Khớp phả

Tại huyện Tân Sơn, tỉnh Phú Thọ, từ lâu, có một bộ phận dân cư mang họ Đinh Công kèm theo gia phả chi tiết. Mộ cụ tổ của họ vẫn đó, nhưng người nằm dưới mộ lại chưa biết tên. Và cho đến 160 năm sau, thân thế 'cụ tổ' của họ mới minh tường…

Mùa hè năm 1993, tuổi cao sức yếu, khi lâm bệnh nặng, cụ Đinh Công Sách ở xóm Trò, xã Tân Phú, huyện Tân Sơn, tỉnh Phú Thọ cho gọi các chi trưởng trong tộc họ Đinh Công đến mà rằng: "Theo các cụ truyền lại thì họ Đinh Công ở Tân Sơn của chúng ta hiện nay có nguồn gốc từ Mường Động tỉnh Hòa Bình. Nơi có nghĩa địa với những hòn mồ đá cao vượt đầu người. Bằng giá nào, con cháu chúng ta cũng phải tìm cho ra cội nguồn của mình".

Ghi nhớ lời cha dặn và cũng là thể nguyện của các chi họ Đinh Công, ông Đinh Công Trường, con cả cụ Sách dành thời gian, công sức hoàn chỉnh gia phả dòng họ Đinh Công có nguồn gốc từ cụ tổ mang họ Đinh Công nhưng chưa rõ tên. Đến tháng 8/2004, cuộc họp họ diễn ra trang nghiêm và thành kính. Việc tìm ra thân thế, nguồn gốc của cụ tổ Đinh Công được đặt ra và ghi thành nghị quyết.

Thế rồi cũng phải đến ngày mồng Tám tháng Giêng năm Mậu tý 2008, một đoàn 14 người là thành viên các chi họ Đinh Công tại Tân Sơn, do ông Đinh Công Trường dẫn đầu đi xe máy theo bờ sông Đà lên Hòa Bình.

Ngôi nhà sàn 7 gian của người Mường họ Đinh Công tại xóm Trò, Tân Sơn hiện nay.

Ngôi nhà sàn 7 gian của người Mường họ Đinh Công tại xóm Trò, Tân Sơn hiện nay.

Vào tới đất Kim Bôi, họ tìm đến những nơi có họ Đinh sinh sống với khát khao tìm ra nguồn gốc và cụ tổ. Tuy nhiên, tìm quanh mấy địa phương có họ Đinh thì lại là Đinh Thế, kể cả Đinh Công nhưng không có nghĩa địa có những hòn mồ cao bằng đá như lời cụ tổ của họ kể. Trời gần tối, họ được giới thiệu tới xã Vĩnh Đồng. Hôm đó, xã Vĩnh Đồng tổ chức lễ hội xuống đồng. Trực ủy ban chỉ còn lại một vài người. Thấy có đoàn người từ nơi xa tới tìm nguồn gốc, ai nấy đều cảm động và trân trọng. Khi giới thiệu cho các vị khách thăm nhà văn hóa, lịch sử quê hương Vĩnh Đồng… ông Đinh Công Trường thốt lên, đây, đây …những hòn mồ đây… Cả đoàn người xúm lại nâng niu cuốn sách "Lịch sử khu mộ Đống Thếch". Mặc cho chiều muộn, họ đề nghị được ra thắp hương và chiêm bái Khu mộ cổ này.

Đoàn người từ Tân Sơn, Phú Thọ ào đến. Những khát khao cháy bỏng nay hiện diện trước mắt họ. Những nắm hương trầm được tỏa hương trong hơi xuân cùng tấm lòng thành kính đối với những người nằm dưới khu mộ. Họ đi quanh những ngôi mộ và vuốt tay vào những cột đá rào quanh. Không ai bảo ai, họ đều khẳng định, đây là nghĩa địa mà vị ông tổ dòng họ Đinh Công bên Tân Sơn của họ đã kể.

Đêm ấy, tại gia đình ông Đinh Công Dũng, trưởng một Chi họ Đinh Công ở Vĩnh Đồng, Kim Bôi, những câu chuyện, những lời truyền được giãi bày. Bộ Gia phả dòng họ Đinh Công ở Vĩnh Đồng được mở ra… Và hôm sau, đoàn khách mang họ Đinh Công ở Tân Sơn, Phú Thọ tìm nơi photo toàn bộ bộ gia phả này.

