Không xử lý, mỗi ngày Formosa xả 1 tấn phenol ra biển

Đó là khẳng định của Phó Giáo sư, Tiến sỹ (PGS-TS) Trịnh Văn Tuyên, Viện trưởng Viện Công nghệ Môi trường (Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam) tại Hội nghị báo cáo kết quả đánh giá hiện trạng môi trường biển 4 tỉnh từ Hà Tĩnh đến Thừa Thiên Huế diễn ra sáng 26-8, tại Hà Tĩnh.

Nhà máy Formosa Hà Tĩnh, nơi mỗi ngày xả khoảng 1.000 -1.200 m3 nước thải ô nhiễm. Nếu số nước thải trên không được xử lý thì 1 ngày sẽ có 1 tấn phenol xả ra biển. Ảnh: Xuân Hoàng

Theo PGS-TS Trịnh Văn Tuyên, Formosa Hà Tĩnh đã xây dựng một lò luyện cốc và tới đây sẽ xây dựng thêm một lò luyện cốc nữa. Mỗi ngày Formosa sản xuất khoảng 2.000 tấn cốc, mỗi tấn cốc sẽ phát ra 0,6 tấn nước thải, tương ứng với việc mỗi ngày Formosa xả khoảng 1.000 -1.200 m3 nước thải ô nhiễm, nếu số nước thải trên không được xử lý thì 1 ngày sẽ có 1 tấn phenol xả ra biển.

Cũng theo PGS-TS Trịnh Văn Tuyên, về xử lý sinh học theo kết quả đánh giá giai đoạn đầu Formosa hoạt động chưa hiệu quả. Hiện nay, Formosa đã nhập xong chế phẩm vi sinh và nuôi cấy xong chế phẩm vi sinh và bắt đầu vận hành, do đó lượng hóa chất dùng ở hệ Fenton rất nhiều dẫn đến khi hệ sinh học hoạt động không hiệu quả thì toàn bộ phần phản ứng Fenton hóa lý phải gánh toàn bộ phần xử lý xyanua và phenol. Trong hệ này, người ta bắt buộc dùng sunphat sắt, có ngày Formosa sử dụng đến 12 tấn, do không hiệu quả mới dẫn đến một lượng lớn hóa chất xả ra ngoài…

Như chúng ta đã biết, sự kiện Formosa xả chất thải độc hại chưa qua xử lý xuống biển Vũng Áng (Hà Tĩnh) vào đầu tháng 4-2016 làm ô nhiễm môi trường nghiêm trọng dẫn đến cá biển ở đây chết hàng loạt, sau đó lan ra 4 tỉnh miền Trung. Được sự chỉ đạo của Chính phủ, Bộ Tài nguyên và Môi trường đã huy động một đội ngũ lớn chuyên gia và các nhà khoa học trong và ngoài nước cùng với 7 Bộ, ngành và các địa phương liên quan triển khai, quan trắc, đánh giá, xác định mức độ, phạm vi ô nhiễm môi trường và suy thoái hệ sinh thái biển...

Trên cơ sở kết quả phân tích của 1.080 mẫu (tháng 5), 331 mẫu tháng 6 và 68 mẫu kiểm chứng (tháng 8), so sánh, đối chiếu với quy chuẩn Việt Nam (QCVN 10-MT:2015/BTNMT) về chất lượng nước biển cho thấy, về cơ bản các thông số lý hóa, nhóm hợp chất hữu cơ và tổng Coliform đều nằm trong ngưỡng cho phép.

Về giá trị các thông số sắt, tổng lượng phenol và xyanua (là nguyên nhân chính gây ra sự cố môi trường) có biến động theo hướng giảm dần. Đối với sắt, kết quả quan trắc vào tháng 5-2016 có 3,8% số mẫu vượt ngưỡng; đến tháng 6-2016 có 1,8% mẫu vượt ngưỡng. Hàm lượng xyanua tháng 5-2016 giao động từ 0,002-0,1 mg/l, lớn hơn nhiều so với tháng 6-2016 (giá trị cao nhất là 0,002ug/l) và đều nằm trong ngưỡng cho phepscuar QCVN. Hàm lượng phenol trong nước vào tháng 5-2016 hầu như không phát hiện hoặc phát hiện mức thấp. Tuy nhiên, đến tháng 6-2016 tăng lên 2,7% mẫu vượt ngưỡng và đến nay, hàm lượng này đã giảm xuống dưới ngưỡng.

Riêng thông số tổng phenol trong nước biển, trong tháng 5-2016 hầu như không phát hiện được hoặc có giá trị thấp. Tuy nhiên, đến tháng 6-2016, hàm lượng tổng phenol trong nước biển có tăng lên và có 2,7% số mẫu vượt giới hạn cho phép, chủ yếu là mẫu tầng đáy. Điều này có thể giải thích do cơ chế nhả hấp phụ phenol từ dạng phức hỗn hợp dưới dạng hệ keo sắt và từ trầm tích đáy vào nước biển. Đến thời điểm hiện nay (8-2016), hàm lượng tổng phenol đã giảm đến giá trị nhỏ hơn giới hạn cho phép.

Xuân Hoàng

Nguồn Biên Phòng: http://bienphong.com.vn/khong-xu-ly-moi-ngay-formosa-xa-1-tan-phenol-ra-bien/