Không tính giá trị đất vàng Viện Dệt may: Ngoại lệ?

Nếu Viện Dệt may không tính đất vàng vào giá trị doanh nghiệp khi cổ phần hóa thì phải chứng minh quyền sử dụng đất thuộc trường hợp ngoại lệ.

Phải chứng minh trường hợp ngoại lệ

Theo quyết định ngày 22/5/2017 của Bộ Công thương về việc xác định giá trị Viện Dệt may do Tập đoàn Dệt May Việt Nam tạm thời quản lý để cổ phần hóa, tổng giá trị tài sản đang dùng của Viện dệt may tại thời điểm xác định giá trị doanh nghiệp (ngày 30/9/2016) là hơn 72,793 tỷ đồng.

Sau khi trừ đi khoản nợ phải trả thực tế, giá trị thực tế phần vốn nhà nước tại Viện Dệt may chỉ còn hơn 50,9 tỷ đồng.

Theo lãnh đạo Viện Dệt may Việt Nam, các khu đất này không được tính vào giá trị doanh nghiệp khi cổ phần hóa, chúng đều được sử dụng cho các mục đích nghiên cứu khoa học, kỹ thuật, thí nghiệm.

Về vấn đề này, Luật sư (LS) Trương Xuân Tám, Ủy viên Hội đồng Luật sư toàn quốc, Phó chủ nhiệm Đoàn Lật sư tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu cho biết, Viện Dệt may là đơn vị sự nghiệp công lập (ĐVSNCL) hoạt động theo hình thức tổ chức khoa học và công nghệ tự trang trải kinh phí. Việc xử lý tài chính và xác định giá trị tài sản là một trong những vấn đề quan trọng khi tiến hành cổ phần hóa ĐVSNCL.

Vị luật sư dẫn quy định tại Điều 7 Quyết định số 22/2015/QĐ-TTg cho biết, ĐVSNCL có trách nhiệm kiểm kê, phân loại tài sản; lập bảng kê xác định số lượng, chất lượng và giá trị của tài sản; kiểm quỹ tiền mặt, đối chiếu số dư tiền gửi ngân hàng,….

Khoản 4 và 5 Điều 8 Quyết định số 22/2015/QĐ-TTg đưa ra quy định về cơ chế xử lý riêng đối với tài sản có nguồn gốc từ quỹ khen thưởng, quỹ phúc lợi.

Cụ thể, đối với công trình phúc lợi (nhà trẻ, nhà mẫu giáo, các tài sản phúc lợi khác) đầu tư bằng quỹ khen thưởng, quỹ phúc lợi thì không tính vào giá trị ĐVSNCL; công ty cổ phần tiếp tục kế thừa quản lý và sử dụng để phục vụ mục đích phúc lợi cho người lao động.

Đối với diện tích nhà, đất đã bố trí làm nhà ở cho cán bộ, nhân viên nếu có đủ điều kiện theo quy định của pháp luật đất đai thì chuyển giao cho cơ quan nhà, đất của địa phương để quản lý.

Tài sản dùng cho hoạt động của đơn vị đầu tư bằng nguồn quỹ khen thưởng, quỹ phúc lợi, số dư bằng tiền của quỹ khen thưởng, quỹ phúc lợi được chia cho người lao động đang làm việc tại thời điểm xác định giá trị đơn vị theo số năm công tác.

Trụ sở Viện Dệt may Việt Nam

Bên cạnh đó, Nghị định số 126/2017/NĐ-CP (văn bản thay thế cho Nghị định số 50/2011/NĐ-CP và Nghị định số 189/2013/NĐ-CP) , trong đó có các nội dung điều chỉnh việc cổ phần hóa ĐVSNCL chưa được quy định tại Quyết định số 22 cũng đưa ra một số trường hợp đặc biệt về các tài sản không tính vào giá trị khi thực hiện cổ phần hóa quy định tại các Điều 14, 18 và 28. Bao gồm:

Tài sản thuê, mượn, nhận góp vốn liên doanh, liên kết và các tài sản khác không phải của doanh nghiệp, ĐVSNCL.

