Không tường thuật trực tiếp Quốc hội thảo luận Luật Phòng, chống tham nhũng

Chiều 16/10, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về việc chuẩn bị kỳ họp thứ 6 của Quốc hội. Theo Tổng Thư ký Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc, dự kiến kỳ họp thứ 6 sẽ khai mạc vào ngày 22/10, tổng thời gian làm việc của Quốc hội là 24 ngày, bế mạc vào ngày 21/11.

Toàn cảnh phiên họp.

Ông Nguyễn Hạnh Phúc cho biết, trên cơ sở nghiên cứu các ý kiến đóng góp, chương trình công tác của các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Quốc hội sẽ bầu Chủ tịch nước ngay đầu kỳ họp để thuận tiện cho việc trình Quốc hội các nội dung thuộc thẩm quyền. Đồng thời xem xét, quyết định nhân sự thành viên Chính phủ trước khi lấy phiếu tín nhiệm.

Chủ động cung cấp thông tin cho báo chí

Theo dự kiến, chiều 22/10, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân thay mặt Ủy ban Thường vụ Quốc hội trình bày Tờ trình dự kiến nhân sự để Quốc hội bầu Chủ tịch nước. Sau khi thảo luận tại đoàn, các đại biểu Quốc hội sẽ thảo luận, biểu quyết thông qua danh sách để bầu Chủ tịch nước và bỏ phiếu bầu Chủ tịch nước vào ngày 23/10. Chủ tịch nước sẽ tuyên thệ ngay sau khi được Quốc hội bầu. Cũng trong hai ngày này, Quốc hội tiến hành phê chuẩn việc miễn nhiệm chức vụ Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông đối với ông Trương Minh Tuấn và phê chuẩn bổ nhiệm người giữ chức Bộ trưởng thay ông Tuấn.

Về hoạt động chất vấn và tiến hành chất vấn, theo ông Phúc, để đạt hiệu quả cao đồng thời tạo điều kiện để nhiều đại biểu tham gia thảo luận và chất vấn thì mỗi ĐBQH chỉ nên thảo luận và nêu chất vấn trong thời gian không quá 5 phút; người trả lời chất vấn không quá 3 phút đối với chất vấn của 1 đại biểu, và việc giải trình ý kiến đại biểu nêu cần ngắn gọn, xúc tích, bao quát các vấn đề.

Đáng chú ý, ông Phúc cũng cho biết, phiên thảo luận tại hội trường về Dự án Luật Phòng, chống tham nhũng (sửa đổi), và phiên thảo luận ở hội trường các báo cáo về công tác tư pháp, phòng, chống tham nhũng, khiếu nại, tố cáo sẽ không bố trí truyền hình, phát thanh trực tiếp.

Qua thảo luận, các thành viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội thống nhất với dự kiến chương trình mà Tổng Thư ký Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc trình. Song, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân yêu cầu, những phiên Quốc hội không phát thanh, truyền hình trực tiếp Văn phòng Quốc hội cần chủ động cung cấp thông tin cho báo chí nhiều hơn, tạo điều kiện cho báo chí tác nghiệp, tạo điều kiện để các ĐBQH cung cấp thông tin cho báo chí.

Chủ tịch Quốc hội cũng cho biết, trong phiên chất vấn và trả lời chất vấn, nếu ai chất vấn Bộ Thông tin và Truyền thông thì Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam sẽ trả lời thay vì Bộ trưởng Bộ Thông tin và truyền thông mới nhậm chức.

Kéo dài thời gian cấp thị thực điện tử cho người nước ngoài

Cùng ngày, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về Báo cáo kết quả thực hiện Nghị quyết số 30/2016/QH14 về thực hiện thí điểm cấp thị thực điện tử cho người nước ngoài nhập cảnh Việt Nam và việc ban hành Nghị quyết của Quốc hội về việc tiếp tục thí điểm cấp thị thực điện tử cho người nước ngoài nhập cảnh Việt Nam.

Theo Thứ trưởng Bộ Công an Lê Quý Vương, cấp thị thực điện tử cho người nước ngoài nhập cảnh Việt Nam là chính sách mới, thể hiện quyết tâm cải cách thủ tục hành chính triệt để của Chính phủ, phù hợp chủ trương ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động của các cơ quan nhà nước giai đoạn 2016 - 2020.

Sau gần 2 năm tổ chức thực hiện, kết quả tổng kết cho thấy về kinh tế - xã hội, chính sách cấp thị thực điện tử đã góp phần tiếp tục thu hút người nước ngoài vào Việt Nam du lịch, tìm cơ hội đầu tư, kinh doanh, tạo động lực thúc đẩy sự phát triển của ngành du lịch; về đối ngoại, nhiều cơ quan đại diện ngoại giao tại Việt Nam đánh giá cao chính sách cấp thị thực điện tử của Việt Nam, góp phần tạo thuận lợi trong việc xây dựng các mối quan hệ ngoại giao của Việt Nam với các quốc gia trong giai đoạn hội nhập; an ninh quốc gia, trật tự an toàn xã hội được đảm bảo.

“Do đó, việc ban hành Nghị quyết để tiếp tục thực hiện thí điểm cấp thị thực điện tử cho người nước ngoài nhập cảnh vào Việt Nam là cần thiết nhằm có thêm thời gian triển khai trong thực tế, đánh giá toàn diện, đầy đủ, từ đó hoàn thiện quy định về cấp thị thực điện tử khi sửa đổi Luật Nhập cảnh, xuất cảnh, quá cảnh, cư trú của người nước ngoài tại Việt Nam”-Thượng tướng Lê Quý Vương cho biết.

Theo Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội Nguyễn Khắc Định, qua tổng kết 2 năm thực hiện thấy rằng việc thí điểm là tốt. Tuy nhiên việc Chính phủ đề nghị kéo dài thêm 3 năm cần xem xét và chỉ nên cho kéo dài thêm 2 năm. Về lâu dài theo ông Định, Chính phủ cần nhanh chóng sửa đổi Luật Nhập cảnh, xuất cảnh, quá cảnh, cư trú của người nước ngoài tại Việt Nam. Quan điểm trên cũng nhận được sự đồng tình của Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Nguyễn Phương Nga.

Phát biểu tại phiên họp, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân đồng tình việc kéo dài thời gian thực hiện thí điểm cấp thị thực điện tử cho người nước ngoài nhập cảnh vào Việt Nam thêm 2 năm nữa. Tuy nhiên, Chủ tịch Quốc hội đề nghị, trong 2 năm đó Chính phủ cần đánh giá tổng kết việc thực hiện Luật Nhập cảnh, xuất cảnh, quá cảnh, cư trú của người nước ngoài tại Việt Nam để nhanh chóng sửa đổi luật.

Kết luận phiên họp, Phó Chủ tịch Quốc hội Đỗ Bá Tỵ khẳng định, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đồng tình với việc cho tiếp tục kéo dài thời gian thực hiện thí điểm cấp thị thực điện tử cho người nước ngoài nhập cảnh vào Việt Nam thêm 2 năm. Trong thời gian này Chính phủ phải chuẩn bị sửa đổi Luật Nhập cảnh, xuất cảnh, quá cảnh, cư trú của người nước ngoài tại Việt Nam để sau 2 năm trình được ngay, không để kéo dài.

H.Vũ

Nguồn Đại Đoàn Kết: http://daidoanket.vn/quoc-hoi/khong-tuong-thuat-truc-tiep-quoc-hoi-thao-luan-luat-phong-chong-tham-nhung-tintuc420140