Không xác định được giống chim lạ, phạt 2 anh em 'Tam Mao' 1,5 triệu đồng?

Theo đại diện phía lãnh đạo UBND xã Tản Lĩnh, nơi hai anh em Tam Mao đang sinh sống thì 'Không xác định được loại chim gì, nhưng Hạt kiểm lâm Ba Vì vẫn quyết định xử phạt 1,5 triệu đồng…?'.

Xử phạt 1,5 triệu đồng, nhưng không xác định được giống chim gì?

Trao đổi với PV báo PL&XH, ông Bùi Văn Quân, Chủ tịch UBND xã Tản Lĩnh, huyện Ba Vì, Hà Nội cho biết: Việc xử phạt hai anh em Tam Mao là do bên Kiểm lâm làm, sau quá trình kiểm tra và xác minh thông tin, phía Hạt kiểm lâm huyện Ba Vì không xác định được loài chim mà anh em Tam Mao làm thịt là loại chim gì, và đã tiến hành xử phạt 1,5 triệu đồng đối với hai anh em Lê Mạnh Cường (SN 1991, gọi là Mao đại ca) và Nguyễn Văn Dũng (SN 2000, là Mao đệ đệ) là chủ hai kênh Youtube là “Tam Mao TV” và Ẩm Thực Tam Mao”, hiện đang sinh sống trên địa bàn xã Tản Lĩnh vì đã có hành vi ăn thịt chim lạ rồi đăng tải lên Youtube và mạng xã hội.

“Phía chính quyền địa phương không xử lý mà với chức năng nhiệm vụ quản lý địa bàn của mình đã thực hiện công tác tuyên truyền, giáo dục và thậm chí răn đe, đồng thời yêu cầu hai anh em cam kết không tái phạm…!” - Ông Quân cho biết thêm.

Sau khi chế biến và ăn thịt giống chim lạ, bị cộng đồng mạng nghi ngờ giống chim quý có tên Diều hoa Miến Điện, hai anh em Tam Mao đã xóa hết dấu vế gây khó cho Cơ quan chức năng trong việc làm rõ thông tin...

Sau khi chế biến và ăn thịt giống chim lạ, bị cộng đồng mạng nghi ngờ giống chim quý có tên Diều hoa Miến Điện, hai anh em Tam Mao đã xóa hết dấu vế gây khó cho Cơ quan chức năng trong việc làm rõ thông tin...

Như PL&XH đã đưa tin trước đó, vào ngày 5-3, hai anh em Tam Mao có làm thịt con chim lạ chế biến món “Thần điêu xào sả ớt- cái kết của việc nuôi chim không cẩn thận” để ăn thịt và đăng tải lên kênh YouTube có tên “Ẩm Thực Tam Mao”.

Chỉ sau một ngày clip được đăng tải (tức ngày 6-3-2019) đã thu hút gần 100 nghìn lượt người xem và tham gia bình luận, sự việc bắt đầu gây chú ý khi cộng đồng mạng xã hội Facebook nghi ngờ con chim mà 2 anh em Tam Mao làm thịt giống với loài chim quý có tên “Diều hoa Miến Điện” - là loài chim quý thuộc nhóm IIB, cần được bảo vệ. Clip nói trên sau đó đã bị tháo gỡ khỏi kênh Youtube, đồng thời lông chim bị đốt hết và Lê Mạnh Cường (SN 1991, gọi là Mao đại ca) đăng tải clip giải thích sự việc và xin lỗi người xem.

“Không xác định được đây là giống chim gì thì cơ sở đâu mà có quyết định xử phạt như vậy được? Đặc biệt là tình tiết sau khi làm thịt và ăn loài chim lạ và đăng tải lên Youtube bị phát giác, thay vì phối hợp với cơ quan chức năng để xác minh đây có phải là cá thể chim quý nằm trong sách đỏ cần được bảo vệ hay không? Từ đó rà soát trên địa bàn để có kế hoạch bảo vệ và bảo tồn giống chim quý này, thì họ lại có hành động xóa bỏ dấu vết gây khó cho Cơ quan chức năng là thể hiện thái độ coi thường luật pháp, cần phải xử lý nghiêm…!”- Anh Nguyễn Văn Thắng, một bạn đọc ở phường Dịch Vọng, quận Cầu Giấy bức xúc.

Qua hình ảnh và clip đăng trên kênh Youtube "Ẩm Thực Tam Mao" nhiều người cho rằng con chim bị giết thịt rất giống với loài chim quý đang cần được bảo vệ.

