Không vì tin đồn thất thiệt mà quay lưng lại với thịt lợn

Nhằm giúp người dân và các cơ sở sản xuất chăn nuôi, người chế biến và người buôn bán thịt lợn hiểu đúng về dịch tả châu Phi (ASF), chiều 2/4, tại TP Tân An, tỉnh Long An, Trung ương Hội Nông dân Việt Nam phối hợp với tỉnh Long An, Báo Nông thôn Ngày nay tổ chức buổi hoạt động tuyên truyền về 'Sản xuất và sử dụng thịt lợn an toàn'.

Quang cảnh buổi tuyên truyền về “Sản xuất và sử dụng thịt lợn an toàn”.

Quang cảnh buổi tuyên truyền về “Sản xuất và sử dụng thịt lợn an toàn”.

Buổi hoạt động thu hút hàng trăm người tham dự, bao gồm đại diện các cơ quan, ban ngành trong tỉnh Long An; đại diện các trại chăn nuôi lợn, lò mổ, đại lý thức ăn gia súc, tiểu thương, các siêu thị; người tiêu dùng là ban giám hiệu các trường học, doanh nghiệp có bếp ăn tập thể, các nhà hàng, hội viên nông dân, phụ nữ, công nhân.

Ông Trần Quốc Toản, Phó Chủ tịch Hội Nông dân tỉnh Long An cho biết, hoạt động này cũng nhằm đẩy mạnh tuyên truyền đến tất cả mọi người về dịch bệnh ASF, nêu rõ sự nguy hiểm, đường lây lan và các biện pháp chủ động ngăn chặn dịch giúp người nông dân không hoang mang. Đồng thời, cung cấp thông tin đầy đủ giúp người tiêu dùng nhận biết thịt lợn an toàn.

Theo ông Phạm Minh Hùng, Ủy viên Ban thường vụ Trung ương Hội Nông dân Việt Nam, vài tháng qua, dịch tác động lớn đến tâm lý, ảnh hưởng đến quá trình sản xuất, gây thiệt hại nghiêm trọng cho người nuôi lợn, người tiêu dùng. Ông Hùng đề nghị, các địa phương tích cực tổ chức tuyên truyền để người dân yên tâm, nâng cao hơn nữa trong quá trình sử dụng, và quá trình sản xuất an toàn. Bên cạnh đó, ông Hùng cũng mong muốn các cơ quan truyền thông tích cực hỗ trợ truyền thông.

Theo ông Trần Văn Truyền, Phó Tổng Giám đốc điều hành khu vực Tây Nam Bộ Công ty Cổ phần GreenFeed Việt Nam, dịch tả lợn châu Phi không quá đáng ngại, nếu thịt lợn đã qua kiểm dịch, được người nội trợ nấu chín sẽ không ảnh hưởng đến người ăn. Bên cạnh đó, ông Truyền cũng khuyên người tiêu dùng nên tìm mua thịt lợn có xuất xứ rõ ràng, có thể truy xuất được nguồn gốc; không vì những thông tin chưa được xác thực trên các trang mạng xã hội mà “đồn thổi” về tình hình dịch bệnh mà hoang mang, quay lưng lại với sản phẩm thịt lợn.

Người dân không vì những tin đồn mà quay lưng lại với thịt lợn.

Hiện dịch ASF đã và đang có mặt ở 24 tỉnh, thành phố. Trong giai đoạn dịch ASF phát triển, nhiều cơ sở và hộ chăn nuôi lợn bị thiệt hại nặng nề. Thời gian qua, trong nhân dân cũng có nhiều thông tin sai lệch về dịch ASF. Đặc biệt, đã có nhiều trường hợp lợi dụng mạng xã hội xuyên tạc, đưa thông tin không đúng về tình hình dịch bệnh khiến người tiêu dùng hoang mang và có biểu hiện quay lưng với sản phẩm thịt lợn, gây thiệt hại về kinh tế cho người chăn nuôi lợn nói riêng và người chăn nuôi cả nước nói chung.

Các nhà khoa học, Tổ chức Nông Lương Liên Hiệp Quốc (FAO), Cục Y tế Dự phòng (Bộ Y tế) đều khẳng định bệnh ASF không lây lan sang người và các loài động vật khác. Người tiêu dùng không cần thiết phải ngưng sử dụng thịt lợn, tuy nhiên, cần phải lựa chọn sản phẩm thịt lợn có nguồn gốc an toàn, được nấu chín kỹ, đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm. Trên thực tế, nhiều nước trên thế giới đã kiểm soát thành công dịch bệnh ASF. Trong nước, tuần vừa qua một số địa phương công bố đã dập được ổ dịch, tuy nhiên công tác phòng và chống dịch vẫn cần được tiếp tục thực hiện quyết liệt.

Quốc Định

Nguồn Đại Đoàn Kết: http://daidoanket.vn/cac-benh-dich/khong-vi-tin-don-that-thiet-ma-quay-lung-lai-voi-thit-lon-tintuc434554