Đinh, Quách, Bạch, Hoàng là bốn dòng họ lớn ở Hòa Bình, trong đó dòng họ Đinh Công đứng thứ Nhất và dòng họ Đinh Công có nguồn gốc ở Vĩnh Đồng, Kim Bôi là dòng lang bề thế, nối đời làm lang trước đây. Vì là dòng họ lớn nên họ có nhu cầu, có điều kiện để lập gia phả và xây dựng nghĩa địa. Có lẽ, cả khu vực phía Bắc mới có một nghĩa địa nhà lang uy nghi, bề thế như nghĩa địa mang tên Đống Thếch ở Vĩnh Đồng. Người chết được chôn dưới đất sâu. Xung quanh mộ là những cột đá được tuyển lựa từ Thanh Hóa ra làm hàng rào bao quanh.

Còn về nguồn gốc, dòng họ Đinh Công ở đây đã lập gia phả từ thế kỷ XVI cho tới nay là trên 20 đời. Chính vì bộ gia phả đồ sộ như vậy, nên không phải một lúc và không phải ai cũng tìm thấy ngay điều cần tìm. Do đó, ông Đinh Công Dũng, người đang vinh dự giữ bộ gia phả này phân trần: Chúng tôi là thế hệ hậu sinh nên không biết nhiều về gia phả. Rồi ông Đinh Công Dũng nói, giờ các anh phải xuống gặp cụ Đinh Công Lạc ở Mường Cời, Tân Vinh, Lương Sơn thì may ra mới tìm được cụ tổ bên ấy.

Vì số người đông, sự chuẩn bị cho chuyến đi chưa cho phép nên đoàn con cháu họ Đinh Công bên Tân Sơn, Phú Thọ đành ra về với bộ gia phả họ Đinh Công và hình bóng những ngôi mộ có bờ rào đá uy nghi cùng ước ao tìm ra cụ tổ của mình.

Khu mộ cổ Đống Thếch - nơi có những hòn đá rào mộ cao hơn đầu người.

Ông Đinh Công Lạc sinh năm 1941 - con trai ông Đinh Công Huy - quan Án sát tỉnh Hòa Bình, sau làm Phó Chủ tịch Ủy ban Kháng chiến tỉnh Hòa Bình. Ông Lạc học hết lớp 7 từ 1958 và có trí nhớ rất tốt. Mở gia phả dòng họ Đinh Công, ông dừng lại từ trang 122:

"Chi A11, ngành I, đời thứ 15 A11I

Ông Đinh Công Dưỡng sinh năm Quý Hợi 1803, là con trai ông Đinh Công Cát và bà Đinh Thị Kỷ. Năm Thiệu Trị thứ Tư (Giáp thân 1844), ông đã 42 tuổi, được lệnh mang quân sơn dõng đi thú ở Vân Trung, được cất nhắc lên làm "Thiên hộ hiệp quản cơ sơn dõng". Trước thời gian này, vào khoảng cuối thời vua Minh Mạng (1830 - 1840), ông Dưỡng đã theo quan quân đi thú, khi về được lệnh tổ chức "Cơ sơn dõng", ông được bổ nhiệm "Xuất đội nhất" cơ đó.

Sau ông lại được lệnh đem quan sơn dõng sang vùng Thuận Thành thuộc trấn Bắc Ninh cũng với quan quân dẹp loạn. Ông bị trúng gian kế của giặc nên đã hy sinh tại trận.

Câu chuyện như sau: Quân phiến loạn cho người sang sông điều đình xin rút đi nơi khác, không dám chống cự với quân sơn dõng. Sáng mai thấy chúng phất cờ thì cứ việc sang sông mà chiếm doanh trại, lập công. Sáng hôm sau, nhìn sang bờ bên kia sông Dâu, thấy quân giặc vội vàng xếp đồ đạc rút quân… chúng cho vài tên đứng ra bờ sông vẫy cờ lia lịa rồi bỏ chạy… Ông Dưỡng tưởng chúng rút thật nên đã thúc quân xuống thuyền bơi qua sông, không ngờ đã trúng gian kế. Chúng chờ cho quân sơn dõng vào vòng vây mới nổi hiệu xông ra dùng đoản đao và khiên, mộc đánh giáp lá cà. Quân sơn dõng phần nhiều dùng súng hỏa mai, bị đánh bất ngờ và ở thế bất lợi, hàng quân rối loạn, bỏ chạy, bị tử thương và chết đuối rất nhiều…Ông Dưỡng cũng bị hại trong trận này. Ông được truy tặng là "Hiếu trung Kỵ uy chánh thất phẩm thiên hộ". Sinh thời ông lấy 5 bà vợ sinh được 13 người con (8 trai, 5 gái).

