Không yêu cầu chứng chỉ tin học, ngoại ngữ: Dần chấm dứt tình trạng mua bằng bán điểm

Bộ trưởng Bộ Nội vụ Lê Vĩnh Tân trong phiên trả lời chất vấn trước Quốc hội mới đây cho biết, cơ quan này đang phối hợp các bộ, ngành sửa đổi những tiêu chí về chuyển ngạch của công chức và hạng viên chức, theo đó sẽ không yêu cầu chứng chỉ ngoại ngữ, tin học nữa.

Chủ trương này đang nhận được đồng tình từ dư luận, song nhiều ý kiến đề nghị có những giải pháp để triển khai vào cuộc sống đạt hiệu quả thực sự và đặc biệt không phát sinh tiêu cực.
Sẽ kiểm tra trình độ chuyên môn thực tế
Đề cập vấn đề đơn giản hóa văn bằng chứng chỉ, loại bỏ tình trạng “thi nhau đi học các chứng chỉ ngoại ngữ để hoàn thành chứng chỉ viên chức”, Bộ trưởng Bộ Nội vụ Lê Vĩnh Tân cho biết, Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Công chức và Viên chức đã được thông qua.

Trong quá trình tổ chức triển khai Luật sửa đổi năm 2019, các nghị định của Thủ tướng cũng tập trung xem xét giảm thủ tục trong tuyển dụng, quản lý, thi nâng ngạch, thăng hạng viên chức, kể cả quá trình bổ nhiệm cán bộ. Riêng về tuyển dụng, lần này nghị định quy định với trường hợp khi tốt nghiệp các bằng chuyên môn đã chuẩn về đầu ra ngoại ngữ, tin học theo Bộ GD&ĐT quy định, như ngoại ngữ thuộc trình độ bậc 3 thì không cần yêu cầu chứng chỉ ngoại ngữ nữa, nếu trường đại học đã đào tạo chuẩn rồi. Tương ứng, trong tuyển sinh đại học và thi nâng ngạch, đối tượng được miễn thi tin học, ngoại ngữ thì không phải nộp văn bằng, chứng chỉ ngoại ngữ nữa.

 Công chức Sở Nội vụ giải quyết thủ tục hành chính.

Công chức Sở Nội vụ giải quyết thủ tục hành chính.

Để thực hiện, nghị định giao các bộ quản lý chuyên ngành về cán bộ, công chức, viên chức (CBCCVC) sẽ ban hành thông tư hướng dẫn tiêu chuẩn của ngạch công chức và chức danh nghề nghiệp của viên chức, trong đó quy định trình độ tin học và ngoại ngữ theo từng vị trí việc làm. Có những vị trí không cần trình độ ngoại ngữ thì không phải quy định, những vị trí cần có trình độ ngoại ngữ ở cấp bậc cao hơn thì sẽ quy định trong từng vị trí việc làm.
Đặc biệt, Bộ trưởng nêu rõ, để tiến tới bỏ các quy định về chứng chỉ ngoại ngữ, tin học trong vấn đề tuyển dụng, nâng ngạch công chức và thăng hạng viên chức, Bộ đang phối hợp các bộ, ngành sửa đổi các tiêu chí về chuyển ngạch của công chức và hạng viên chức.

Theo đó, sẽ không yêu cầu chứng chỉ ngoại ngữ, tin học nữa, mà chỉ quy định về năng lực sử dụng ngoại ngữ và tin học, thể hiện trong các kỳ thi kiểm tra trên máy vi tính và không yêu cầu phải cung cấp văn bằng, chứng chỉ. Bộ trưởng cũng nhấn mạnh, trước đây khi đề bạt, bổ nhiệm cán bộ phải có 7 văn bằng, chứng chỉ thì nay tập trung chủ yếu vào trình độ chuyên môn, lý luận về chính trị, trình độ quản lý Nhà nước. Đây là 3 chứng chỉ cơ bản khi đề bạt, bổ nhiệm, còn những văn bằng chứng chỉ khác chỉ phục vụ quá trình đào tạo tiếp theo.
Thận trọng để tránh tiêu cực
Các ý kiến cho rằng, việc bỏ quy định yêu cầu có chứng chỉ ngoại ngữ và tin học trong tuyển dụng, nâng ngạch công chức, thăng hạng viên chức, trong bổ nhiệm cán bộ sẽ khiến nhiều người thở phào bớt được “gánh nặng” 2 thứ giấy tờ này. Bởi từ trước đến nay, người muốn được tuyển vào cơ quan Nhà nước hoặc CCVC muốn “lên hạng” bắt buộc phải có chứng chỉ ngoại ngữ và tin học trong hồ sơ, kể cả đã rất thành thạo 2 kỹ năng trên.

Có những trường hợp oái oăm là bằng cấp chuyên môn có “chuẩn đầu ra” cao hơn hẳn yêu cầu nhưng vẫn phải nộp chứng chỉ theo quy định, dù ai cũng biết là thừa. Chính vì vậy, cứ đến đợt thi tuyển CCVC hoặc thi, xét thăng hạng, nhiều người nhao nhao đi “hoàn thiện” chứng chỉ, không ít trường hợp phải “chạy”, “mua” chứng chỉ.
Trao đổi với Kinh tế & Đô thị, PGS.TS Bùi Thị An- nguyên Đại biểu Quốc hội, Viện trưởng Viện Tài nguyên môi trường và phát triển cộng đồng nhận định: Đúng là đã đến lúc chúng ta chấm dứt tình trạng máy móc và hình thức chủ nghĩa trong tuyển dụng, nâng hạng, bổ nhiệm khi chỉ căn cứ vào văn bằng. Bởi, văn bằng nhiều khi không có thực, mà đánh giá trình độ cán bộ phải căn cứ vào năng lực thực tế. Có CVCC có trình độ thật nhưng lại phải đi làm chứng chỉ, hoặc đôi khi phải học lại để được cấp… Do vậy, chủ trương mới này sẽ giúp giảm rất nhiều gánh nặng, bớt thủ tục phiền hà cho CCVC, lại tránh được nhiều tiêu cực nhất là chuyện mua bằng bán điểm.

