Không thỏa thuận nhưng Thượng đỉnh Mỹ-Triều không có 'bên thua'

Thượng đỉnh Mỹ - Triều lần 2 không có thỏa thuận nhưng thực tế thì Hội nghị này không hề có 'bên thua' mà có thể các bên đều 'thắng'.

Cả Tổng thống Mỹ Donald Trump và Chủ tịch Triều Tiên Kim Jong Un đều đạt được những kết quả nhất định sau Hội nghị Thượng đỉnh Mỹ - Triều ở Việt Nam tuần này, thậm chí cả khi không đạt được thỏa thuận.

Chủ tịch Triều Tiên Kim Jong Un và Tổng thống Mỹ Donald Trump. Ảnh: CNN

Không có "bên thua"

Trong khi một số chuyên gia nhận định rằng họ không có nhiều kỳ vọng từ cuộc gặp Thượng đỉnh Mỹ - Triều tuần này thì John Park, một giảng viên tại Đại học Harvard Kennedy lại cho rằng những điều đạt được tại Thượng đỉnh Mỹ - Triều có thể không phải là một thỏa thuận mà là một kế hoạch "về một thỏa thuận lớn toàn diện hơn" khi hai nước sẽ thành lập văn phòng liên lạc hoặc tăng cường các hoạt động trao đổi văn hóa.

Theo ông Park, thay vì một tuyên bố kết thúc Chiến tranh Triều Tiên, có thể hai nhà lãnh đạo Mỹ-Triều đã có những kế hoạch chung, khiến "cả hai bên đều có cảm giác cùng thắng (win - win) và từ đó, các nhóm chuyên viên sẽ hợp tác để đi vào chi tiết thực hiện kế hoạch này".

Do đó, Thượng đỉnh ở Hà Nội dù không đạt được thỏa thuận nào nhưng thực chất lại là tiền đề cho những cuộc gặp và Hội nghị Thượng đỉnh tiếp theo giữa Tổng thống Trump và Chủ tịch Kim.

Thậm chí cả khi các cuộc trao đổi giữa ông Trump và ông Kim thiếu sự chi tiết trong các vấn đề nhưng Tổng thống Mỹ đã cho thấy "đối thoại vẫn tốt hơn nhiều so với tình trạng căng thẳng từng xảy ra trước đó".

Khi Tổng thống Trump và Chủ tịch Kim ngồi lại bên nhau cùng lời hứa Triều Tiên sẽ không tiến hành thêm bất kỳ vụ thử tên lửa nào nữa hay câu nói của ông Kim Jong Un trong cuộc gặp với Tổng thống Trump ở Hà Nội rằng: "Nếu không muốn phi hạt nhân hóa, tôi đã không ở đây", đã đem đến nhiều hy vọng về những diễn biến tích cực hơn trên Bán đảo Triều Tiên.

Hơn nữa, sau Hội nghị Thượng đỉnh Mỹ - Triều lần đầu tiên ở Singapore, Tổng thống Trump đã nhận phải nhiều chỉ trích vì dư luận cho rằng Mỹ đã nhượng bộ quá nhiều trong khi Triều Tiên vẫn chưa hoàn toàn từ bỏ hạt nhân như đã hứa, cũng như những cách hiểu khác biệt về phi hạt nhân hóa của 2 bên. Một thỏa thuận nếu chỉ mang tính hình thức ở Hà Nội sẽ không giúp Tổng thống Trump nâng cao vị thế của mình mà chỉ khiến ông bị chỉ trích nhiều hơn. Thay vào đó, quan điểm "làm đúng còn hơn làm nhanh", "thà không có thỏa thuận còn hơn một thỏa thuận tồi" với những gì đã diễn ra ở Hà Nội đã giúp Tổng thống Mỹ khẳng định sự chủ động cũng như sự tính toán rõ ràng của ông.

Trong khi đó, về phía Triều Tiên, Hội nghị Thượng đỉnh ở Hà Nội dù không đạt được thỏa thuận nhưng đã giúp Bình Nhưỡng cải thiện quan hệ tốt hơn với Mỹ và tạo được một số tiến triển trong chương trình đổi mới kinh tế khi Tổng thống Trump trong cuộc họp báo ngày 28/2 đã khẳng định sẽ không tăng cường các lệnh trừng phạt Triều Tiên.

"Tôi cho rằng Chủ tịch Triều Tiên Kim Jong Un muốn làm điều gì đó khác biệt cho đất nước của ông ấy. Tôi nghĩ, đổi mới kinh tế chính là điều mà ông ấy muốn", Richard Fenning, CEO của tổ chức Control Risks nhận định

Ông Fenning cũng phân tích thêm: “Tuy nhiên ông ấy rất thận trọng và hiểu rõ rằng các quốc gia rất dễ tổn thương khi bắt đầu đổi mới và ông ấy muốn mọi thứ phải diễn ra ‘chậm mà chắc’. Tôi nghĩ hẳn trong tính toán của ông Kim, đã có một kế hoạch khác biệt nào đó, nhằm đưa Triều Tiên thoát khỏi tình trạng hiện nay".

Chủ tịch Kim Jong Un không “ra về tay trắng”

Biên tập viên tờ AP là Adam Schreck và Eric Talmadge đã nhận định rằng dù không đạt thỏa thuận nhưng ông Kim Jong Un "không hề ra về tay trắng".