Trước sức ép của dư luận, Cơ quan chức năng trên địa bàn đã vào cuộc xác minh sự việc, tuy nhiên dấu vết về giống chim lạ đã bị xóa sạch, chỉ còn những hình ảnh do cộng đồng mạng lưu lại. Điều này đã gây khó cho cơ quan chức năng trong việc xác định giống chim lạ có phải là giống chim quý có tên Diều hoa Miến Điện, thuộc nhóm IIB như dư luận hoài nghi hay không?

Qua tìm hiểu được biết quyết định xử phạt 1,5 triệu đồng của Hạt kiểm lâm huyện Ba Vì là theo quy định tại Điều 15 Nghị định số 157/2013/NĐ-CP, Khoản 2. Phạt tiền từ 1.000.000 đồng đến 2.000.000 đồng đối với một trong các hành vi sau: Điểm C (quảng cáo kinh doanh về thực vật rừng, động vật rừng trái quy định của pháp luật).

Dưới góc độ pháp luật, Luật sư Diệp Năng Bình, VPLS Tinh Thông Luật, thuộc Đoàn Luật sư TP. HCM cho biết: Căn cứ Khoản 1 Điều 10 Luật xử lý vi phạm hành chính năm 2012 thì những tình tiết sau đây là tình tiết tăng nặng: Vi phạm hành chính có tổ chức; Vi phạm hành chính nhiều lần; tái phạm; Xúi giục, lôi kéo, sử dụng người chưa thành niên vi phạm; ép buộc người bị lệ thuộc vào mình về vật chất, tinh thần thực hiện hành vi vi phạm hành chính;...

Trong đó tại Điểm K có quy định rõ: Sau khi vi phạm đã có hành vi trốn tránh, che giấu vi phạm hành chính. Do đó, hành vi tiêu hủy hết chứng cứ được xem là một tình tiết trốn tránh, che giấu hành vi vi phạm hành chính nhằm để các cơ quan chức năng không phát hiện ra đó thuộc loài chim gì.

Tôi cho rằng, khi đã không biết là chim gì thì không thể nào dựa vào Nghị định 157/2013/NĐ-CP để xử lý được bởi đối tượng điều chỉnh của Nghị định này là quy định về hành vi vi phạm, hình thức xử phạt, mức xử phạt, biện pháp khắc phục hậu quả đối với hành vi vi phạm hành chính, thẩm quyền xử phạt và thẩm quyền lập biên bản vi phạm hành chính về quản lý rừng, phát triển rừng, bảo vệ rừng và quản lý lâm sản.

Nguyên tắc của xử lý vi phạm hành chính đó là mọi vi phạm hành chính phải được phát hiện, ngăn chặn kịp thời và phải bị xử lý nghiêm minh, mọi hậu quả do vi phạm hành chính gây ra phải được khắc phục theo đúng quy định của pháp luật; Việc xử phạt vi phạm hành chính được tiến hành nhanh chóng, công khai, khách quan, đúng thẩm quyền, bảo đảm công bằng, đúng quy định của pháp luật; Chỉ xử phạt vi phạm hành chính khi có hành vi vi phạm hành chính do pháp luật quy định. Người có thẩm quyền xử phạt có trách nhiệm chứng minh vi phạm hành chính. Đồng thời cá nhân, tổ chức bị xử phạt có quyền tự mình hoặc thông qua người đại diện hợp pháp chứng minh mình không vi phạm hành chính.

Không xác định được chim này có phải là chim rừng thuộc phạm vi điều chỉnh của Nghị định 157/2013 hay không mà dựa vào đó để xử lý là không đúng với Điểm c Khoản 2 Điều 15 của Nghị định này là quảng cáo kinh doanh về thực vật rừng, động vật rừng trái quy định của pháp luật.

Nếu cho rằng việc giết mổ rồi đưa lên mạng là thiếu thẩm mỹ, trái với thuần phong mỹ tục của Việt Nam hoặc quảng cáo tạo cho trẻ em có suy nghĩ, lời nói, hành động trái với đạo đức, thuần phong mỹ tục; gây ảnh hưởng xấu đến sức khỏe, an toàn hoặc sự phát triển bình thường của trẻ em thì áp dụng các quy định của pháp luật về quảng cáo để xử lý hành vi này sẽ đúng hơn.

Hoàng Giáp

Nguồn PL&XH: https://phapluatxahoi.vn/khong-xac-dinh-duoc-giong-chim-la-phat-2-anh-em-tam-mao-15-trieu-dong-141992.html