Thay vì yêu cầu cung cấp chứng chỉ, cần kiểm tra năng lực thực tiễn. Vì có những công chức không hề có chứng chỉ, văn bằng ngoại ngữ, tin học nhưng họ rất giỏi 2 môn này vì đã qua quá trình làm việc, kinh nghiệm thực tế. Quan trọng nhất là phải đánh giá trên hiệu quả công việc thực tiễn, cả với CCVC hay lãnh đạo quản lý, vì có những người có rất nhiều bằng cao cấp nhưng khi vào làm việc không vận dụng được gì.

“Chủ trương này của Bộ Nội vụ sẽ giúp giảm dần tính hình thức trong quá trình tuyển dụng, thăng hạng, bổ nhiệm; thay vào đó là chú trọng hơn vào năng lực và hiệu quả thực tiễn trong công việc”- PGS.TS Bùi Thị An bày tỏ.
Dù vậy, với chủ trương của Bộ Nội vụ sẽ quy định về năng lực sử dụng ngoại ngữ và tin học thể hiện trong các kỳ thi kiểm tra trên máy vi tính, PGS.TS Bùi Thị An nhấn mạnh việc kiểm tra này cần hết sức coi trọng năng lực thực. Đặc biệt để tránh hiện tượng tiêu cực có thể xảy ra trong kỳ kiểm tra, khi chọn hội đồng kiểm tra, ai là người kiểm tra, phương thức kiểm tra thế nào thì cần rất thận trọng, kỹ lưỡng để đảm bảo công bằng, minh bạch, đúng đắn. “Nếu không làm được điều đó, công tác tổ chức kiểm tra sẽ không có ý nghĩa gì. Kết quả kiểm tra phải là kết quả thực, phù hợp và đúng với năng lực, trình độ thực tế của CCVC đó” - PGS.TS Bùi Thị An nêu rõ.
Đại biểu Quốc hội Trần Thị Quốc Khánh cũng cho rằng, chủ trương của Bộ Nội vụ hoàn toàn phù hợp xu hướng của nhiều nước phát triển trên thế giới và ngay trong nước gần đây không ít cơ quan doanh nghiệp nhà nước đã tổ chức thi tuyển chứ không cần giấy tờ bằng cấp chứng minh gì. Song với phương án đưa ra là tổ chức kỳ kiểm tra trực tiếp về trình độ tin học, ngoại ngữ trên máy tính, cần có biện pháp cảnh giác, ngăn chặn việc nhiều CCVC không có kiến thức gì sẽ qua quen biết nhờ người làm bài hộ; trong đó có thể kiểm soát nghiêm ngặt bằng cách mỗi người ngồi riêng một máy tính.

Song, theo đại biểu, để thực hiện việc thay đổi này cần có lộ trình từ từ, tính toán hợp lý, không nên tiến hành ngay lập tức, để các CCVC có thời gian điều kiện bồi dưỡng hoàn thiện trình độ tin học, ngoại ngữ của mình, chuẩn bị tốt nhất cho việc kiểm tra trình độ thực tế. Nếu đưa ra quy định phải thực hiện ngay để “đánh đố” họ thì công tác tuyển dụng, chuyển ngạch, bổ nhiệm CBCC sẽ không đạt yêu cầu. Thực tế có những CCVC vì nhiều lý do như đã lớn tuổi, hoặc được đào tạo ở nông thôn miền núi có điều kiện học ngoại ngữ kém hơn ở đồng bằng, nếu yêu cầu kiểm tra trình độ ngay thì sẽ rất nhiều người không đạt.
Dư luận mong việc thực hiện chủ trương này càng sớm càng tốt, giúp không chỉ đơn giản hóa thủ tục mà còn “chuẩn hóa” trình độ, năng lực CBCCVC khi vị trí việc làm đòi hỏi trình độ ngoại ngữ, tin học thực chất. Thay vì đi “sưu tầm”, “mua bán”, chạy” chứng chỉ, họ phải học thật mới có thể thi thật, qua được các kỳ kiểm tra sát hạch thực tế.

"Trình độ thực tiễn vô cùng quan trọng, mà nếu chúng ta xóa bỏ được quy định phải có chứng chỉ tin học, ngoại ngữ chính là làm được một cuộc cách mạng để chấm dứt tình trạng đầy đủ học hàm học vị cao mà không vận dụng được gì, từ đó mới sinh ra chuyện "mua" học hàm học vị, mua bằng bán điểm." - PGS.TS Nguyễn Thị An

Bài, ảnh: Linh Chi

Nguồn KTĐT: http://kinhtedothi.vn/khong-yeu-cau-chung-chi-tin-hoc-ngoai-ngu-dan-cham-dut-tinh-trang-mua-bang-ban-diem-402566.html