Gia phả ghi tiếp: "Ông Dưỡng mất tại trận, không lấy được thi hài về, con cháu, dân làng dùng sọ dừa và thân cây dâu làm hình nhân. Làm ma xong thì chôn cất ở Đầm Chùa…".

Gia phả họ Đinh Công ở Tân Sơn ghi

"Cách đây khoảng 160 năm, cụ tổ của chúng ta (không biết tên tuổi) làm tướng đồn trú một nơi biên ải nào đó. Trong một trận đánh, ông thất thủ, ông phiêu bạt về xã Phong Vực, xứ Cẩm Khê, tỉnh Phú Thọ tá túc trong một gia đình giầu có. Hằng ngày ông cùng người trong gia đình đi bẻ ngô ngoài bãi hoặc cuốc ruộng ngoài đồng. Gia chủ có cô con gái là Vũ Thị Ước đã hai mươi tuổi mà chưa xuất giá. Rồi hai người bén duyên và thành vợ chồng.

Ở Cẩm Khê một thời gian, đôi vợ chồng ngược lên mạn Thanh Sơn (nay là Tân Sơn) khai khẩn đất hoang làm ăn sinh sống. Họ sinh được bốn người con, hai trai, hai gái. Vùng này có nhiều rừng cây chò cổ thụ nên khi dân cư đông lên, cụ gọi là xóm Trò cho đến nay. Điều lạ là đến khi mất, cụ chỉ nói mang họ Đinh Công chứ không nói ra tên và gốc tích của mình. Tuy vậy, khi con cháu cưỡng hỏi, cụ cũng chỉ nói quê cụ ở vùng Mường Động, Hòa Bình, nơi có khu mộ có những hòn mồ bằng đá cao hơn cả đầu người...".

Nhà thơ Lê Va (tholeva@gmail.com).

Khớp phả

Đối chiếu hai thông tin từ hai nguồn phả nêu trên, ông Đinh Công Lạc khẳng định "cụ tổ" họ Đinh Công mà con cháu bên Tân Sơn đang tìm chính là Đinh Công Dưỡng đời thứ 13 ghi trong gia phả họ Đinh Công ở Mường Động kèm theo nhận định: Do thua trận, trốn tránh sự truy lùng của giặc nên Đinh Công Dưỡng đã lẩn trốn và giấu tung tích. Ông Dưỡng đi ở cho nhà họ Vũ sau lấy vợ là Vũ Thị Ước rồi lại tìm nơi miền núi xa hơn (Thanh Sơn xưa, nay là Tân Sơn) sinh sống và lập xóm, nay chính là xóm Trò.

Đúng ngày 18/02/2009, ông Đinh Công Lạc (Hòa Bình) dẫn đoàn 11 người hậu duệ họ Đinh Công Mường Động sang Tân Sơn thông báo, khớp phả và nhận họ Đinh Công ở Tân Sơn là một chi họ Đinh Công của Mường Động và vị trưởng chi họ này là cụ Đinh Công Dưỡng sinh năm 1802.

Như thế, sau 165 năm (1844 đến 2009) một chỉ huy lính sơn dõng người Mường Hòa Bình mới được hậu duệ họ Đinh Công lưu lạc biết tên và sau đó tên của cụ được gắn tên mộ phần tại nghĩa địa xóm Trò, xã Tân Phú, huyện Tân Sơn, tỉnh Phú Thọ. Cũng từng ấy thời gian, họ Đinh Công ở Vĩnh Đồng mới biết cụ Đinh Công Dưỡng, đời thứ 13 của mình không chết trận, không mất xác mà ông lấy bà vợ thứ 6, có thêm 4 con… Và nay, con cháu cụ Đinh Công Dưỡng đã tìm về quê quán Vĩnh Đồng, Kim Bôi, Hòa Bình - nơi có một nghĩa địa có những hòn mồ bằng đá cao hơn đầu người như cái khoát tay cụ tả từ hơn trăm năm trước!

Lê Va

Nguồn CSTC: http://cstc.cand.com.vn/muon-mau-cuoc-song/khop-pha-614525/