Khu công nghiệp hút vốn đầu tư trong nước

Nguồn vốn đầu tư trong nước vào các khu công nghiệp (KCN) của Đồng Nai những năm gần đây tăng dần. Các doanh nghiệp (DN) Việt sau khi vào KCN đã tăng vốn, mở rộng sản xuất từng bước lớn mạnh, sản phẩm làm ra đáp ứng nhu cầu trong nước, xuất khẩu.

Công ty CP Đồng Tiến đã dời nhà máy sản xuất vào Khu công nghiệp Amata (TP.Biên Hòa) để sản xuất được thuận lợi hơn. Ảnh: K.MINH

Công ty CP Đồng Tiến đã dời nhà máy sản xuất vào Khu công nghiệp Amata (TP.Biên Hòa) để sản xuất được thuận lợi hơn. Ảnh: K.MINH

Theo Ban Quản lý các KCN Đồng Nai, các KCN trên địa bàn tỉnh thu hút 552 dự án có vốn đầu tư trong nước, với tổng vốn đăng ký hơn 67,5 ngàn tỷ đồng. Dự án có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) khoảng 1.362 dự án với vốn đăng ký là 29,9 tỷ USD.

* Tỷ lệ giải ngân vốn cao

Đồng Nai hiện có 31 KCN đang hoạt động, các KCN tập trung nhiều ở khu vực các huyện Nhơn Trạch, Long Thành, Trảng Bom và TP.Biên Hòa. Các DN Việt khi được UBND tỉnh cấp giấy chứng nhận đầu tư vào các KCN triển khai dự án tương đối nhanh. Đến nay, đã có 441 dự án đang hoạt động với vốn đăng ký gần 54,5 ngàn tỷ đồng. Theo đó, tỷ lệ giải ngân của các dự án có vốn đầu tư trong nước ở các KCN của tỉnh đạt gần 81%, cao hơn nhiều so với bình quân chung cả nước. Đồng thời, vốn giải ngân cũng cao hơn các DN FDI trong các KCN khoảng 3%.

Theo Ban Quản lý các KCN Đồng Nai, trong các KCN trên địa bàn tỉnh có 51 dự án có vốn đầu tư trong nước chưa triển khai xây dựng với vốn đăng ký 5.741 tỷ đồng. Bên cạnh đó, thời gian qua có 8 dự án ngưng hoạt động có vốn đăng ký 673 tỷ đồng.

Hiện các DN Việt đang triển khai xây dựng 52 dự án với vốn đăng ký 6.629 tỷ đồng ở các KCN trên địa bàn tỉnh, dự tính trong năm 2021 hoặc năm 2022 sẽ hoàn thành xây dựng nhà xưởng, văn phòng, lắp đặt máy móc thiết bị để đi vào sản xuất.

Ông Lê Văn Danh, Phó trưởng ban phụ trách Ban Quản lý các KCN Đồng Nai cho biết: “Những năm gần đây, các dự án có vốn đầu tư trong nước đăng ký thuê đất tại các KCN của tỉnh tăng. Vì thế, cơ cấu sản xuất công nghiệp của DN Việt cũng tăng theo. Các DN Việt đầu tư vào nhiều ngành nghề khác nhau, từng bước ứng dụng công nghệ hiện đại vào trong sản xuất, sản phẩm làm ra cung ứng cho DN FDI tại Việt Nam, xuất khẩu”.

Các DN Việt rót vốn vào các KCN trên địa bàn tỉnh tuy nhiều ngành nghề nhưng tập trung ở lĩnh vực dệt may, giày dép, cơ khí chế tạo, sản phẩm gỗ, chế biến nông sản, thiết bị máy móc... Sản phẩm sản xuất ra có đến 60% đưa đi xuất khẩu và 40% tiêu thụ tại thị trường nội địa. Nhiều DN Việt trong các KCN đã kết nối được với DN FDI tại Đồng Nai để cung ứng sản phẩm đầu vào.

* Vốn đăng ký còn khiêm tốn

Dù số dự án, nguồn vốn của DN Việt vào các KCN ở Đồng Nai những năm gần đây được cải thiện nhiều so với trước, nhưng vẫn còn rất khiêm tốn so với các dự án FDI. Cụ thể, số dự án của DN Việt đăng ký vào các KCN chiếm hơn 40,5% so với DN FDI, nhưng vốn đăng ký chiếm 11%. Kết quả trên chưa đánh giá được hiệu quả của dự án, vì dự án có thể vốn ít nhưng giá trị gia tăng đem lại cao. Thế nhưng, trong cuộc đua phát triển công nghiệp thì các DN Việt vẫn yếu thế hơn DN FDI.

Theo Sở KH-ĐT, Đồng Nai có hơn 34,9 ngàn DN Việt được thành lập từ năm 1991 đến nay đang hoạt động. Tuy nhiên, DN Việt có đủ điều kiện thuê đất và sản xuất trong các KCN còn ít. Các DN Việt muốn sản xuất ổn định, đảm bảo môi trường phải vào các KCN, cụm công nghiệp. UBND tỉnh đã có chính sách di dời các DN vào các KCN, cụm công nghiệp để phát triển, như vậy sản phẩm làm ra dễ dàng đáp ứng được yêu cầu của khách hàng trong nước, nước ngoài.

Ông Nguyễn Thành Đạt, Tổng giám đốc Công ty TNHH MTV Đầu tư xây dựng KCN Nhơn Trạch 6A (H.Nhơn Trạch) cho rằng, các DN Việt đầu tư vào các KCN có cải thiện nhưng vẫn còn yếu hơn DN FDI và số dự án có vốn đầu tư lớn cũng không nhiều.

Theo Chủ tịch UBND tỉnh Cao Tiến Dũng, tới đây, Đồng Nai tiếp tục đầu tư hạ tầng các KCN, cụm công nghiệp thu hút nguồn vốn đầu tư trong nước, nước ngoài vào phát triển công nghiệp. Trong đó, tỉnh ưu tiên hàng đầu là lựa chọn những dự án có công nghệ hiện đại, giá trị gia tăng cao. Các DN Việt thuê đất trong các KCN, cụm công nghiệp sẽ yên tâm đầu tư phát triển, nâng cao chất lượng sản phẩm để tham gia vào chuỗi cung ứng toàn cầu. Các DN Việt đang có ưu thế là nhiều DN FDI tại Việt Nam đang muốn tìm nguồn cung nguyên liệu trong nước để đáp ứng được các quy định về nguồn gốc xuất xứ hàng hóa, khi xuất khẩu vào các nước đã có ký kết hiệp định thương mại tự do với nước ta có thể hưởng ưu đãi về thuế quan.

Khánh Minh

Nguồn Đồng Nai: http://www.baodongnai.com.vn/kinhte/202104/khu-cong-nghiep-hut-von-dau-tu-trong-nuoc-3053181/