Không ỷ mạnh để làm thay pháp luật

Va chạm giao thông là điều khó tránh khỏi khi mà mật độ giao thông ở nhiều đô thị ngày càng đông hơn. Điều quan trọng là sau va chạm, chúng ta ứng xử như thế nào? Gần đây dư luận đã sục sôi khi nhiều clip được đưa lên mạng xã hội cho thấy, sau khi xảy ra va chạm giao thông, có những người ngay lập tức lao vào hành hung dã man hoặc lăng mạ quá mức người va chạm với mình.

Ở một xã hội có đầy đủ quy định pháp luật, nhưng nhiều người tham gia giao thông lại đang đi làm thay quy định của pháp luật bằng thứ được xem như “luật rừng”, là điều đáng lên án, cần phải sớm loại bỏ ra khỏi cộng đồng.

Bởi rằng, dù nặng hay nhẹ, đúng hay sai, bằng cái nhìn cảm tính chúng ta không thể phân định được, và càng không nên lấy sức mạnh vũ lực để áp chế đối phương hòng có lợi cho mình, thỏa mãn tính côn đồ của mình. Điều đó chỉ làm dư luận càng thêm phẫn nộ và chắc chắn pháp luật cũng không thể dung tha. Nhiều người tham gia giao thông vì nóng vội, bản tính hung hăng mà đang từ đúng chuyển thành sai, gây mất trật tự công cộng, phải trả giá đắt.

Chúng ta không chỉ xây dựng một xã hội pháp luật mà còn xây dựng đời sống văn hóa với sự nhân ái, bao dung, lịch thiệp, trong đó có văn hóa khi tham gia giao thông với thái độ ứng xử văn minh, lịch sự, khi xảy ra va chạm giao thông cần phải xử sự trên tinh thần thượng tôn pháp luật và có tình người.

Bởi sau va chạm giao thông, người với người vẫn phải là bạn, bình đẳng trước pháp luật, chịu sự điều chỉnh của pháp luật, chứ không ỷ mình mạnh mà làm thay quy định của pháp luật, vừa mất tình nghĩa vừa bị dư luận phản ứng.

Vậy nên mỗi người dân khi tham gia giao thông trước tiên xin nhẹ chân ga, và nhẹ tính hơn nếu lỡ xảy ra va quệt, đừng để những va chạm nhỏ mà phải gánh chịu hậu quả lớn.

Để làm tốt điều đó, mỗi người phải tự trang bị cho mình kiến thức pháp luật về giao thông và nghiêm chỉnh chấp hành. Nếu lỡ va quệt thì cần bình tĩnh xem xét, trao đổi, nếu không thỏa thuận được thì nhờ cơ quan công an phân định.

Và để góp phần hạn chế tình trạng bạo lực đường phố có nguyên nhân từ các vụ va chạm giao thông, các cơ quan bảo vệ pháp luật cần phải xử lý nghiêm hành vi vi phạm mang tính “luật rừng” để răn đe. Cùng với đó, đẩy mạnh tuyên truyền, giáo dục nâng cao ý thức, trách nhiệm khi tham gia giao thông, đề cao văn hóa giao thông ở mỗi người.

An Nhiên

Nguồn Thanh Hóa: http://baothanhhoa.vn/phap-luat/khong-y-manh-de-lam-thay-phap-luat/128868.htm