Khu công nghệ cao TP.HCM thu hút 5.4 tỷ USD vốn FDI

Đó là số vốn đầu tư mà các doanh nghiệp có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) rót vào Khu công nghệ cao TP.HCM trong 16 năm qua, trong đó, có các tập đoàn, công ty công nghệ cao hàng đầu thế giới như: Intel, Sanofi, Samsung, Schneider, Datalogic, Jabil,....

Thông tin tại Lễ kỷ niệm 16 năm thành lập được tổ chức ngày 24/10, ông Lê Hoài Quốc, Trưởng ban quản lý Khu công nghệ cao TP.HCM (SHTP) cho biết, đến nay, Ban đã cấp giấy chứng nhận đầu tư cho 148 dự án, với vốn đầu tư 38.290,8 tỷ đồng cho 93 dự án trong nước và 5,4 tỷ USD cho 55 dự án FDI. Kết quả này đã góp phần tích cực bổ sung nguồn vốn đầu tư FDI đóng góp cho tăng trưởng kinh tế thành phố; đồng thời góp phần giải quyết việc làm và đào tạo, nâng cao tay nghề cho người lao động.

Ông Lê Hoài Quốc trao giấy khen của Ban quản lý Khu công nghệ cao TP.HCM cho các doanh nghiệp có thành tích trong hoạt động nghiên cứu và phát triển.

Giá trị sản xuất của các doanh nghiệp tại SHTP tăng dần qua các năm và tổng giá trị sản lượng sản phẩm công nghệ cao đến nay đã đạt gần 45 tỷ USD. Dự kiến trong năm 2018 sẽ đạt giá trị sản xuất là 14 tỷ USD và đến năm 2020 sẽ vượt mốc 20 tỷ USD.

Hoạt động nghiên cứu – triển khai, đào tạo, ươm tạo tại SHTP cũng đạt được những kết quả khá tốt. Đối với nghiên cứu triển khai, có 5 phòng thí nghiệm đã đi vào hoạt động; thu hút được 16 tiến sĩ, thạc sĩ làm việc tại các phòng thí nghiệm này. Theo đó đã có hơn 40 bài báo khoa học đăng trên tạp chí Quốc tế ISI và trong nước; 4 sở hữu trí tuệ đã được công bố và 7 sản phẩm thương mại hóa.

Thông qua hợp tác với các đối tác từ Nhật Bản, Hàn Quốc, Hoa Kỳ…đã hình thành các trung tâm đào tạo theo nhu cầu của doanh nghiệp như: Trung tâm đổi mới sáng tạo SHTP-Microsoft (SMIC), Xưởng thực hành tự động hóa “Factory Automation”, Trung tâm chuyển giao công nghệ Việt – Nhật,....

Vườn ươm doanh nghiệp đã hỗ trợ cho 25 dự án thương mại hóa sản phẩm thành công, chiếm tỷ lệ 47% trên tổng số lượng dự án được ươm tạo; 9 doanh nghiệp ươm tạo đã tốt nghiệp; 100% các dự án ươm tạo có công nghệ do chính người Việt Nam sở hữu và phát triển. Các doanh nghiệp ươm tạo đã thu hút và tạo việc làm cho hơn 300 lao động có trình độ cao. Tổng doanh thu của các dự án đang ươm tạo năm 2017 đạt trên 5 tỷ đồng…

Cũng theo ông Quốc, định hướng phát triển đến năm 2020 và tầm nhìn đến năm 2030 của Khu công nghệ cao TP.HCM sẽ tập trung vào nhiệm vụ tiếp cận và đón đầu sự phát triển của cách mạng công nghiệp 4.0 dựa trên nền tảng công nghệ số và tích hợp tất cả các công nghệ thông minh để tối ưu hóa quy trình, phương thức sản xuất; với những công nghệ đang và sẽ có tác động lớn như công nghệ in 3D, công nghệ sinh học, công nghệ vật liệu mới, công nghệ tự động hóa, robot…

Hiện nay, Thành phố có định hướng xây dựng, phát triển Khu đô thị sáng tạo TP.HCM sẽ bao phủ diện tích của quận 2, quận 9 và quận Thủ Đức, quy mô khoảng 22.000 ha, với khoảng hơn 1 triệu dân. Trong đó, quận 2 là trung tâm tài chính tương lai với Khu đô thị mới Thủ Thiêm, quận 9 sẽ phát triển khoa học công nghệ với trung tâm là Khu công nghệ cao TP.HCM, còn quận Thủ Đức là nơi tập trung nhiều trường đại học chất lượng cao mà hạt nhân là Đại học Quốc gia TP.HCM. Với định hướng này, Khu công nghệ cao TP.HCM sẽ xây dựng hoàn thiện “Hệ sinh thái đổi mới sáng tạo” trong Khu đô thị sáng tạo.

Nguồn Đầu Tư: https://baodautu.vn/khu-cong-nghe-cao-tphcm-thu-hut-54-ty-usd-von-fdi-d89900.html