Không vì thiếu giáo viên mà nhồi nhét, gộp trường bắt các cháu đi học xa

Phó trưởng Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Phú Thọ Cao Đình Thưởng cho rằng, không thể vì thiếu giáo viên mà nhồi nhét 50 - 60/học sinh/lớp hay gộp điểm trường bắt các cháu đi học xa.

Đại biểu Cao Đình Thưởng. Ảnh quochoi.vn

Sáng 26.10, Quốc hội thảo luận ở hội trường về kết quả thực hiện Nghị quyết của Quốc hội về kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2018 và 3 năm thực hiện kế hoạch 5 năm 2016-2020; kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2019.

Cho ý kiến về vấn đề tinh giản biên chế, Phó Trưởng đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Phú Thọ Cao Đình Thưởng phát biểu, việc sắp xếp tinh giản bộ máy theo Nghị quyết Trung ương 6 và Nghị quyết của Quốc hội là một chủ trương đúng đắn nhằm khắc phục tình trạng cồng kềnh của bộ máy được nhân dân đồng tình ủng hộ.

Tuy nhiên, do chưa có hướng dẫn cụ thể nên thực hiện ở các địa phương chưa đồng bộ, thống nhất và có thể nói là rất lúng túng, mỗi nơi làm một cách khác nhau.

Ông Thưởng cho rằng, việc tinh giản đầu mối còn mang tính cơ học ví dụ như việc sáp nhập các ban, sở ngành… chưa được tính toán thấu đáo trên cơ sở chức năng nhiệm vụ và các quy định của pháp luật. “Tôi đề nghị Chính phủ sớm có chỉ đạo thực hiện đồng bộ, thống nhất trên cả nước", ông Thưởng nói.

Theo ông Thưởng, vấn đề tinh giản biên chế công chức rất nóng thời gian qua. Tuy nhiên, ông cũng lưu ý việc giảm biên chế viên chức, sự nghiệp, nhất là viên chức giáo dục thời điểm này cần có lộ trình và sự cân nhắc kỹ.

Ông Thưởng dẫn chứng, theo thống kê chưa đầy đủ, vừa qua, chỉ ở 43 tỉnh trực thuộc Trung ương đã thừa thiếu giáo viên cục bộ. Riêng giáo viên mầm non thiếu 44 nghìn người.

“Chúng ta không thể gộp tất cả các điểm trường ở các khu vực miền núi để các cháu phải đi học quá xa nhà. Chúng ta không thể để tình trạng nhồi nhét 50 – 60 học sinh/lớp ở các thành phố, thị xã mà phải nhanh chóng xử lý bài toán thiếu giáo viên hiện nay. Tất nhiên phải có tầm nhìn dài hạn để xử lý hậu quả sau này”, ông Thưởng nhấn mạnh.

Ông Thưởng đề nghị Chính phủ nghiên cứu tạo ra lộ trình hợp lý để các địa phương có quyền chủ động để các địa phương sắp xếp đội ngũ nhất là đội ngũ giáo viên mầm non đang có thu nhập rất thấp, quá tải công việc. Đồng thời đẩy nhanh xã hội hóa giáo dục, y tế ở những nơi có điều kiện.

Vừa qua có địa phương xin cơ chế đặc thù, trong đó có tiền lương cho cán bộ, công chức, viên chức hoặc xin được soạn riêng sách giáo khoa cho riêng mình sau khi Bộ có chương trình hoặc xin giảm học phí cho Trung học cơ sở khi chưa có luật ra đời.

“Tôi đề nghị đã là chính sách chung phải thống nhất trong toàn quốc, đã là cán bộ, công chức, viên chức của Việt Nam phải được hưởng chế độ chung và có mặt bằng như nhau.

Đã là dân tộc thiểu số thì ở vùng miền nào cũng vậy. Ngay cả sách giáo khoa phổ thông cả nước dùng chung một bộ sách giáo khoa.

Cũng liên quan đến vấn đề biên chế giáo viên, Ủy viên Ủy ban Tài chính Ngân sách của Quốc hội Hoàng Quang Hàm cho rằng, ngành giáo dục đang gặp nhiều khó khăn, đội ngũ nhà giáo đang bị tác động bởi nhiều chính sách. Trong đó, chính sách tinh giản biên chế.

Theo ông Hàm, nếu áp dụng tư duy giảm biên chế 10% đối với khối sự nghiệp, trong đó có giáo dục là bất cập và không khả thi. Vì vậy cần xem xét, tính toán lại và có cách hiểu tường minh về vấn đề này.

NGUYÊN - HÙNG- TRUNG

Nguồn Lao Động: https://laodong.vn/thoi-su/khong-vi-thieu-giao-vien-ma-nhoi-nhet-gop-truong-bat-cac-chau-di-hoc-xa-638154.ldo