'Không thể xem TP.HCM là bò sữa để vắt quá nhiều'

Theo tỷ lệ phân bổ ngân sách do Trung ương quy định thì TP.HCM làm ra 100 đồng thì chỉ được chi 18 đồng, còn lại 82 đồng nộp về ngân sách. Trong khi đó, TP.HCM đang thực hiện Nghị quyết 54 đặt ra vai trò phải thực hiện tốt nhiều vấn đề dân sinh, bảo đảm an sinh xã hội. Đây rõ ràng là một thách thức không nhỏ.

ĐBQH Phan Nguyễn Như Khuê, Phó trưởng đoàn chuyên trách Đoàn đại biểu Quốc hội TP.HCM tại kỳ họp - Ảnh: Phan Diệu

Ngày 5.12, kỳ họp thứ 12 HĐND TP.HCM bước sang ngày làm việc thứ 2 với phiên thảo luận tại hội trường.

TP.HCM không thể “lạc quan tếu” trong năm 2019

Đại biểu quốc hội (ĐBQH) Phan Nguyễn Như Khuê - Phó trưởng đoàn chuyên trách Đoàn ĐBQH TP.HCM nói rằng, nếu đối chiếu báo cáo thẩm tra của Ban Kinh tế - Ngân sách HĐND TP.HCM sẽ thấy sang năm 2019, khả năng thu nội địa căng thẳng vô cùng, trong khi áp lực chi vô cùng lớn.

Cụ thể, dự toán thu chi ngân sách nhà nước năm 2019 phát sinh trên địa bàn Thành phố sẽ cao hơn dự toán năm 2018 là 22.000 tỉ đồng. Như vậy, dự toán thu nội địa phải tăng 16.000 tỉ đồng, thu từ dầu thô tăng 5.400 tỉ đồng và hoạt động xuất nhập khẩu tăng 800 tỉ đồng. Vấn đề này đòi hỏi Thành phố phải nỗ lực thu nội địa tối đa trong.

Ông Khuê cho rằng theo tỉ lệ phân bổ ngân sách của Trung ương quy định thì TP.HCM làm ra 100 đồng chỉ được chi 18 đồng, còn lại 82 đồng nộp về ngân sách trung ương. Trong khi đó, TP.HCM đang thực hiện Nghị quyết 54 về thí điểm cơ chế, chính sách đặc thù đặt ra vai trò làm sao Thành phố phải thực hiện tốt nhiều vấn đề dân sinh, bảo đảm an sinh xã hội. Đây rõ ràng là một thách thức không nhỏ.

Chưa kể, Nghị quyết 54 cho Thành phố giữ lại 100% vốn từ cổ phần hóa, thoái hóa vốn doanh nghiệp nhà nước. Thế nhưng, câu chuyện kéo dài từ cả năm nay đó là Thành phố chưa có lộ trình cho công tác cổ phần hóa, thoái hóa vốn doanh nghiệp nhà nước.

Theo Quyết định 1629 của Chính phủ, bắt đầu từ 1.7.2019 sẽ tiến hành điều chỉnh mức lương cơ sở từ 1,39 triệu đồng/tháng lên 1,49 triệu đồng/tháng. Như vậy, Thành phố phải bù giữa nguồn thu để làm sao giải quyết được việc tăng lương cơ sở này.

“Bộ Tài chính trình Chính phủ cho chúng ta dùng 2.200 tỉ đồng cho đợt cải cách tiền lương tới. Trong đó, 50% chi cho thu nhập tăng thêm và 50% để lại cho chăm lo an sinh xã hội. Vậy là rất khó”, ông Khuê đánh giá.

Trước tình hình đó, ông Khuê nhìn nhận thành phố cần mổ xẻ kỹ để có giải pháp hết sức kiên quyết trong bối cảnh TP.HCM đang có những khó khăn và thách thức mới. Bên cạnh đó, trong năm 2019, TP.HCM không thể “lạc quan tếu” được dù ghi nhận sự chuyển biến tích cực của Thường trực UBND TP.HCM và nỗ lực của người dân TP.HCM.

