Không trình báo khi sử dụng bằng giả của Đại học Đông Đô: Xử lý thế nào?

Luật sư Diệp Năng Bình cho biết, người sử dụng bằng giả của Đại học Đông Đô cố tình không trình báo với Công an thì có thể bị xử lý hình sự.

Bộ Công an thông báo tìm người dùng bằng cấp không đúng quy định của Đại học Đông Đô

Ngày 28/12/2020, Cơ quan an ninh điều tra Bộ Công an cho biết đang điều tra vụ án "giả mạo trong công tác" xảy ra tại trường Đại học Đông Đô. Kết quả điều tra bước đầu xác định Đại học Đông Đô đã cấp bằng cử nhân ngôn ngữ tiếng Anh hệ chính quy - văn bằng 2 cho nhiều cá nhân không đúng quy định.

Để phục vụ công tác điều tra vụ án, Cơ quan an ninh điều tra Bộ Công an đề nghị các cơ quan, tổ chức, cơ sở đào tạo rà soát hồ sơ đã tiếp nhận của cán bộ, học viên, nghiên cứu sinh, nếu có sử dụng bằng cử nhân ngôn ngữ tiếng Anh hệ chính quy - văn bằng 2 do trường Đại học Đông Đô cấp thì thông báo ngay bằng văn bản cho Cơ quan an ninh điều tra.

Riêng các cá nhân đã được trường Đại học Đông Đô cấp bằng cử nhân ngôn ngữ tiếng Anh hệ chính quy - văn bằng 2 liên hệ với Cơ quan an ninh điều tra để trình báo, làm việc và cung cấp thông tin, tài liệu phục vụ công tác điều tra.

Để đảm bảo thời hạn điều tra vụ án, Cơ quan an ninh điều tra đề nghị các tổ chức, cá nhân có liên quan cung cấp thông tin, tài liệu trước ngày 15/1/2021.

Nhiều người thắc mắc, nếu những người đang sử dụng bằng cử nhân ngôn ngữ tiếng Anh hệ chính quy - văn bằng 2 của Đại học Đông Đô này cố tình không đến cung cấp thông tin cho cơ quan công an thì có thể bị xử lý thế nào?

Trao đổi với Báo Giao thông, luật sư Diệp Năng Bình, Trưởng Văn phòng luật sư Tinh Thông Luật (Đoàn Luật sư TP Hà Nội) cho rằng, những người này cần phải có trách nhiệm và thực hiện việc này nghiêm túc.

"Vụ việc cấp bằng không đúng quy định ở Đại học Đông Đô đã bị khởi tố điều tra hành vi "giả mạo trong công tác", vì vậy đây là vụ án hình sự. Điều 168, Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015 có quy định các cơ quan, tổ chức, cá nhân có trách nhiệm thực hiện các yêu cầu của Cơ quan điều tra, cơ quan được giao nhiệm vụ tiến hành một số hoạt động điều tra, Viện Kiểm sát trong giai đoạn điều tra vụ án hình sự thì những trường hợp không chấp hành mà không vì lý do bất khả kháng hoặc không do trở ngại khách quan thì bị xử lý theo quy định của pháp luật", luật sư Bình phân tích.

Luật sư Bình còn cho biết, nếu những người đang sử dụng bằng cấp chưa đúng quy định của Đại học Đông Đô mà không hợp tác, cố tình trốn tránh nghĩa vụ cung cấp thông tin theo yêu cầu của cơ quan điều tra mà Cơ quan điều tra xác định họ là người làm chứng của vụ án thì có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo điều 383 Bộ luật Hình sự. Cụ thể, có thể bị phạt cảnh cáo, phạt cải tạo không giam giữ đến 1 năm hoặc phạt tù từ 3 tháng đến 1 năm. Ngoài ra còn bị cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 1 năm đến 5 năm.

Ở một góc độ khác, ông Bình cho rằng, nếu sau khi cơ quan chức năng đã ra quyết định khẳng định văn bằng này là giả mà các cá nhân vẫn dùng để xin việc hoặc để bổ nhiệm chức vụ cao hơn thì những người này có thể xử lý hình sự theo điều 341 Bộ luật Hình sự năm 2015 (được sửa đổi, bổ sung năm 2017) về tội làm giả con dấu, tài liệu của cơ quan, tổ chức. Tội danh này có mức hình phạt đến 7 năm tù, phạt tiền đến 50 triệu đồng.

Tuy nhiên, luật sư Bình cho rằng, trường hợp người ghi danh học không biết việc Đại học Đông Đô không có chức năng đào tạo và cấp bằng thì họ không phải chịu trách nhiệm hành chính hay trách nhiệm hình sự nhưng họ phải chịu hậu quả về việc thu hồi vì văn bằng được cấp không có giá trị pháp lý.

"Những đảng viên, công chức, viên chức trong trường hợp này được xem là bị hại trong vụ án và có quyền yêu cầu trường Đại học Đông Đô và những cá nhân sai phạm liên đới bồi thường thiệt hại bao gồm các khoản học phí và thiệt hại thực tế (nếu có)", luật sư Bình nói.

Phùng Đô

Nguồn Giao Thông: https://www.baogiaothong.vn/khong-trinh-bao-khi-su-dung-bang-gia-cua-dai-hoc-dong-do-xu-ly-the-nao-d491726.html