Khu công nghệ cao Đà Nẵng tìm cách thu hút nhà đầu tư

Là một trong ba khu nghệ cao tập trung của cả nước, Khu công nghệ cao Đà Nẵng (DHTP) có nhiều lợi thế để thu hút nhiều nhà đầu tư hơn sau tám năm hoạt động.

DHTP hiện nay chỉ mới thu hút 4 nhà đầu tư nước ngoài, bao gồm 3 doanh nghiệp Nhật và 1 doanh nghiệp Hàn Quốc. Ảnh: Nhân Tâm

Ngày 22-5 vừa qua, Công ty TNHH Tokyo Keiki Precision Technology (Nhật Bản) đã kỷ niệm lần thứ 3 ngày đưa vào hoạt động nhà máy sản xuất đầu tiên của mình ở Khu công nghệ cao Đà Nẵng (DHTP). Nhà máy này được xây dựng trên diện tích 3ha với tổng vốn đầu tư 40 triệu đô la chuyên sản xuất các thiết bị thủy lực; hàng hải, hàng không, bao gồm sản phẩm vận chuyển mạch điện từ và bơm cánh quạt cao áp, công suất 894.000 sản phẩm mỗi năm.

Được khánh thành sau công ty Tokyo Keiki Precision Technology một năm, nhà máy của công ty Niwa Foundry Việt Nam (cũng của Nhật Bản) hoạt động trong lĩnh vực cơ khí chính xác, chuyên đúc các linh kiện, phụ kiện trong các bộ phận thủy lực, các bộ phận cơ khí có độ chính xác cao sử dụng cho máy móc công nghiệp… với quy mô sản xuất trong giai đoạn 1 là 480.000 sản phẩm mỗi năm. Theo công ty Niwa Foundry Việt Nam, các mặt hàng do nhà máy này sản xuất sẽ được bán cho các doanh nghiệp hoạt động trong các khu chế xuất trong nước, như ở Đà Nẵng, Bình Dương và xuất khẩu theo các đơn hàng của các doanh nghiệp nước ngoài có trụ sở ở Thái Lan, Indonesia. Theo dự kiến khi đạt mức công suất cao nhất vào năm 2020, nhà máy sẽ sản xuất được đến 4,8 triệu sản phẩm mỗi năm.

Tokyo Keiki Precision Technology và Niwa Foundry Việt Nam là hai công ty có nhà máy đầu tiên với 100% vốn đầu tư từ nước ngoài đặt trụ sở ở DHTP. Ông Nobuo Kamioka, Tổng giám đốc công ty TNHH Tokyo Keiki Precision Technology, cho biết vào thời điểm nhà máy đi vào hoạt động cách đây vài năm công ty của ông rất băn khoăn, lo lắng vì DHTP vẫn chưa có hạ tầng kỹ thuật đồng bộ, chưa có tường rào bao quanh, giao thông chưa khớp nối, hệ thống điện, nước chưa có và không đảm bảo an ninh trật tự và an toàn giao thông. Giờ thì những mối bận tâm đó của Tokyo Keiki Precision Technology đã được giải quyết khá thỏa đáng. Hạ tầng và các đường đi vào nhà máy của công ty đã được hoàn chỉnh, hệ thống điện nước đã đầy đủ, an ninh được đảm bảo, đường đi từ trung tâm thành phố đến DHTP đã thuận tiện hơn.

Bên trong nhà máy của Công ty TNHH Tokyo Keiki Precision Technology. Ảnh: Nhân Tâm

Bước khởi đầu gian nan

Trở lại thời điểm DHTP được thành lập vào tháng 10-2010, khu công nghiệp này phải đối mặt với nhiều sự trở ngại mà các lý do khách quan và chủ quan đều có đủ. Mãi đến cuối năm 2012, Ban quản lý DHTP mới bắt tay vào xây dựng hạ tầng kỹ thuật và đến cuối năm 2014 mới bắt đầu có mặt bằng để giới thiệu cho nhà đầu tư. Và đến nay, DHTP đã xây dựng đầy đủ hạ tầng cho khoảng 400 ha trong tổng diện tích hơn 1.100ha của toàn khu. Đây là nơi diễn ra hoạt động của 11 dự án đầu tư, trong đó có bốn dự án nước ngoài.

