Không xếp loại bằng tốt nghiệp ĐH, người kêu trời, kẻ hò reo

Trước dự thảo không xếp loại bằng tốt nghiệp ĐH, trong khi khá nhiều sinh viên hò reo, thích thú thì có không ít sinh viên kêu trời về việc cào bằng này…

Mới đây, Bộ Giáo dục và Đào tạo đưa ra lấy ý kiến dự thảo lần 1 Thông tư quy định nội dung chính ghi trên văn bằng giáo dục đại học, bao gồm: bằng cử nhân, bằng thạc sĩ, bằng tiến sĩ và bằng tiến sĩ danh dự. So với quy định hiện nay (Thông tư số 19/2011/TT-BGDĐT), dự thảo Thông tư có nhiều điểm khác biệt.

Nhiều sinh viên có ý kiến khác nhau trước dự thảo không xếp loại bằng tốt nghiệp ĐH

Nhiều sinh viên có ý kiến khác nhau trước dự thảo không xếp loại bằng tốt nghiệp ĐH

Với quy định cũ, người tốt nghiệp sẽ được phân biệt về xếp loại bằng tốt nghiệp theo các mức gồm: xuất sắc, giỏi, khá, trung bình khá, trung bình. Văn bằng hiện phân biệt rõ ràng hình thức đào tạo gồm: chính quy, vừa làm vừa học, học từ xa, tự học có hướng dẫn.

Nếu dự thảo Thông tư này được thông qua, tên gọi văn bằng tốt nghiệp trình độ đại học chỉ gọi chung là bằng cử nhân. Trước thông tin này, sinh viên bày tỏ nhiều luồng ý kiến khác nhau.

Không công bằng

Hoàng Phương Anh (Học viện Ngân hàng) cho rằng bắt buộc phải phân biệt rõ ràng hình thức đào tạo và xếp loại bằng tốt nghiệp. “Phải phân biệt, không thì cố gắng học làm gì. Mình vất vả học ở trường để đạt bằng giỏi cho dễ xin việc, bây giờ lại không phân biệt nữa, như vậy là không công bằng!”

Việc cào bằng trong việc xếp loại bằng tốt nghiệp ĐH khiến các sinh viên chăm chỉ, nỗ lực kêu trời vì thiếu sự công bằng. Ảnh minh họa

Mỹ Hạnh (Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn) phản đối việc bỏ xếp loại bằng tốt nghiệp: “Mình chưa hiểu lắm ý nghĩa của việc này. Làm như vậy là đánh đồng kết quả học tập trong khi chất lượng đào tạo của mỗi trường và năng lực của mỗi người là khác nhau”.

“Mình không đồng ý với dự thảo Thông tư mới này. Theo mình được biết, nhiều người xem việc học văn bằng 2 như học hình thức thôi, học hộ nhan nhản nên chất lượng rõ ràng là kém hơn hẳn đào tạo chính quy. Việc không ghi như vậy ảnh hưởng tới sự khách quan trong việc đánh giá trình độ”, Vũ Hiền (Đại học Luật Hà Nội) bày tỏ quan điểm.

Bớt áp lực điểm số

Trái với các ý kiến trên, nhiều bạn sinh viên lại bày tỏ sự ủng hộ với dự thảo Thông tư mới của Bộ Giáo dục và Đào tạo. Hoàng Tuấn (Đại học Kinh tế Quốc dân) cho biết: “Mình có phần thích thú với dự thảo này vì không xếp loại bằng thì chỉ cần qua môn là được, không cần gánh áp lực điểm. Mình cũng không quan tâm lắm vì sau này đi xin việc người ta cũng sẽ không xem bảng điểm của mình nữa”.

“Thực ra về việc bằng tốt nghiệp gọi chung là bằng cử nhân, mình không có ý kiến gì cả. Bản thân mình thấy rất ổn, vì nó là minh chứng cho một nền giáo dục biết nghĩ đến việc bỏ đi thói chạy theo thành tích. Nói chung, những con chữ trên một tờ giấy không có ảnh hưởng nhiều lắm, quan trọng là ở tư duy của mỗi cá nhân và toàn xã hội kia”, Lâm Anh (Học viện Báo chí và Tuyên truyền) chia sẻ.

Cần có thêm những cách khác để đánh giá trình độ sinh viên

Bảo Minh (Đại học Hà Nội) cho biết, về việc bằng đại học không ghi phân loại và không phân biệt bằng chính quy hay tại chức cũng như bao vấn đề khác đều có hai mặt của nó, và tùy thuộc vào mỗi đối tượng khác nhau.

Trường đại học cần có thêm kênh và thêm cách khác nhau để đánh giá trình độ của sinh viên

“Nếu như thay đổi theo đúng dự thảo thì sẽ không thể đánh giá ai đó chỉ qua tấm bằng mà phải thông qua sự tiếp xúc, phỏng vấn, trao đổi làm việc. Và như thế sẽ công bằng hơn trong việc tuyển dụng cũng như đánh giá sinh viên”.

Bạn Quế Ly (Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn) đồng ý với dự thảo, song cho rằng các trường đại học cần có thêm kênh và thêm cách khác nhau để đánh giá trình độ của sinh viên, giúp bên thứ 3 (nhà tuyển dụng – PV) có thông tin đầy đủ hơn về sinh viên.

“Các trường phải tổ chức thêm nhiều hoạt động ngoại khóa ngoài giảng đường như nghiên cứu thực hành chẳng hạn và thông qua các hoạt động đó để đánh giá sinh viên. Do đó, không thể ngay lập tức bỏ việc phân loại được. Theo mình, Thông tư cần lùi lại đến năm 2023 (thời điểm các em sinh năm 2001 ra trường) để các trường có thời gian đưa ra các hoạt động đánh giá thay thế tốt hơn”, Ly mạnh dạn đề xuất.

Kim Vũ

Nguồn Phụ Nữ VN: https://phunuvietnam.vn/xa-hoi/khong-xep-loai-bang-tot-nghiep-dh-nguoi-keu-troi-ke-ho-reo-post65420.html