Không vì chống tham nhũng mà trì trệ trong hành động

Năm 2019, Thủ tướng sẽ chỉ đạo rà soát toàn bộ thể chế, quy định pháp luật, đảm bảo công khai, minh bạch, tạo môi trường không tham nhũng, bảo vệ doanh nghiệp làm ăn chân chính.

Ngày 28-12, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã chủ trì hội nghị trực tuyến giữa Chính phủ và các địa phương để triển khai nghị quyết của Quốc hội về các nhiệm vụ, giải pháp phát triển kinh tế-xã hội năm 2019. Tại hội nghị, suốt phiên thảo luận, Thủ tướng đã chăm chú lắng nghe ý kiến các địa phương và có những phản hồi ngay sau đó.

GDP tăng cao nhất từ 10 năm nay

Phát biểu tại hội nghị, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho rằng có những hoàn cảnh và thời điểm chúng ta đứng trước khó khăn rất lớn, không nằm trong mọi kịch bản hay dự đoán. Tuy nhiên, chúng ta đã vượt qua một hành trình gian truân nhưng vô cùng có ý nghĩa. Đáng chú ý nhất là GDP năm 2018 tăng ở con số 7,08%. Đây là mức tăng cao nhất kể từ năm 2008 trở lại đây.

Theo người đứng đầu Chính phủ, trước đây chúng ta đã từng lo lắng sợ sụp đổ tài khóa quốc gia thì nay là lần đầu tiên vượt thu ngân sách so với dự toán trên 3,5 tỉ USD; dự trữ ngoại hối đạt kỷ lục; nợ xấu giảm rất sâu. Nhiệm vụ về an sinh xã hội, giảm nghèo bền vững đều thực hiện tốt. Nhiều kết quả về văn hóa, xã hội, đặc biệt thành tích về thể thao gây ấn tượng… “Điều mà tôi muốn nhấn mạnh chính là niềm tin của nhân dân vào sự lãnh đạo của Đảng và quyết tâm của tất cả chúng ta trong việc giải quyết những vấn đề lớn của đất nước, từ công cuộc chống tham nhũng đến vấn đề bảo vệ môi trường, nông nghiệp, nông dân, nông thôn, miền núi, dân tộc… chưa bao giờ lớn và sâu sắc như lúc này” - Thủ tướng nói.

Cùng với đó, Thủ tướng cũng chỉ ra không ít hạn chế, bất cập. Đáng chú ý là bệnh quan liêu xa dân, tham nhũng, đặc quyền, đặc lợi, đặc biệt là tham nhũng vặt gây mất niềm tin của nhân dân.

“Không ít địa phương giải quyết công việc không nghiêm, chậm trễ, nhiều việc để kéo dài, người dân và doanh nghiệp (DN) kêu ca. Chúng tôi muốn nói ý này để các bộ, ngành, địa phương tự rờ gáy mình” - Thủ tướng nói và cho rằng nêu tồn tại, khuyết điểm để thấy mình đang ở đâu, nhân dân đang yêu cầu gì để chúng ta làm tốt hơn sự nghiệp phát triển đất nước cũng như phục vụ nhân dân.

Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân đến dự hội nghị. Ảnh: TTXVN

Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân đến dự hội nghị. Ảnh: TTXVN

Tạo môi trường không tham nhũng, bảo vệ sự làm ăn chân chính

Phát biểu kết luận hội nghị, người đứng đầu Chính phủ nhấn mạnh việc nội bộ phải đẩy mạnh phòng, chống tham nhũng, làm trong sạch bộ máy nhưng không có nghĩa là kìm hãm sự phát triển.

Theo Thủ tướng, thời gian qua, Chính phủ kết hợp với khối Đảng, các cơ quan tư pháp đã làm tốt nhiệm vụ này, góp phần củng cố niềm tin của nhân dân. Năm 2019, Thủ tướng sẽ chỉ đạo rà soát toàn bộ thể chế, quy định pháp luật, đảm bảo công khai, minh bạch, tạo môi trường không tham nhũng, bảo vệ DN làm ăn chân chính, đồng thời để cán bộ, công chức yên tâm làm việc.

Năm 2018, lần đầu tiên trong lịch sử, nông nghiệp xuất khẩu được 40 tỉ đôla. Xuất siêu kỷ lục trên 7,7 tỉ đôla, gấp hơn ba lần kỷ lục ta đã từng xác lập được.