Theo đó, Chủ tịch Triều Tiên đã nâng cao vị thế của mình khi có thể thuyết phục Tổng thống Mỹ tới châu Á lần thứ 2 để gặp ông chỉ trong vòng chưa đầy 9 tháng. Thậm chí cả khi tuyên bố các cuộc trao đổi không đạt được sự đồng thuận và không có thỏa thuận nào được ký kết, Tổng thống Trump vẫn tiếp tục khen ngợi ông Kim Jong Un và nhấn mạnh rằng Hội nghị Thượng đỉnh nhìn chung diễn ra thân thiện và mang tính xây dựng.

Quan trọng hơn, ông Trump đã để ngỏ một cánh cửa đàm phán cho ông Kim. Không có một thỏa thuận không có nghĩa là các bên rơi vào khủng hoảng hay xung đột.

Dù là vô tình hay hữu ý nhưng thực tế là Tổng thống Trump đang giúp Chủ tịch Kim xây dựng hình ảnh một nhà lãnh đạo trên trường quốc tế theo hướng tích cực hơn.

Thậm chí cả khi các cuộc trao đổi với Washington không đi đến kết quả thống nhất, Chủ tịch Triều Tiên đã cho thấy ông có thiện chí ngoại giao và đối thoại với Tổng thống Mỹ nhưng cũng có lập trường riêng khi sẵn sàng từ chối một thỏa thuận không đáp ứng được những đòi hỏi của Bình Nhưỡng. Ngoài ra, một Hội nghị kết thúc dù không đạt được thỏa thuận nhưng cũng không có bất kỳ bình luận giận dữ hay những lời đe dọa nào từ phía Triều Tiên đã đem đến cái nhìn khác về ông Kim Jong Un và đất nước này.

Ở Hà Nội và cả Singapore, Chủ tịch Kim thể hiện biểu cảm linh hoạt hơn và gần gũi hơn. Ông mỉm cười, tự tin và tôn trọng khi đàm phán với người đồng cấp Mỹ. Nhà lãnh đạo Triều Tiên cũng không vội rời Hà Nội sau khi cuộc gặp Thượng đỉnh kết thúc mà có một "chuyến thăm hữu nghị chính thức" Việt Nam. Đây được xem là cơ hội để ông Kim Jong Un thể hiện cho thế giới và người dân Triều Tiên thấy rằng cuộc gặp với Tổng thống Trump chỉ là một phần trong chuyến công du lớn hơn với nhiều mục tiêu khác nhau của ông.

Uy tín Việt Nam sau Thượng đỉnh Mỹ - Triều

Với vai trò là bên chủ nhà, Việt Nam đã cho thấy sự chuyên nghiệp trong mọi khâu chuẩn bị và tổ chức từ an ninh, hậu cần cho tới sự thân thiện và hiếu khách của người dân.

Tờ The Atlantic đã phân tích về những khó khăn và thách thức mà Việt Nam phải đối mặt khi khoảng thời gian chuẩn bị Thượng đỉnh Mỹ - Triều diễn ra gấp rút cũng như những khó khăn trong việc chuẩn bị đón tiếp Chủ tịch Kim Jong Un. Tuy nhiên, The Atlantic cũng chỉ ra sự ấn tượng và chuyên nghiệp trong khâu chuẩn bị của nước chủ nhà khi đường phố khắp nơi sạch sẽ, các địa điểm xây dựng dở dang được dọn dẹp gọn gàng, những lá cờ Việt Nam, Mỹ và Triều Tiên được treo khắp nơi và lực lượng an ninh được triển khai trước cả tuần để đảm bảo an toàn cho Hội nghị.

Báo chí quốc tế đều bày tỏ sự ấn tượng về khâu tổ chức và sự chuyên nghiệp trong quá trình chuẩn bị của Việt Nam. Hội nghị thượng đỉnh Mỹ - Triều Tiên lần thứ 2 đã thu hút sự quan tâm của hơn 2.600 nhà báo của hơn 200 hãng tin, thông tấn, báo chí lớn trên thế giới từ hơn 40 quốc gia khác nhau đến đưa tin. Những ấn tượng tốt đẹp của họ về Hà Nội sẽ giúp đưa cái tên Việt Nam và Hà Nội đi xa hơn trên thế giới.

Đặc biệt, dù không đạt được thỏa thuận nào ở Hà Nội nhưng Tổng thống Trump từ lúc đặt chân tới sân bay cho đến khi về nước đều dành những lời cảm ơn chân thành và những lời khen cho Việt Nam. Ngày 28/2, sau khi lên máy bay về nước, Tổng thống Mỹ đã đăng tải trên Twitter rằng: “Xin gửi lời cảm ơn tới các nhà tổ chức hào hiệp của chúng tôi ở Hà Nội tuần này: Chủ tịch Nguyễn Phú Trọng, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc và nhân dân Việt Nam tuyệt vời”.

Thượng đỉnh Mỹ - Triều không những là dịp để Việt Nam được đăng cai một sự kiện được cả thế giới quan tâm mà còn là cơ hội để Việt Nam khẳng định vai trò của mình như một chủ thể có trách nhiệm, và tham gia tích cực vào các vấn đề thế giới. Ngoài ra, đăng cai Thượng đỉnh cũng giúp Việt Nam quảng bá hình ảnh đất nước, con người thân thiện và an ninh. Từ đây, Hà Nội nói riêng và Việt Nam nói chung có thể được cân nhắc để lựa chọn tổ chức các hội nghị quốc tế trong tương lai, nhất là những sự kiện liên quan đến vấn đề hòa giải và hòa bình thế giới./.

Nguồn VOV: http://vov.vn/the-gioi/khong-thoa-thuan-nhung-thuong-dinh-mytrieu-khong-co-ben-thua-881119.vov