Không thích... phòng bệnh!

Hai Y tế nói đùa à? Phòng bệnh hơn chữa bệnh chớ.

- Không đùa mô NXD, thực tế đã xảy ra nên Hai mới dám nói chớ.

- Phòng bệnh gì mà không thích?

- Bệnh sốt xuất huyết (SXH).

- À, hiểu rồi! Có phải chuyện người dân lo ngại trong việc phun hóa chất diệt muỗi?

- Như NXD thấy đó, thời tiết từ cuối tháng 8-2018 đến nay diễn biến thất thường, tạo điều kiện cho muỗi sinh sôi và phát triển khiến tình hình dịch bệnh SXH có dấu hiệu gia tăng trở lại. Chính vì vậy, để hạn chế tối đa số ca mắc và lây nhiễm, ngành y tế TP Đà Nẵng đã tích cực triển khai nhiều biện pháp phòng chống dịch và điều cán bộ đến từng khu phố hướng dẫn người dân cách diệt lăng quăng, bọ gậy cũng như tiến hành phun thuốc diệt muỗi. Tuy nhiên, trong quá trình thực hiện nhiệm vụ, cán bộ y tế đã gặp phải "rào cản" từ người dân.

- Rào cản ra sao Hai?

- Tại những địa điểm trên địa bàn Đà Nẵng có các ổ dịch, ngành Y tế đã cử cán bộ, nhân viên đến địa bàn phun hóa chất diệt muỗi nhằm ngăn chặn sự lây lan và không cho dịch bùng phát. Tuy nhiên, nhiều người dân vì lo ngại thuốc phun diệt muỗi độc hại nên đã lảng tránh, "cửa đóng, then cài", thậm chí một số còn phản đối ra mặt. Ngoài ra, do ý thức của một bộ phận người dân còn hạn chế cộng với nhiều khu đất trống ô nhiễm môi trường, các công trình xây dựng dang dở chứa nhiều vật dụng phế thải đựng nước vẫn đang tồn tại một số khu vực đã khiến cho công tác phòng chống dịch SXH gặp không ít khó khăn. Bên cạnh đó, chính quyền các địa phương tuy có quan tâm công tác diệt lăng quăng, bọ gậy nhưng chỉ dừng ở mức ban hành công văn chỉ đạo, chưa tổ chức giám sát, đánh giá hiệu quả tại cộng đồng...

- Rứa thì nguy hiểm quá còn gì?

- Bệnh SXH hiện chưa có vaccine phòng bệnh nên biện pháp duy nhất để phòng bệnh là vệ sinh nơi ở, khu dân cư, diệt lăng quăng, bọ gậy và phun hóa chất diệt muỗi vằn. Theo Bộ Y tế, thuốc phun diệt muỗi hiện nay đang sử dụng để phun dập dịch SXH tại các cụm dân cư không hề gây độc với sức khỏe con người.

- Phòng chống dịch SXH là nhiệm vụ của toàn dân, không riêng ngành nào, cấp nào, nếu người dân còn chủ quan, lơ là hoặc chưa hiểu hết mối nguy hiểm của dịch bệnh SXH thì rất khó cho công việc khống chế, dập tắt dịch. Chính vì vậy, ngoài sự tích cực của cơ quan chức năng, mỗi người dân trên địa bàn TP Đà Nẵng cần phải không ngừng nâng cao vai trò của mình, tích cực chủ động, tự giác trong việc phòng, chống dịch SXH.

N.X.D

Nguồn CAĐN: http://cadn.com.vn/news/143_202776_khong-thich-phong-benh-.aspx