Không trồng mới hồ tiêu, diện tích hồ tiêu bị bệnh thì chuyển sang cây trồng khác

Ông Lê Quốc Doanh, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho rằng, các địa phương trồng hồ tiêu cần có sự chỉ đạo quyết liệt để không mở rộng diện tích loại cây này. Đối với những diện tích hồ tiêu bị bệnh thì không trồng lại mà chuyển đổi sang cây trồng khác.

Ngày 23/8, tại thị xã Gia Nghĩa (tỉnh Đắk Nông), Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tổ chức hội nghị phát triển hồ tiêu bền vững đáp ứng yêu cầu các hiệp định thương mại tự do với sự tham dự của hơn 300 đại biểu từ các bộ, ngành trung ương, địa phương, các chuyên gia, nhà khoa học, các hợp tác xã sản xuất hồ tiêu.

Quang cảnh hội nghị. Ảnh: Ngọc Minh/TTXVN

Quang cảnh hội nghị. Ảnh: Ngọc Minh/TTXVN

Tại hội nghị, các đại biểu đã đánh giá thực trạng, dự báo thị trường để tìm nguyên nhân, tháo gỡ khó khăn trong sản xuất, tín dụng, tìm ra cơ hội và các giải pháp căn cơ thúc đẩy việc phát triển bền vững ngành hồ tiêu Việt Nam.

Các đại biểu nhìn nhận, thời gian gần đây, do nguồn cung hồ tiêu trên thế giới liên tục tăng nhanh trong khi nhu cầu tăng chậm khiến giá hồ tiêu lao dốc, dự kiến giá hồ tiêu sẽ tiếp tục giảm trong thời gian tới.

Theo đó, các đại biểu đề xuất đến năm 2025, diện tích trồng hồ tiêu trong cả nước khoảng 110 nghìn ha, sản lượng khoảng 244 ngàn tấn; đến năm 2030, giữ ổn định diện tích trồng hồ tiêu là 100 nghìn ha, sản lượng hồ tiêu của Việt Nam chiếm 40% thị phần thế giới là vừa đủ.

Ông Lê Quốc Doanh, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho rằng, các địa phương trồng hồ tiêu cần có sự chỉ đạo quyết liệt để không mở rộng diện tích loại cây này. Đối với những diện tích hồ tiêu bị bệnh thì không trồng lại mà chuyển đổi sang cây trồng khác. Đặc biệt, các tỉnh cần khuyến khích, hướng dẫn nông dân cách chăm sóc, bảo vệ, bảo quản hồ tiêu theo tiêu chuẩn hữu cơ nhằm đáp ứng yêu cầu ngày càng cao của các thị trường các nước nhập khẩu hồ tiêu.

Thời gian qua, trên địa bàn một số tỉnh đã xảy ra tình trạng cây hồ tiêu bị chết do bệnh với diện tích lớn, ông Hoàng Văn Minh, Giám đốc Ngân hàng Nhà nước Chi nhánh tỉnh Đắk Nông đề nghị các tổ chức tín dụng cần có chính sách hỗ trợ như giãn nợ, giảm lãi vay và đưa ra hướng xử lý nợ vay để nông dân có thời gian phục hồi sản xuất…

Các đại biểu cũng cho rằng, các địa phương cần chủ trì xây dựng chuỗi liên kết doanh nghiệp chế biến, xuất khẩu với người trồng hồ tiêu, tổ chức sản xuất hồ tiêu an toàn, bền vững. Đồng thời, thí điểm mô hình liên kết có cấp chứng nhận, mã số vùng trồng tại một số địa phương trồng hồ tiêu lớn đáp ứng nhu cầu một số thị trường yêu cầu cao về chất lượng và có thể kiểm soát qua thông tin chỉ dẫn xuất xứ.

Bên cạnh đó, các địa phương trồng hồ tiêu cần khuyến khích đầu tư công nghệ chế biến hiện đại để chuyển dịch cơ cấu sản phẩm, nâng tỷ lệ tiêu trắng xuất khẩu đạt tỷ trọng 20% vào năm 2020 và 50% vào năm 2030; đa dạng hóa các sản phẩm hồ tiêu như tiêu đỏ, tiêu xay, nhựa hồ tiêu có giá trị gia tăng cao; nghiên cứu các sản phẩm thực phẩm và phi thực phẩm có thành phần của hồ tiêu.

Các đại biểu tham quan một cơ sở chế biến hồ tiêu tại huyện Đắk Song, tỉnh Đắk Nông. Ảnh: Ngọc Minh/TTXVN

Theo thống kê của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, từ năm 2001 đến nay, Việt Nam luôn giữ vị trí số 1 thế giới về sản xuất và xuất khẩu hồ tiêu. Diện tích và sản lượng hồ tiêu tăng nhanh theo hàng năm, năm 2001, cả nước có 35,3 nghìn ha nhưng đến năm 2018, diện tích hồ tiêu là 149,8 nghìn ha. Sản lượng hồ tiêu của Việt Nam chiếm hơn 40% về sản lượng và gần 60% về thị phần xuất khẩu hồ tiêu của thế giới. Việt Nam đã xuất khẩu hồ tiêu đến 105 nước và vùng lãnh thổ với kim ngạch xuất khẩu đạt 758,8 triệu USD vào năm 2018.

Ngọc Minh – Hưng Thịnh (TTXVN)

Nguồn Tin Tức TTXVN: http://baotintuc.vn/kinh-te/khong-trong-moi-ho-tieu-dien-tich-ho-tieu-bi-benh-thi-chuyen-sang-cay-trong-khac-20190823173938125.htm