Ông Đoàn Ngọc Hùng Anh, Phó trưởng ban quản lý DHTP, nói: “Trong giai đoạn đầu, việc thu hút đầu tư vào khu công nghệ cao gặp rất nhiều khó khăn vì cơ sở hạ tầng chưa hoàn thiện, chưa có các tuyến xe buýt kết nối trung tâm thành phố với DHTP, chưa có các dịch vụ phục vụ hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp, như ngân hàng, hải quan, an ninh và chưa có nhà ở cho công nhân”. Cũng theo ông Hùng Anh, sự khó khăn ban đầu không chỉ có công tác xây dựng, làm hạ tầng sao cho có khả năng đáp ứng được các yêu cầu đặc thù theo ngành sản xuất của các doanh nghiệp lớn ở trong nước và nước ngoài mà còn là sự chuẩn bị cẩn thận, kỹ lưỡng ở mặt thủ tục pháp lý để tiếp nhận các dự án đầu tư vào một khu công nghệ cao như DHTP. Ví dụ, các dự án đầu tư vào khu công nghệ cao thường được yêu cầu phải đáp ứng đầy đủ các tiêu chí công nghệ cao theo quy định pháp luật Việt Nam.

Tìm lối đi riêng

Theo ông Hùng Anh, để tạo điều kiện cho các nhà đầu tư vào các dự án sản xuất công nghệ cao, DHTP ưu tiên xây dựng hạ tầng kỹ thuật trước để phục vụ các nhà đầu tư nhưng bằng cả hai hình thức là tự đầu tư và kêu gọi đầu tư.

Hiện nay, DHTP đã cơ bản hoàn thành xây dựng hạ tầng kỹ thuật thiết yếu như đường giao thông, cây xanh đã hoàn thành, hệ thống cấp điện, cấp nước, thoát nước, hạ tầng công nghệ thông tin, viễn thông đã được cung cấp đến chân tường rào doanh nghiệp, trong khi giai đoạn thứ nhất của Nhà máy xử lý nước thải với công suất 4.500m3/ngày đêm cũng đã được vận hành và đưa vào sử dụng bên cạnh trạm biến áp 110/22kV, công suất 40MVA đã được đưa vào sử dụng.

DHTP có kho ngoại quan đầu tiên

Bên cạnh đó, Ban Quản lý cũng đang huy động nguồn vốn để xây dựng một số công trình thiết yếu của khu công nghệ cao, như Trung tâm ươm tạo công nghệ cao, Trung tâm đào tạo, Trung tâm Nghiên cứu ứng dụng và Phát triển công nghệ (R&D) để tiến hành các hoạt động đào tạo, nghiên cứu - phát triển công nghệ cao, ươm tạo doanh nghiệp công nghệ cao song song với hoạt động sản xuất công nghệ cao. “Chúng tôi cũng kêu gọi xã hội hóa đầu tư đối với các dự án có khả năng thương mại hóa như khu bảo thuế, kho ngoại quan để tạm lưu giữ hàng hóa xuất của các doanh nghiệp trong khu công nghệ cao này, khu nhà ở và dịch vụ chuyên gia để đẩy nhanh tiến độ đầu tư xây dựng và hoàn thiện cơ sở hạ tầng của khu công nghệ cao”, ông Hủng Anh cho biết.

Ông Lê Cảnh Dương, Giám đốc Ban Xúc tiến và Hỗ trợ đầu tư (IPA) Đà Nẵng, đã xác nhận điều này và cho biết cơ quan của ông đang hỗ trợ Ban quản lý DHTP xúc tiến kêu gọi đầu tư vào ba dự án bao gồm Khu nhà ở, Trung tâm đào tạo, và Trung tâm dịch vụ trong DHTP với tổng vốn đầu tư gần 1,3 tỉ đồng dưới nhiều hình thức khác nhau. Các doanh nghiệp trong và ngoài nước có thể tham gia đầu tư theo hình thức xây dựng - vận hành - chuyển giao (BOT) hoặc đối tác công - tư (PPP). Theo kế hoạch, toàn bộ hạ tầng kỹ thuật của DHTP sẽ được hoàn thành vào năm 2020.

