Không xài ảnh giả là tôn trọng chính mình

Ngày 8/6 vừa qua, trên mạng xã hội tràn ngập hình ảnh photoshop gắn thêm vùng 'nhạy cảm' cho chú ngựa của trung đoàn kỵ binh.

Nhà báo Nguyễn Đức

Nhà báo Nguyễn Đức

Đáng chú ý, dù hình ảnh trên các báo, đài trong nước đưa rất rõ, chân thực.

Tại buổi lễ ra mắt trung đoàn kỵ binh, Thủ tướng, Chủ tịch Quốc hội cùng chia sẻ với chiến sĩ và chú ngựa của trung đoàn kỵ binh, tuyệt không có hình ảnh bộ phận nhạy cảm của ngựa.

Tuy nhiên, cũng trong buổi sáng cùng ngày, hàng ngàn facebook chia sẻ trên dòng trạng thái của mình hình ảnh giả khác với hình ảnh thật chú ngựa này. Nếu nhìn kỹ các cử chỉ, nét mặt, cánh tay của Chủ tịch Quốc hội đặt trên đầu chú ngựa; cách Thủ tướng bắt tay chiến sĩ cảnh sát cơ động và bối cảnh xung quanh thì chúng ta sẽ dễ dàng nhận ra ảnh nào thật, ảnh nào giả.

Rất vui khi tôi góp ý vài người quen biết có dùng hình ảnh giả của chú ngựa (kèm theo lời bình luận không tế nhị cho lắm), thì những bạn này đã gỡ bỏ hình ảnh giả trên.

Nhưng đáng tiếc, hình ảnh giả kèm theo những lời bình luận khiếm nhã trên được lan truyền ngập trên facebook, các trang mạng.

Với hiệu ứng lan tỏa hình ảnh như thế, nhiều người dùng vô tư chia sẻ hình ảnh giả này mà vẫn tưởng là thật! Hình ảnh giả lặp đi lặp lại nhiều khi được cộng đồng mạng xem như hình ảnh thật.

Cũng chuyện hình ngựa này, một đại biểu quốc hội còn gửi hình ảnh giả trên cho tôi xem, tôi phải đính chính ngay: đây là ảnh giả, thưa anh!

Hẳn quý vị và các bạn còn nhớ, hai tuần trước, hình ảnh bộ trưởng Bộ Công thương Trần Tuấn Anh được chèn với dòng chữ: "Bộ trưởng Trần Tuấn Anh: 100% người dân đồng tình việc tăng giá điện" cũng được lan truyền chóng mặt. Dù bản thân tôi nhiều lần lên tiếng, phê phán việc tăng giá điện bất hợp lý của các đơn vị liên quan nhưng dùng hình ảnh sai sự thật để phê phán, công kích, thóa mạ lại là một hành vi không văn minh.

Thậm chí, đó là hành vi vi phạm pháp luật.

Dù bạn bức xúc, muốn lên tiếng, phản biện các chính sách, hình ảnh lời nói của cán bộ, lãnh đạo... thì trước hết phải đưa ra dữ liệu, căn cứ, hình ảnh thật, chứng cứ khách quan thuyết phục.

Chúng ta không thể tiếp tục lan truyền các hình ảnh giả, thông tin bị "chế tác" không đúng sự thật như nó vốn có. Xài ảnh giả dù với mục đích để câu view, like hay để hạ nhục người khác đều là biểu hiện của suy đồi, thiếu đạo đức.

Trên hết, khi chúng ta cùng lên tiếng, kiểm chứng và tẩy chay việc dùng tin giả là góp phần xây dựng một lối hành xử văn minh, tôn trọng quyền nhân thân, hình ảnh cá nhân mỗi người,... khi tham gia mạng xã hội.

Ngày nào đó, chính bản thân bạn hoặc người thân - trở thành nạn nhân của tin giả, hình ảnh giả, bạn sẽ nghĩ gì?

Nguyễn Đức

Nguồn Ngày Nay: http://ngaynay.vn/doi-thoai/khong-xai-anh-gia-la-ton-trong-chinh-minh-173829.html