Các tài sản khác đã được hình thành từ tiền vốn hỗ trợ đầu tư từ ngân sách nhà nước mà doanh nghiệp cổ phần hóa, ĐVSNCL chỉ được giao làm chủ đầu tư nhưng không được giao quản lý, sử dụng và khai thác kết cấu hạ tầng kỹ thuật.

Những tài sản không cần dùng, ứ đọng, chờ thanh lý.

Các khoản nợ phải thu không có khả năng thu hồi.

Các khoản đầu tư vào doanh nghiệp khác đã thống nhất với các bên góp vốn để thực hiện chuyển giao cho doanh nghiệp nhà nước khác làm đối tác.

Các khoản đầu tư vào doanh nghiệp khác nhưng ĐVSNCL đã bán lại phần vốn góp cho đối tác hoặc các nhà đầu tư khác theo quy định của pháp luật.

Các tài sản của các đơn vị sự nghiệp có thu khi thực hiện cổ phần hóa Công ty mẹ của Tập đoàn kinh tế, Công ty mẹ của Tổng công ty nhà nước, Công ty mẹ trong tổ hợp công ty mẹ - công ty con (ngoại trừ các cơ sở đào tạo, giáo dục nghề nghiệp và khám, chữa bệnh); tài sản hoạt động sự nghiệp, được cơ quan đại diện chủ sở hữu xem xét, quyết định chuyển giao cho các cơ quan liên quan để thực hiện xã hội hóa theo quy định của pháp luật.

Tóm lại, các loại tài sản không thuộc các trường hợp đặc biệt được đề cập đến trong Quyết định số 22/2015/QĐ-TTg và Nghị định số 126/2017/NĐ-CP đều sẽ phải được tính vào giá trị của ĐVSNCL khi tiến hành cổ phần hóa.

"Theo như trả lời của lãnh đạo Viện Dệt may trên báo chí, các khu đất số 478 phố Minh Khai, quận Hai Bà Trưng, Hà Nội và khu đất số 354/128A Trần Hưng Đạo, Quận 1, TP.HCM đều được quy hoạch với mục đích sử dụng cho nghiên cứu khoa học, kỹ thuật, thí nghiệm nên không được tính vào giá trị doanh nghiệp khi cổ phần hóa Viện Dệt may Việt Nam là không phù hợp với quy định hiện hành của pháp luật.

Bởi vì các văn bản quy phạm pháp luật hiện hành về cổ phần hóa ĐVSNCL không đưa ra trường hợp ngoại lệ nào đối với tài sản sử dụng cho mục đích nghiên cứu khoa học, kỹ thuật, thí nghiệm", LS Trương Xuân Tám chỉ rõ.

Từ đây, ông cho rằng, Viện Dệt may Việt Nam cần cân nhắc và nghiên cứu lại thật kỹ các quy định của pháp luật hiện hành, đặc biệt là trong việc xử lý tài chính và xác định giá trị tài sản khi tiến hành cổ phần hóa nhằm tránh làm thất thoát tài sản của Nhà nước.

"Nếu Viện Dệt may Việt Nam cho rằng quyền sử dụng các khu đất trên vẫn không được tính vào giá trị khi tiến hành cổ phần hóa thì Viện Dệt may Việt Nam cần chứng minh rằng quyền sử dụng đất đó thuộc các trường hợp ngoại lệ theo quy định tại Quyết định số 22/2015/QĐ-TTg và Nghị định số 126/2017/NĐ-CP đã được liệt kê ở trên", LS Trương Xuân Tám nhấn mạnh.

Nguồn Đất Việt: http://baodatviet.vn/kinh-te/doanh-nghiep/khong-tinh-gia-tri-dat-vang-vien-det-may-ngoai-le-3353929/