“Khi trao đổi với Bộ trưởng Tài chính, tôi nói TP.HCM không giấu diếm gì Trung ương. Tôi rất mong Bộ Tài chính có đánh giá một cách rõ nét đối với TP.HCM trong bối cảnh thực hiện Nghị quyết 54. Việc phân bổ ngân sách trong thời gian tiếp theo, Bộ Tài chính cần làm rõ định mức tỉ lệ ngân sách TP.HCM được giữ lại chứ không thể làm theo cảm tính. Không thể xem TP.HCM là bò sữa để vắt sữa quá nhiều trong khi Thành phố cần được bồi dưỡng để tạo điều kiện chăm lo an sinh xã hội cho người dân TP.HCM” , ông nói thêm.

Kỳ họp thứ 12 HĐND TP.HCM bước sang ngày làm việc thứ 2 với phiên thảo luận tại hội trường - Ảnh: Phan Diệu

Thất thu phí đậu xe ô tô

Liên quan đến tình trạng thất thu phí tự động xe hơi ở vỉa hè rất lớn mà báo chí từng nêu, ĐBQH Khuê cũng bày tỏ lo lắng về vấn đề này. Ông đặt vấn đề, dù nghị quyết HĐND TP.HCM đã ban hành nhưng có cảm giác ngành chuyên môn còn luộm thuộm, mặc dù đã lùi thời gian thực hiện nhưng vẫn chưa đạt yêu cầu.

“Tôi đọc thông tin trên báo chí thấy thất thu khoảng 1 tỉ đồng. Đây là con số rất lớn. Nghị quyết HĐND TP.HCM đã ban hành nhưng tôi có cảm giác ngành chuyên môn còn luộm thuộm, mặc dù đã lùi thời gian thực hiện nhưng vẫn chưa đạt yêu cầu. Tình hình này không thể để kéo dài, chúng ta cần quan tâm để tránh thất thoát nguồn thu. Tích tiểu sẽ thành đại, sẽ bổ sung nguồn ngân sách của TP.HCM", ông nhận xét.

Tương tự, ĐBQH Nguyễn Thị Tố Trâm cũng đặt vấn đề về việc thu phí đỗ xe ô tô dưới lòng đường thất thu đến 60%. Vậy Sở GTVT TP.HCM đã làm gì để khắc phục tình trạng này?

Được yêu cầu trả lời đại biểu, Giám đốc Sở GTVT Bùi Xuân Cường cho hay đây là lần đầu tiên ứng dụng công nghệ, thu phí tự động. Mục tiêu thu phí tập trung kiểm soát, giảm bớt nhu cầu lưu thông về khu vực trung tâm và có thêm nguồn để duy tu hệ thống công trình.

Giám đốc Sở GTVT TP.HCM Bùi Xuân Cường trả lời chất vấn tại kỳ họp - Ảnh: Phan Diệu

Về thu phí lòng đường đỗ xe ô tô theo Nghị quyết 01 của HĐND Thành phố, trong quá trình thực hiện có 2 nhóm mục tiêu chính. Thứ nhất là nhóm mục tiêu tập trung kiểm soát nhu cầu dừng đỗ, qua đó giảm bớt nhu cầu lưu thông vào khu vực trung tâm, đến nay cơ bản đạt được.

Đối với nhóm đảm bảo có thêm nguồn thu ngoài phục vụ bộ máy thu và duy tu trở lại cho công trình giao thông thì trong quá trình thực hiện, Sở đã tập trung về giải pháp công nghệ và đến nay cơ bản đã ổn định. Về hệ thống giám sát các vị trí HĐND TP.HCM cho thí điểm 23 tuyến đường đã lắp 261 camera để giám sát.

“Tuy nhiên, vấn đề khó khăn hiện nay là tổ chức thu phí và giám sát việc người dân tự nguyện thanh toán còn khó khăn. Tỷ lệ số tiền thu thực tế so với số lượng giám sát qua camera mới chỉ đạt 16%, tức thất thoát 84%.

Qua theo dõi trên hệ thống camera, nếu không có tính quyết liệt của đội ngũ thu phí trực tiếp giám sát ngoài hiện trường thì việc người điều khiển phương tiện tự nguyện thanh toán phí rất ít. Vì vậy vừa qua, Sở kiến nghị UBND TP.HCM xem xét chuyển lực lượng phụ trách thu cho lực lượng thanh niên xung phong thành phố từ 1.1.2019”, ông Cường nói.

Phan Diệu

Nguồn Một Thế Giới: https://motthegioi.vn/kinh-te-c-67/tai-chinh-dau-tu-c-98/khong-the-xem-tphcm-la-bo-sua-de-vat-qua-nhieu-102531.html