Ưu đãi “có một không hai” - cơ hội cho người đến sớm

Ông Hùng Anh cho biết, Ban quản lý DHTP đang tiếp tục tổ chức và tham gia các cuộc hội thảo, tọa đàm trong nước và nước ngoài để quảng bá môi trường đầu tư của DHTP đến các doanh nghiệp quan tâm tìm hiểu đầu tư tại Việt Nam nói chung và Đà Nẵng nói riêng. DHTP cũng thiết lập và đẩy mạnh các mối quan hệ hợp tác với các cơ quan trong nước và quốc tế, các tổ chức xúc tiến đầu tư như VCCI, JETRO, KORCHAM, EUROCHAM, AMCHAM… qua đó, Ban Quản lý có thể kết nối với các hiệp hội doanh nghiệp Hàn Quốc, Nhật Bản, Mỹ, châu Âu… đang hoạt động và đầu tư tại Việt Nam, giúp mở rộng mạng lưới quảng bá thông tin đến các nhà đầu tư tiềm năng.

Ngoài ra, Ban quản lý cũng đặc biệt quan tâm đến công tác xúc tiến đầu tư tại chỗ. Hằng tháng, DHTP tổ chức các buổi đối thoại với các doanh nghiệp trong Khu CNC, có sự tham gia các sở, ban, ngành và các cơ quan liên quan để lắng nghe và giải đáp kịp thời những khó khăn, vướng mắc của doanh nghiệp. Theo vị Phó trưởng ban, tại các buổi xúc tiến đầu tư, ông sẽ giới thiệu những sự ưu đãi mà ông gọi là “có một không hai” mà Chính phủ ưu ái dành riêng cho DHTP. Theo đó, ngoài các chính sách ưu đãi cho các dự án đầu tư trong lĩnh vực công nghệ cao theo quy định hiện hành của pháp luật, các dự án đầu tư vào DHTP sẽ được hưởng sự ưu đãi ở mức cao nhất. Đặc biệt, đối với các dự án có vốn đầu tư từ 3.000 tỉ đồng trở lên (tương đương 132 triệu đô la), sẽ được áp dụng thuế suất thuế thu nhập doanh nghiệp 10% trong vòng 30 năm và không phải hoàn trả tiền bồi thường giải phóng mặt bằng cho Nhà nước.

Về cơ sở hạ tầng, ông Hùng Anh còn chia sẻ thêm với TBVTSG, tuyến đường Nguyễn Tất Thành kết nối từ trung tâm thành phố đi đến DHTP đã được khánh thành đưa vào sử dụng vào đầu năm nay thật sự là một điểm cộng về sự thuận lợi cho DHTP trong việc hút sự chú ý của các nhà đầu tư lớn trong và ngoài nước.

Được biết, sau khi hoàn thành, tuyến đường Nguyễn Tất Thành và Nguyễn Tất Thành nối dài trở thành tuyến đường ngắn nhất và thông thoáng nhất từ trung tâm thành phố Đà Nẵng đến DHTP, cũng như đến dự án Khu công nghiệp Hòa Ninh và cả vùng Tây Bắc của thành phố. Thời gian di chuyển bằng xe hơi từ trung tâm thành phố đến DHTP chỉ còn khoảng 20 phút. Việc vận chuyển hàng hóa được rút ngắn và thuận lợi hơn sẽ giúp làm giảm chi phí cho doanh nghiệp tại DHTP. Mặt khác, việc đi lại thuận tiện, an toàn hơn của người lao động, cộng với tuyến xe buýt từ trung tâm thành phố đến Khu công nghệ cao dự kiến bắt đầu vận hành trong tháng 7 năm nay sẽ giúp việc tuyển dụng lao động có chất lượng dễ dàng hơn trước đây.

Nhân Tâm

Nguồn Saigon Times: http://www.thesaigontimes.vn/273077/khu-cong-nghe-cao-da-nang-tim-cach-thu-hut-nha-dau-tu-.html