Không yêu thương trẻ - Xin đừng dạy mầm non

Chỉ vì cháu bé nghịch, một giáo viên cơ sở mầm non Maple Bear tại Hà Nội đã dọa học sinh bằng việc nhốt cháu vào tủ quần áo rồi đóng cửa lại trong gần một phút.

Theo phụ huynh phản ánh, gần đây con gái sợ đi học, sợ mỗi khi nói đến cô giáo. Từ đó, phụ huynh nghi vấn việc con mình đã bị cô giáo dùng biện pháp gây sợ hãi. Sau nhiều lần yêu cầu nhà trường cho xem camera lớp học, phụ huynh bất ngờ và bức xúc trước hình phạt giáo viên tại đây áp dụng cho học sinh là nhốt vào trong tủ.

Chỉ vì cháu bé nghịch, một giáo viên cơ sở mầm non Maple Bear tại Hà Nội đã dọa học sinh bằng việc nhốt cháu vào tủ quần áo rồi đóng cửa lại trong gần một phút. Ảnh cắt từ clip

Chỉ vì cháu bé nghịch, một giáo viên cơ sở mầm non Maple Bear tại Hà Nội đã dọa học sinh bằng việc nhốt cháu vào tủ quần áo rồi đóng cửa lại trong gần một phút. Ảnh cắt từ clip

Xem clip tôi không muốn nhắc đến những người không có một chút kiến thức cơ bản về sư phạm, chỉ thấy tội nghiệp cháu bé bị dọa, tiếc cho cô giáo mầm non có lẽ từng được huấn luyện nghiệp vụ trên ghế nhà trường nhưng lại sử dụng phương pháp phản sư phạm.

Dọa bằng việc nhốt vào tủ quần áo rồi đóng cửa lại là cách hành xử phản cảm và gây tâm lý bất an, sợ hãi, nguy hiểm cho tính mạng của trẻ.

Tôi từng chứng kiến một cháu bé chỉ mới 4 tuổi không dám vào căn phòng trên lầu trong chính ngôi nhà của gia đình mình, lúc cha mẹ ngồi dưới tầng trệt tiếp khách. Hỏi ra mới biết đi học đến trường khi phạm lỗi, cô giáo phạt cho cháu ở một mình trong căn phòng trống bên cạnh phòng học rồi đóng cửa dọa có ma trong đó.

Hậu quả cháu bé bất an, sợ hãi tới nỗi không dám một mình đi vào phòng trong nhà. Tai hại hơn là cháu bé tỏ ra nhút nhát, dễ hoảng loạn, tâm lý không muốn đến trường. Gia đình phải mất thời gian khá lâu giải thích cho cháu bé hiểu trên đời không có ma, không có gì đáng sợ, ban ngày và ban đêm chỉ là quy luật tuần hoàn thời gian.

Những ai có tình yêu thương với trẻ mới có thể kiên trì, nhẫn nại và bao dung.

Hồi còn nhỏ đi học mỗi lần bị phạt chúng tôi thường nhận ra được lỗi của mình nhờ sự quan tâm nhắc nhở, chỉ dạy với tình yêu thương của cô giáo. Tôi vẫn còn nhớ mỗi khi trách phạt học sinh, cô giáo nói rõ lý do và tận tình hướng dẫn cách thức để không tái phạm. Qua đó, chúng tôi biết mình được cô giáo quan tâm yêu thương.

Dạy trẻ không thể cứ mãi nuông chiều, lắm khi cần nghiêm khắc để mọi sinh hoạt đi vào nề nếp. Tuy nhiên cho trẻ thấy được sự yêu thương từ chính cô giáo, giúp trẻ chú ý hơn để tránh lần sau phạm lỗi tương tự. Tuyệt đối, xin đừng bao giờ dọa trẻ.

“Vết thương” này có thể dẫn đến những tâm lý bất an, sợ hãi và ám ảnh trẻ cả đời. Trẻ rất nhạy cảm, ở nhà luôn được bao bọc và thấy an toàn trong môi trường gia đình. Đến trường, giáo viên phải hiểu tâm lý này để giúp trẻ làm quen dần với môi trường mới, cảm nhận thấy mọi thứ xung quanh mình đều thân thiện và an toàn.

