Không tin được dù đó là sự thật

Tôi muốn mượn lời thơ của Giang Nam trong bài 'Quê hương' để nói lên sự thảng thốt và kinh ngạc về chuyện tày đình – nâng điểm thi trong ngành giáo dục ở Sơn La và Hòa Bình. Những người còn chút lòng tự trọng và yêu nước, cứ mãi trăn trở và loay hoay tìm câu trả lời 'Vì đâu nên nỗi?'.

Gian lận thi cử như một căn bệnh ung thư xã hội - Ảnh: Internet

Gian lận thi cử như một căn bệnh ung thư xã hội - Ảnh: Internet

Tiêu cực thì ở đâu và nước nào cũng có. Chỉ khác ở mức độ và cách giải quyết hậu quả. Cuộc sống luôn có hai mặt, cũng như Con và Người trong mỗi cá nhân. Chuyện tiêu cực trong thi cử cũng vậy. Văn minh, giàu có và luật pháp chặt chẽ như nước Mỹ, mà vừa rồi còn xảy ra gian lận thi cử, làm rúng động thế giới. Mà toàn người nổi tiếng. Tham lam là thuộc tính của các loài động vật, trong đó có con người. Có ngay thì cũng có gian. Có thi là có ý tưởng gian lận.

Luật pháp và dư luận xã hội là thành trì bảo vệ sự trung thực. Từ ngàn xưa, luật pháp Việt Nam đã hết sức nghiêm khắc với sự gian lận thi cử. Ở các nước, việc gian lận nếu có, là chỉ mong đủ điểm lách qua cửa hẹp để vào đại học. Có khi là nửa điểm và cùng lắm là vài điểm. Việc gian lận tinh vi bởi vừa với sức học của thí sinh, chưa kể cảm tính của người chấm, nên ít để lại dấu vết, khó phát hiện.

Còn Việt Nam thì khác. Vô đối và ăn đứt cả thế giới về gian lận thi cử. Ai đời thi điểm 0 dám sửa thành đỗ đầu thì không còn gì để nói. Mà toàn các trường danh giá. Tham không giới hạn. Thí sinh, phụ huynh và cả bạn bè đều biết rõ sức học của nhau. Ấy vậy mà, đùng một cái, học kém, bị điểm liệt phút chốc thành thủ khoa vênh váo. Còn hơn cả phép lạ. Ai đó biện minh là “Học tài thi phận”. Xin thưa, có phận cũng chỉ vài điểm gặp may. Không có phận nào vài chục điểm cả.

Hệ thống giáo dục đại học bộc lộ gót chân Asin nguy hại. Đó là chuyện thí sinh bị điểm liệt vẫn thừa sức học với tâm thế thủ khoa cả năm trời mà không ai hay biết. Nếu điểm liệt vẫn thừa sức học đại học băng băng thì thi cử làm gì cho tốn kém. Cứ phổ cập đại học thành học đại, có học là có đậu, có bằng. Các trường quốc tế chuẩn, chỉ thua vài điểm là khó lòng học kịp bạn bè. Đây chính là bức tường thứ hai, sàng lọc và ngăn chặn sự gian lận trong thi cử.

Có người bảo “Chuyện gian lận thi cử vừa rồi nhằm nhò gì. Chỉ là không may bị lộ”. Cả nước có dám thanh tra kết quả thi toàn diện hay không. Mà có thanh tra cũng chẳng biết để làm gì vì không thể xử lý được. Lấy đâu ra cán bộ làm việc và thầy cô giảng dạy. Xin đừng chỉ trách các em. Lỗi hoàn toàn ở phụ huynh, dĩ nhiên các em cũng phải liên đới vì đã tới tuổi trưởng thành. Chẳng phụ huynh nước nào dám liều lĩnh như vậy. Quan chức lại càng không.

Luật nhân quả nhãn tiền. Nhiều cán bộ lãnh đạo, bằng cấp đầy mình nhưng toàn bằng thật mà học giả. Ai cũng công việc nặng nề mà cứ thảnh thơi vài năm là có bằng đại học, trong khi bình thường nếu ăn rồi chỉ học cũng phải mất 4 năm. Còn hơn cả thiên tài. Đây chính là nguồn cơn để gian lận thi cử sinh sôi vô độ, không biết sợ là gì. Chuyện gian lận thi cử ở Sơn La và Hòa Bình rành rành, nhưng các thủ phạm cứ giữ thái độ “Im lặng là vàng”. Nín thở cố chờ “Để lâu cứt trâu hóa bùn”. Một số dư luận còn thỏa hiệp, đề nghị xử sao cho nhân văn, êm đẹp, không làm mất uy tín cán bộ.

“Muốn phá hủy một đất nước, không cần dùng bom nguyên tử hay tên lửa tầm xa. Chỉ cần hạ thấp chất lượng giáo dục và làm ngơ cho gian lận thi cử” (Nelson Maldela). Câu nói này được khắc trang trọng trước cổng trường đại học Nam Phi. Gian lận nào cũng xấu nhưng thuộc hạng xấu nhất và nguy hiểm nhất là gian lận thi cử. Chắc chắn việc gian lận có hệ thống (một mình không thể làm được) không phải bây giờ mới có. Thử hỏi có bao nhiêu “NHÀ” được sản sinh từ bệ phóng gian lận này. Thú thật là không dám nghĩ tiếp. Gieo cây nào thì gặt trái nấy. Đó là quy luật.

Xã hội nhiễu nhương, kỷ cương rối loạn, đạo đức suy đồi bắt đầu từ đây. Vần đề là xử lý sao cho công bằng để vớt vát chút niềm tin sót lại. Dư luận đòi hỏi mọi phụ huynh chạy điểm cho con đều phải bị truy tố về tội hối lộ. Nếu là cán bộ thì buộc thôi việc hoặc cách chức. Đồng thời buộc thôi học các thí sinh gian lận, ít nhất là 2 năm thử thách mới được thi lại. Không có chuyện vẫn tiếp tục được học vì đại học chỉ xét học bạ. Các cán bộ tham gia đường dây nâng điểm, ngoài việc truy tố theo pháp luật, cần cấm hành nghề vĩnh viễn, cả thầy cô lẫn cán bộ công an.

Ung thư di căn không thể dùng thuốc cảm hay dầu gió. Phải có liều đặc trị đủ mạnh để diệt vi rút và chống lây lan. Cần truy cứu trách nhiệm của Tư lệnh ngành và lãnh đạo các địa phương để nêu gương cho xã hội. Bằng không, mọi thứ sẽ sụp đổ, không cần tự diễn biến như ai đó đã lo ngại.

Nguyễn Vũ Mộc Thiêng

Nguồn Một Thế Giới: https://motthegioi.vn/chuyen-hom-nay-c-155/khong-tin-duoc-du-do-la-su-that-111477.html