Không yêu nghề, thương trò, đừng chọn nghề giáo!

Mối quan hệ giáo viên - học sinh - phụ huynh thời nào cũng nảy sinh nhiều vấn đề nhưng chưa bao giờ nhạy cảm như hiện nay. Những vụ việc gây nhức nhối dư luận bắt nguồn từ nhiều phía

"Tiên trách kỷ, hậu trách nhân", có bao giờ người thầy cảm thấy mình đã chọn sai nghề? Thực tế, một số giáo viên (GV) đang thiếu hụt 2 phẩm chất hàng đầu của nhà giáo trong bối cảnh hiện nay, đó là "yêu nghề" và "thương trò".

Nhiều bất cập trong tuyển sinh, đào tạo

Nghề giáo cũng như bao ngành nghề khác trong xã hội góp phần làm giàu, làm đẹp cho cuộc sống. Cái khác biệt lớn nhất, sản phẩm của nghề giáo là con người - chủ thể kiến tạo nên mọi mặt của đời sống xã hội. Cũng vì thế, nghề giáo được xã hội tôn vinh là "nghề cao quý nhất trong các nghề cao quý".

Chính đặc thù đó đòi hỏi nghề giáo phải khắt khe chọn lựa, sàng lọc một đội ngũ GV hội tụ đầy đủ trí tuệ, năng lực, phẩm chất, đạo đức cần thiết để xứng đáng là "tấm gương sáng ngời" cho học sinh (HS) noi theo.

Tuy nhiên, không biết từ lúc nào, nhiều người quan niệm "chuột chạy cùng sào mới vào sư phạm (SP)"; rỉ tai nhau rằng nếu năng lực hạn chế, không năng động hoặc không xin được việc với văn bằng khác thì nên… "rẽ ngang sang SP cho nhàn". Chính thực trạng đó khiến nghề giáo đang mất dần vị thế và trường SP đào tạo nên một số người thầy chưa thật sự yêu, trân quý nghề và sẵn sàng vượt khó để sống vì nghề.

Trường SP của chúng ta một thời gian dài "mở rộng cửa" đón thí sinh, lắm lúc mừng rỡ vì có những "hạt gạo trên sàn", lắm lúc ngậm ngùi nhận HS trung bình cho đủ chỉ tiêu. Đã có lúc xã hội chới với khi bức tranh tuyển sinh ấy càng ảm đạm hơn bởi các trường cao đẳng lại "năn nỉ ỉ ôi" thí sinh 9, 10 điểm vào trường.

Bên cạnh đó, quá trình đào tạo GV ở nước ta lại nặng về lý thuyết hàn lâm mà coi nhẹ thực hành. Mỗi sinh viên (SV) chỉ cần tích lũy đủ số tín chỉ cần thiết cho các môn học theo quy định và hoàn thành hai khóa kiến tập SP (3 tuần), thực tập SP (6 tuần) ở trường phổ thông là đỗ tốt nghiệp. Học kiến thức 10 phần nhưng thực tế giảng dạy lại chỉ sử dụng 1, 2 phần, vừa lãng phí kiến thức vừa không chuyên sâu, sát sao với chương trình phổ thông. Một vài tuần quan sát, làm quen, tập giảng ở trường phổ thông chỉ mới là "cưỡi ngựa xem hoa" so với thực tế công việc mà mỗi nhà giáo tương lai phải thực hiện.

Đó là bất cập vẫn tồn tại bao lâu nay trong công tác tuyển sinh, đào tạo. Làm thế nào để chọn được người yêu nghề giáo và dần dà bồi đắp tình yêu nghề trong lớp lớp thế hệ giáo sinh vẫn đang còn bỏ ngỏ.

Người thầy cần phải có chuyên môn tốt, năng lực giỏi và trái tim của một người mẹ. (Ảnh chỉ có tính minh họa)Ảnh: Tấn Thạnh

Người thầy cần phải có chuyên môn tốt, năng lực giỏi và trái tim của một người mẹ. (Ảnh chỉ có tính minh họa)Ảnh: Tấn Thạnh

Phải có trái tim của một người mẹ

Người thầy không chỉ cần chuyên môn tốt và một năng lực giỏi để đào tạo nên những con người tài năng. Người thầy cần trái tim của một người mẹ đủ kiên nhẫn, thừa bao dung và chan chứa yêu thương đàn con nhỏ. Có như thế mới có thể đi trọn đời với nghiệp trồng người gian nan.

Thiếu kiên nhẫn, thầy chẳng thể chờ đợi sự tiến bộ của trò từng chút một. Không bao dung, thầy chẳng thể vị tha trước lỗi lầm, sự nghịch dại của "nhất quỷ, nhì ma". Không nuôi dưỡng một tình yêu thương bao la, người thầy chắc chắn sẽ nhanh chóng vấp phải chướng ngại trên con đường giáo dục nhân cách HS.

Trở lại với những vụ việc bạo lực học đường nổi cộm gần đây, dư luận sở dĩ lên tiếng phẫn nộ bởi sự "quá tay", thậm chí là nhẫn tâm trong cách hành xử của thầy với trò. Trò chưa tiến bộ, chưa biết vâng lời hoặc áp lực công việc lớn đến đâu thì 1, 2 roi hay kể cả trong lúc nóng giận, cô giáo quên mất điều cấm kỵ trong nghề mà tát trò 1 cái vào mặt, người ta vẫn có thể miễn cưỡng thông cảm được. Chứ lượng cái tát lên đến con số 50, 231 thì vượt quá giới hạn mất rồi.

Ngành nghề nào rồi cũng đối diện khó khăn nhưng nghề giáo thì quả là không đong đếm nổi áp lực. Chỉ khi nào nhà giáo luôn ấp ủ lòng yêu nghề và nuôi dưỡng tình thương trò thì mới sản sinh được những nguồn năng lượng tích cực để vượt qua áp lực, hoàn thành sứ mệnh cao cả của người "kỹ sư tâm hồn". Bởi vậy, không yêu nghề, thương trò, đừng chọn nghề giáo!

Đào tạo GV ở Phần Lan

Theo trang Dự án đào tạo và hỗ trợ GV, tại Phần Lan, mục đích của việc đào tạo GV là giáo dục các công dân kiểu mẫu, những người sẽ dạy và khai hóa văn minh cho người dân Phần Lan, củng cố bản sắc dân tộc của đất nước này.

Những người muốn vào học các trường đào tạo GV ở Phần Lan phải tham gia một kỳ thi đầu vào kéo dài vài ngày. Chỉ có những ứng cử viên xuất sắc nhất mới được chọn làm GV tương lai. Kỳ thi bao gồm khám sức khỏe, phỏng vấn và các bài kiểm tra về giảng dạy. Những phương pháp tuyển chọn của các trường đào tạo GV được đổi mới liên tục nhằm tìm ra những ứng viên xuất sắc nhất.

Sau khi được nhận vào trường SP, SV chỉ được tiếp tục theo học nếu họ có kết quả tốt và không có các vấn đề liên quan đến hành vi ứng xử. Hành vi của SV được theo dõi cẩn thận, không chỉ ở trường mà cả trong thời gian rảnh; SV phải ăn mặc kín đáo và tuân theo các quy tắc nghiêm ngặt. Bất cứ ai không đáp ứng các yêu cầu đó đều bị loại khỏi trường.

Trang Nguyễn

Nguồn NLĐ: http://nld.com.vn/ban-doc/khong-yeu-nghe-thuong-tro-dung-chon-nghe-giao-20181221215215301.htm