Không thể xao nhãng

Mối nguy hiểm và tác động tiêu cực của rác thải nhựa đối với môi trường đang là một trong những vấn đề nhức nhối mang tính toàn cầu. Tuy nhiên, việc quá tập trung vào xử lý rác thải nhựa đã làm người dân có phần xao nhãng những vấn đề khác cũng cần được quan tâm vì ô nhiễm môi trường không chỉ do rác thải nhựa gây ra.

Còn nhiều yếu tố khác cũng đang khiến môi trường bị tàn phá như hoạt động nông nghiệp dẫn đến việc ô nhiễm thuốc trừ sâu, khai thác rừng quá mức khiến các loài thực vật bị suy giảm nghiêm trọng...

Ngoài ra, việc sử dụng các kim loại trong thiết bị điện tử, phương tiện giao thông vận tải, xây dựng cơ sở hạ tầng cũng làm rò rỉ chất nguy hại vào môi trường sau khi chúng hết thời gian sử dụng. Đây là các hóa chất dễ phát tán hơn nhựa và một số loại hóa chất độc hại còn bền vững hơn, tồn tại lâu hơn rất nhiều so với nhựa.

Giới chuyên gia khí hậu cho rằng, ô nhiễm nhựa đã huy động được những hành động bảo vệ môi trường ở quy mô rất lớn. Nhưng để đi đến việc phục hồi môi trường, những hành động này cần tập trung vào những nguyên nhân thực sự, như là tiêu thụ quá mức cần thiết những sản phẩm dùng một lần, hơn là chỉ đơn giản chú ý đến sự có mặt của nhựa. Bên cạnh đó cũng cần nhìn nhận những yếu tố, tác nhân ô nhiễm khác, gây hậu quả hơn nhiều so với nhựa, tác động nghiêm trọng đến sự mất đa dạng sinh học và biến đổi khí hậu.

Theo Tổ chức Khí tượng thế giới (WMO), biến đổi khí hậu vẫn chưa dừng lại trong Covid-19 do lượng khí thải đang tăng trở lại sau sự suy giảm tạm thời do đại dịch và suy thoái kinh tế gây ra. Báo cáo của WMO nhấn mạnh, những tác động ngày càng tăng và không thể đảo ngược của biến đổi khí hậu đã và đang gây ảnh hưởng đến thiên nhiên, nền kinh tế và điều kiện sống của con người. Tuy nhiên, đang có một diễn biến gây lo ngại là việc các quốc gia phát triển trong nhóm G20 vẫn chi hơn 500 tỷ USD mỗi năm cho các dự án khai thác nhiên liệu hóa thạch dù đã cam kết cắt giảm lượng khí thải gây hiệu ứng nhà kính theo Hiệp định Paris về biến đổi khí hậu năm 2015.

Cơ quan Năng lượng quốc tế (IEA) cho rằng, Covid-19 đã đem đến cơ hội để các nước đầu tư vào năng lượng sạch. Nhưng chính phủ các nước dường như không thực tâm thúc đẩy “phục hồi xanh” trong quá trình vực dậy nền kinh tế bị suy yếu do ảnh hưởng của đại dịch.

Bà Anna Geddes, chuyên gia của Viện Quốc tế về phát triển bền vững, nhận định, ngay cả trước khi Covid-19 ập đến, các nước G20 đã “không đi đúng hướng” để đáp ứng các cam kết được nêu trong Hiệp định Paris về việc chấm dứt hỗ trợ nhiên liệu hóa thạch. Thay vào đó họ đi ngược lại các cam kết trên. Trong giai đoạn 2016-2019, không một quốc gia nào đạt được tiến bộ trong việc ngừng trợ cấp cho các loại nhiên liệu gây ô nhiễm để đạt được các mục tiêu của Hiệp định Paris. Hầu hết các nước G20 đều bị đánh giá kém do hoạt động thiếu minh bạch và chính sách tiếp tục ủng hộ khai thác nhiên liệu gây ô nhiễm. Trước diễn biến này, Tổ chức môi trường Oil Change International khuyến cáo, các chính phủ nên đầu tư vào một tương lai bền vững hơn nếu không muốn chứng kiến một cuộc khủng hoảng biến đổi khí hậu có thể xảy ra trong tương lai.

THANH HẰNG

Nguồn SGGP: http://sggp.org.vn/khong-the-xao-nhang-697522.html