoàng - Cục trưởng Cục Đầu tư nước ngoài (Bộ Kế hoạch và Đầu tư), chuyển dịch, tái cơ cấu là điều cần thiết. Để nắm bắt cơ hội vàng này trong thu hút đầu tư thì cần hấp thụ được dòng vốn này. Nghị quyết 50 của Thủ tướng đã đặt ra mục tiêu trong thu hút FDI chính là ra thu hút đầu tư có chọn lọc. Theo định hướng đó, Việt Nam cần thu hút những dự án có chất lượng và có giá trị lan tỏa, hướng đến sự phát triển quốc gia như công nghệ cao, chuyển giao công nghệ và giá trị gia tăng của đầu tư nước ngoài tại Việt Nam. Quốc hội thông qua luật đầu tư, có điều khoản về ưu đãi, đào tạo nguồn nhân lực.

GS Đặng Hùng Võ - nguyên Thứ Trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường chỉ ra, hiện nay, chất lượng quản lý KCN ở Việt Nam vẫn còn rất hạn chế, thậm chí có thể nói là còn "bao cấp". Thủ tục hành chính quản lý các KCN vẫn còn nặng nề khi có quá nhiều thủ tục. Chúng ta phải hiểu rằng, chúng ta quản ý chặt là để thúc đẩy phat triển nhưng dường như Nhà nước càng quản chặt thì sự phát triển của các KCN càng "teo" lại. Chúng ta cần có quy hoạch, chúng ta cần thay đổi nếu không sẽ lệch về tư duy khi các nhà đầu tư nước ngoài vào Việt Nam. “Chúng ta phải mở cửa hơn nữa thị trường BĐS công nghiệp” – GS Đặng Hùng Võ nhấn mạnh.

Lê Anh

Nguồn ĐCSVN: http://dangcongsan.vn/kinh-te/khu-cong-nghiep-the-he-moi-phai-tuong-tac-voi-do-thi-564454.html