Mầm non được xem là môi trường giáo dục đầu tiên, là cơ sở dạy trẻ ở độ búp măng như những tờ giấy trắng lần đầu tiếp xúc trường học. “Trẻ em như búp trên cành”, búp có phát triển tốt hay không, bên cạnh gia đình còn phụ thuộc không ít vào sự quan tâm chăm sóc và dạy dỗ của cô giáo ở trường bằng tình yêu thương.
Giáo viên mầm non có vai trò quan trọng, giúp hình thành nhân cách cho trẻ. Hành vi, cử chỉ, lời nói, hình ảnh cô giáo sẽ lưu lại trong tâm trí trẻ cả chặng đường đời.

Em tôi học ra trường đi dạy tại một cơ sở mầm non tại TP.HCM, sáng sớm đến lớp mở cửa phòng học cho thông thoáng rồi sắp xếp bàn ghế từng vị trí và đón trẻ. Học sinh mầm non vẫn là những đứa trẻ, có trẻ ăn tốt, có trẻ lười ăn, quấy khóc, hiếu động nhưng nhìn chung luôn thích được yêu thương.

Em tôi cũng nói rằng, giáo viên mầm non khác với giáo viên các cấp học khác vì còn kiêm nhiệm các vai trò “bố mẹ”, “bạn bè”, “lao công”, “tạp vụ” cho đến “diễn viên”, “nghệ sĩ”, “nhà thơ” để chăm sóc nhiều trẻ trong cả lớp học. Trẻ lúc này chưa thể tự sinh hoạt cá nhân, giáo viên mầm non phải tận tình quan tâm đến từng miếng ăn, giấc ngủ, làm cho trẻ vui vẻ.

Khi chọn đăng ký thi ngành mầm non, điều đầu tiên em chú trọng là tình yêu thương trẻ. Bởi em nghĩ giáo dục trẻ, có sự yêu thương, mới nhận lại điều tốt đẹp. Mỗi giáo viên mầm non có cách riêng dạy trẻ nhưng muốn thành công thì phương pháp nào cũng phải dựa trên tình yêu thương, khi trẻ phạm sai lầm bị trách phạt không bao giờ giận cô giáo và dễ dàng nhận ra lỗi lầm của mình. Tình yêu thương còn giúp các thành viên trong lớp học gắn kết, sẻ chia, cảm thông với nhau hơn.

Dọa trẻ cho thấy sự thất bại hoàn toàn của giáo viên, phương pháp giáo dục hiện tại. Trở thành một giáo viên mầm non tốt, xấu tùy thuộc vào mỗi người. Người hết lòng yêu thương trẻ mới yêu nghề, không chỉ là một công việc mà còn là niềm vui hàng ngày quan tâm tận tình chăm sóc và dạy bảo những đứa trẻ ngây thơ nô đùa.

Nên chăng những ai trước khi đăng ký vào học ngành sư phạm mầm non hãy nghĩ kỹ bản thân mình thật sự yêu thương trẻ ? Nếu thật sự có tình yêu thương trẻ hãy đăng ký ngành học này, còn không nên lựa chọn cho mình một ngành nghề khác.

Để góp phần chung tay xây dựng xã hội của chúng ta ngày càng tốt đẹp, Ban biên tập Báo Diễn đàn Doanh nghiệp mở diễn đàn “NGƯỜI VIỆT TỬ TẾ” mong nhận được những ý kiến, bài viết của quý độc giả, học giả, chuyên gia về vấn đề trên.

Bài vở xin gửi về hòm thư nguoiviettute@dddn.com.vn

Tác giả để lại địa chỉ và số điện thoại để chúng tôi tiện liên hệ.

Trân trọng cảm ơn.

Ban Biên tập.

Đỗ Ngô Trần (30/24 Đường 22, P. Phước Long B, Q.9, TP.HCM)

Nguồn DĐDN: https://enternews.vn/dien-dan-nguoi-viet-tu-te-khong-yeu-thuong-tre-xin-dung-day-mam-non-156268.html