“Không vì chống tham nhũng mà trì trệ trong hành động” - Thủ tướng lưu ý các bộ trưởng về việc này. Theo ông, hiện có hai tình trạng trì trệ diễn ra. Một phần là do các vụ án lớn xảy ra, không ai dám tổ chức làm việc. Việc này Chủ tịch UBND TP.HCM Nguyễn Thành Phong từng nêu. “Các sở im lìm hết thì giải quyết cái gì, cái gì cũng chậm, nhân dân tới hỏi không ai trả lời” - Thủ tướng nói. Thứ hai là trong quá trình chuẩn bị đại hội Đảng các cấp, có một bộ phận lớn “nín thở bóp cò”, không hành động.

Sau cùng, Thủ tướng cũng cho hay cách đây ít phút, ông vừa ký Chỉ thị 34 về tăng cường các biện pháp đảm bảo đón Tết nguyên đán 2019 vui tươi, lành mạnh, an toàn, tiết kiệm. “Tinh thần mà chúng tôi muốn nói là phải lo Tết cho nhân dân, không phải lo cho cán bộ cấp trên. Các DN và địa phương không phải đi biếu xén cấp trên” - người đứng đầu Chính phủ nói và yêu cầu phải chuẩn bị hàng hóa tốt phục vụ nhân dân, không đầu cơ tích trữ hàng hóa nâng giá phức tạp. Đồng thời, an ninh quốc phòng đảm bảo trong dịp Tết này, đặc biệt là phòng, chống buôn lậu trong dịp Tết.

TP.HCM đề nghị đẩy mạnh phân cấp, phân quyền

Nêu ý kiến với hội nghị, Chủ tịch UBND TP.HCM Nguyễn Thành Phong cho biết TP.HCM đã trải qua một năm với nhiều khó khăn, thách thức khi vừa điều hành phát triển kinh tế-xã hội, vừa tập trung thực hiện nghiêm túc các kết luận thanh tra, kiểm tra, kiểm toán có những vụ việc kéo dài qua nhiều nhiệm kỳ… Tuy nhiên, với sự nỗ lực, cố gắng mạnh mẽ, tình hình kinh tế-xã hội của TP tiếp tục chuyển biến tích cực, đạt được những kết quả mang tính toàn diện và đáng ghi nhận.

TP.HCM kiến nghị Chính phủ chấp nhận chủ trương điều chỉnh một số nghị định, thông tư theo hướng phân cấp mạnh cho TP. Cạnh đó, đề nghị Chính phủ sớm hoàn thiện trình Quốc hội ban hành Luật Đầu tư công (sửa đổi), điều chỉnh theo hướng phân cấp mạnh mẽ thẩm quyền cho địa phương, gắn với trách nhiệm liên quan, đồng bộ với các luật liên quan, đơn giản hóa thủ tục đầu tư, xác định trách nhiệm của người đứng đầu trong hiệu quả các dự án đầu tư công…

Trong phần phát biểu kết luận hội nghị, Thủ tướng yêu cầu đẩy mạnh hơn nữa vấn đề phân cấp, phân quyền gắn với trách nhiệm.

Thủ tướng giao Bộ trưởng Bộ Nội vụ Lê Vĩnh Tân chủ trì cùng các bộ có liên quan trình Chính phủ các nội dung liên quan đến phân cấp, giao quyền mạnh mẽ cho TP.HCM và các địa phương có liên quan. Theo Thủ tướng, cái gì phân cấp được thì nên phân cấp cho các địa phương họ làm. Còn trung ương, trước hết là làm chính sách, pháp luật, hướng dẫn cụ thể các vấn đề liên ngành, liên vùng, đặc biệt là tăng cường kiểm tra, giám sát việc vi phạm các quy định, lợi ích nhóm…

“Không để các địa phương phải ôm tài liệu ra bộ này, bộ khác, xin việc này, việc khác, xếp hàng chờ đợi. Phương thức quản lý đó lạc hậu rồi… Đừng để tình trạng ký một đêm mấy va ly giấy tờ, quá nhiều giấy tờ như vậy làm sao có thời gian giải quyết việc khác được” - Thủ tướng nói và yêu cầu Bộ trưởng Bộ Nội vụ Lê Vĩnh Tân nêu cao tinh thần trách nhiệm này để phân cấp, giao quyền mạnh mẽ hơn. Còn lo địa phương làm sai, làm trái pháp luật thì tăng cường kiểm tra, đôn đốc.

Thủ tướng sau đó yêu cầu bộ trưởng Bộ Nội vụ báo cáo vấn đề này trong tháng 1-2019.

ĐỨC MINH

Nguồn PLO: http://plo.vn/thoi-su/khong-vi-chong-tham-nhung-ma-tri-tre-trong-hanh-dong-810368.html