Không tiêm ngừa, nhiều trẻ nguy kịch vì viêm não Nhật Bản

Thực tế, vào mùa vải, tức tháng 6-7 cũng trùng hợp vào tháng cao điểm nguy cơ dễ mắc bệnh viêm não Nhật Bản. Theo ghi nhận tại một số bệnh viện, đây là thời điểm số trẻ mắc bệnh viêm não Nhật Bản đang gia tăng. Đáng chú ý, có rất nhiều bé mắc bệnh do không tiêm ngừa vaccine.

Tiêm ngừa phòng bệnh viêm não Nhật Bản ở Viện Pasteur TPHCM (ảnh K.Q).

Vì sao mùa vải trùng với mùa bệnh viêm não Nhật Bản?

Tại Bệnh viện Nhi đồng 1 TPHCM hiện có khoảng 6 bé bị viêm não Nhật Bản nặng, tiên lượng xấu. Bệnh nhân mắc bệnh đều chưa được tiêm ngừa vaccine. Theo BS Trương Hữu Khanh, Trưởng khoa nhiễm - thần kinh, Bệnh viện Nhi đồng 1, từ nay đến tháng 10, số bệnh nhân mắc viêm não Nhật Bản có thể gia tăng. Bệnh viêm não Nhật Bản rất nguy hiểm, diễn tiến rất nhanh, trẻ sốt sau đó co giật, rơi vào hôn mê và tỷ lệ tử vong cao.

Bác sĩ Khanh cho biết thêm, bệnh này chủ yếu thường gặp ở trẻ em vùng nông thôn, dễ mắc bệnh do không tiêm ngừa. Đặc biệt những nơi người dân trồng lúa, nuôi lợn; những vùng miền Bắc khi vào mùa vải, chim tu hú - vật truyền gian truyền bệnh xuất hiện. Bệnh viêm não Nhật Bản có virus ký sinh trong cơ thể con lợn, chim tu hú sẽ truyền sang người qua loài muỗi ruộng - đây là muỗi thường sinh sản và trú ở ruộng lúa nước, đồng ruộng. Đó là lý do vì sao mùa vải thường trùng với mùa gia tăng bệnh viêm não Nhật Bản.

Viêm não Nhật Bản là bệnh thường gặp ở trẻ dưới 15 tuổi. Dấu hiệu mắc viêm não Nhật Bản thường gặp bao gồm những triệu chứng như: Sốt cao đột ngột 39-40 độ C kèm đau đầu, buồn nôn và nôn, sau đó co giật, co cứng, liệt và có rối loạn về tinh thần như vật vã, mê sảng, li bì, lú lẫn, hôn mê. Với trẻ nhỏ, các dấu hiệu không điển hình và khó phát hiện hơn nên cần phải dựa vào một số dấu hiệu quan trọng như: sốt, nôn nhiều, thóp phồng, co giật, co cứng, cử động bất thường, li bì hoặc hôn mê. Tỷ lệ tử vong đối với bệnh này có thể lên đến 10 - 20%. Tuy nhiên, điều đáng sợ đối với bệnh nhân mắc viêm não Nhật bản là những di chứng thần kinh về sau.

Theo Cục Y tế Dự phòng, Bộ Y tế, ở Việt Nam, bệnh viêm não Nhật Bản ghi nhận ở nhiều tỉnh thành trong cả nước, nhiều nhất ở các tỉnh đồng bằng và trung du miền Bắc. Các ổ dịch thường gặp ở vùng đồng bằng, trung du và cả ở một số khu vực miền núi Tây Bắc nơi trồng nhiều lúa nước có kết hợp nuôi nhiều lợn gần người. Bệnh thường xuất hiện từ tháng 4 đến tháng 10, đỉnh điểm dịch khoảng tháng 6-7. Hàng năm ở nước ta có khoảng từ vài trăm đến 1000 trường hợp mắc viêm não virus và khoảng 20% trong số này là viêm não Nhật Bản. Từ năm 1997 sau khi triển khai vaccine viêm não Nhật Bản trong chương trình Tiêm chủng mở rộng, số mắc và chết do bệnh này đã giảm đi rất nhiều.

Có thể phòng ngừa bằng viêm vaccine

Bệnh viêm não Nhật Bản chủ yếu xảy ra ở trẻ dưới 15 tuổi. Bệnh do muỗi truyền, có thể gây ra những biến chứng như suy hô hấp, co giật, viêm phổi... Ước tính, khoảng 30% bệnh nhân nhập viện tử vong; khoảng 30-50% trường hợp sống sót bị các di chứng thần kinh và tâm thần nặng nề.

Theo khuyến cáo của Bộ Y tế, biện pháp phòng bệnh tốt nhất là tiêm ngừa vaccine, ngoài ra cha mẹ không nên để trẻ chơi gần bụi rậm, đi ngủ phải mắc màn. Muỗi truyền viêm não thường đốt vào ban đêm. Để phòng bệnh, trẻ cần tiêm vaccine mũi 1 lúc một tuổi; mũi 2 sau mũi một 1-2 tuần; mũi 3 cách mũi 2 một năm. Nếu chỉ tiêm một mũi thì không có hiệu lực bảo vệ. Tiêm đủ 2 mũi hiệu lực bảo vệ đạt trên 80%; tiêm đủ 3 mũi thì đạt 90-95% trong khoảng 3 năm.

Bên cạnh đó, việc quan trọng không kém là người dân cần chú ý vệ sinh môi trường, giữ gìn nhà ở sạch sẽ, vệ sinh chuồng trại để muỗi không có nơi trú đậu. Nên ngủ màn, không cho trẻ em chơi gần chuồng gia súc, đặc biệt lúc chập tối đề phòng muỗi đốt. Khi sốt cao cùng với các triệu chứng tổn thương hệ thần kinh trung ương, cần đưa trẻ ngay đến cơ sở y tế để được chẩn đoán và điều trị kịp thời.

Khương Quỳnh

Nguồn Lao Động: http://laodong.com.vn/song-khoe/khong-tiem-ngua-nhieu-tre-nguy-kich-vi-viem-nao-nhat-ban-673432.bld