Khu Bảo tồn thiên nhiên - văn hóa Đồng Nai: Nguy cơ mất hai danh hiệu quốc tế nếu xây cầu Mã Đà

Nếu xây dựng cầu Mã Đà và đường đi qua vùng lõi, không chỉ UNESCO sẽ rút danh hiệu Khu Dự trữ sinh quyển thế giới Đồng Nai, mà còn dẫn tới nguy cơ mất danh hiệu Vườn Di sản ASEAN và Ramsar.

Khu bảo tồn thiên nhiên - văn hóa Đồng Nai là nơi cư trú của nhiều loài động vật hoang dã, quý hiếm.

Vi phạm cả Công ước CBD quốc tế

Sau loạt bài “Bảo vệ khu sinh quyển thế giới hay phá vỡ vì sinh kế”, ngày 6/4/2022, Cục Bảo tồn thiên nhiên và Đa dạng sinh học (Tổng cục Môi trường, Bộ Tài nguyên và Môi trường) đã có cuộc họp gấp với Khu Bảo tồn thiên nhiên - văn hóa Đồng Nai cùng nhiều chuyên gia về bảo tồn thiên nhiên, sinh học Việt Nam.

Hầu như tất cả thành viên cuộc họp đều bức xúc với toan tính xây dựng tuyến đường và cầu Mã Đà 40 km xuyên qua vùng lõi Khu Bảo tồn thiên nhiên - văn hóa Đồng Nai đã được UNESCO công nhận danh hiệu Khu Dự trữ sinh quyển thế giới.

GS. Hoàng Văn Thắng, Phó chủ tịch thường trực Hội Đất ngập nước Việt Nam cho rằng, nếu được chấp thuận, dự án này sẽ làm 4 làn đường và sẽ có tới 50 ha rừng vùng lõi quý hiếm bị xóa sổ và làm phân mảnh cực lớn khu rừng. Điều này sẽ tác động rất tiêu cực đến đa dạng sinh học, các hệ sinh thái và các loài, đặc biệt là các loài quý hiếm trong Sách Đỏ Việt Nam và Danh lục Đỏ IUCN.

Với diện tích phá lớn như vậy, theo quy định, việc chuyển đổi mục đích sử dụng đất từ 50 ha ở vùng lõi cần phải được Quốc hội thông qua.

Bên cạnh đó, dự án này sẽ vi phạm cùng lúc nhiều văn bản pháp luật của Việt Nam, như Luật Đa dạng sinh học, Luật Lâm nghiệp, Luật Bảo vệ môi trường các nghị định liên quan.

Chưa dừng lại, theo bà Kim Tĩnh (Phòng Sinh thái, Cục Bảo tồn thiên nhiên và Đa dạng sinh học), Dự án thực hiện không phải vì mục đích quốc phòng, an ninh, nên sẽ vi phạm Điều 7, Luật Đa dạng sinh học.

Đó là chưa kể, theo bà Tĩnh, việc làm này còn vi phạm Công ước toàn cầu về Đa dạng sinh học (Công ước CBD), mà Việt Nam đã chính thức gia nhập từ năm 1994. Bộ Tài nguyên và Môi trường chịu trách nhiệm làm cơ quan đầu mối quốc gia thực hiện công ước này. Đây là công ước về đa dạng sinh học có mục tiêu phát triển các chiến lược quốc gia về bảo tồn và sử dụng bền vững đa dạng sinh học với sự tham gia ký kết của 196 quốc gia.

Mất cả chì lẫn chài

Tại cuộc họp, các chuyên gia phân tích, việc thực hiện Dự án còn phải xin ý kiến của Ủy ban Quốc gia Chương trình Con người và Sinh quyển Việt Nam.

Vấn đề này, GS. Nguyễn Hoàng Trí, Chủ tịch Ủy ban Quốc gia Chương trình Con người và Sinh quyển Việt Nam thẳng thắn: “Quan điểm của Ủy ban là thống nhất với Khu Bảo tồn, Khu Dự trữ sinh quyển thế giới về việc không xây dựng cầu, đường đi qua vùng lõi Khu Dự trữ sinh quyển thế giới Đồng Nai. Cần phải cân bằng giữa mục tiêu bảo tồn và phát triển”.

GS. Nguyễn Hoàng Trí còn cho biết, nếu thực hiện Dự án, các bên liên quan sẽ báo cáo và khả năng cao là UNESCO sẽ rút danh hiệu Khu Dự trữ sinh quyển thế giới, ảnh hưởng đến uy tín của Việt Nam trên các diễn đàn quốc tế.

Ông Lê Hồng Anh, Phó viện trưởng Viện Sinh thái và Tài nguyên sinh vật (Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam) cho rằng, lý do rút danh hiệu bởi theo UNESCO, vùng lõi Khu Dự trữ sinh quyển thế giới phải được ưu tiên bảo vệ, giám sát nghiêm ngặt, nhằm giảm thiểu tác động của con người.

Chưa dừng lại, theo ông Trần Ngọc Cường, Trưởng phòng Sinh thái, Cục Bảo tồn thiên nhiên và Đa dạng sinh học, Khu bảo tồn đang đề cử hồ sơ Ramsar (Công ước Ramsar) và Vườn Di sản ASEAN (AHP).

Ramsar là một công ước quốc tế về bảo tồn và sử dụng một cách hợp lý và thích đáng các vùng đất ngập nước có tầm quan trọng quốc tế, đặc biệt như là nơi cư trú của các loài chim nước. Việt Nam đã trở thành thành viên thứ 50 của Công ước Ramsar từ năm 1989 và là nước đầu tiên ở khu vực Đông Nam Á tham gia Công ước. Việt Nam hiện có 9 khu đất ngập nước được công nhận là khu Ramsar thế giới.

Còn danh hiệu Vườn Di sản ASEAN là một danh hiệu được các nước ASEAN công nhận cho các khu bảo tồn thiên nhiên thuộc các nước trong khối ASEAN. Khi được công nhận các danh hiệu này, các vườn quốc gia/khu bảo tồn thiên nhiên sẽ được nhiều tổ chức, cá nhân biết đến hơn và sẽ được ưu tiên hơn trong các hoạt động tài trợ, hỗ trợ về tài chính và kỹ thuật để thực hiện nhiệm vụ duy trì, gìn giữ và phát huy các giá trị đa dạng sinh học, các hệ sinh thái, sinh cảnh của mình.

Nếu được duyệt, Đồng Nai sẽ ghi tên lên bản đồ di sản và du lịch trong khu vực và thế giới, trở thành điểm đến hấp dẫn của khách du lịch, các nhà nghiên cứu khoa học, nhằm khám phá thiên nhiên, sự đa dạng sinh học cũng như những giá trị văn hóa, lịch sử.

Tuy nhiên, nếu tuyến cầu, đường được xây dựng, sẽ ảnh hưởng lớn đến quá trình công nhận 2 danh hiệu quốc tế này.

Dự kiến, sắp tới, Cục Bảo tồn thiên nhiên và Đa dạng sinh học, với vai trò là đầu mối quản lý về các di sản thiên nhiên, sẽ kiến nghị cấp có thẩm quyền liên quan về việc xây dựng cầu Mã Đà và đường xuyên qua vùng lõi Khu Dự trữ sinh quyển thế giới Đồng Nai.

Ngô Nguyên

Nguồn Đầu Tư: https://baodautu.vn/khu-bao-ton-thien-nhien---van-hoa-dong-nai-nguy-co-mat-hai-danh-hieu-quoc-te-neu-xay-cau-ma-da-d163631.html