Không thể vin vào áp lực để biện minh cho các hành vi phản giáo dục

Ngày 14-12, tại Hà Nội, Trường Đại học Sư phạm Hà Nội phối hợp với Bộ GD&ĐT tổ chức Tọa đàm 'Áp lực của giáo viên: Nguyên nhân và giải pháp'.

Chia sẻ tại buổi Tọa đàm, TS Nguyễn Văn Hòa, Chủ tịch Hội đồng Trường THCS và THPT Nguyễn Bỉnh Khiêm Hà Nội đã chỉ ra rất nhiều nguyên nhân khiến cho nghề giáo trở nên quá áp lực.

Theo thầy Nguyễn Văn Hòa, giáo viên của chúng ta hiện có khoảng 70% được đào tạo theo cách cũ nên cổ hủ và bảo thủ, nghĩ rằng không có ai hơn mình, mình sinh ra để dạy bảo mọi người nên rất khó thay đổi. Nguyên nhân thứ hai đến từ mục tiêu giáo dục của chúng ta.

Lâu nay, chúng ta dạy học sinh ngoan, vâng lời, chấp hành kỷ luật và thầy cô là sản phẩm của lối dạy đó nên không chấp nhận học sinh hư, bức xúc và xử lý học sinh khi em nào không vào khuôn phép, không vào kỷ luật. Lối dạy của chúng ta hiện nay chủ yếu cung cấp kiến thức, nặng về điểm số, chạy theo thi cử, thành tích, chỉ tiêu thi đua.

Tăng cường giáo dục kỹ năng để các giáo viên tương lai có thể xử lý được nhiều tình huống sư phạm. Ảnh minh họa

Chính điều đó tạo ra áp lực khi cấp trên gây áp lực cho nhà trường, nhà trường áp lực cho giáo viên, giáo viên áp lực cho học sinh, cha mẹ cũng áp lực cho thầy cô và chính thầy cô cũng áp lực cho mình.

“Nhà trường chưa tạo ra một môi trường giáo dục thân thiện, nhà trường không có yêu thương, hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn, làm chỗ dựa cho thầy cô. Thầy cô mắc khuyết điểm thì lại phê bình, lại điều tra, lập hội đồng kỷ luật”, thầy Hòa nói.

Từ góc độ của đơn vị đào tạo, PGS.TS Nguyễn Đức Sơn, Trưởng khoa Tâm lý - Giáo dục, Đại học Sư phạm Hà Nội cũng thừa nhận mặc dù nội dung giáo dục đạo đức, giáo dục kỹ năng xử lý tình huống cho sinh viên đã được các trường sư phạm thiết kế trong chương trình.

Tuy nhiên, chưa xây dựng được một hệ thống - khung các kỹ năng mềm cần thiết cho việc hành nghề của giáo viên; các nội dung chủ yếu vẫn tập trung vào kiến thức lý thuyết trong khi để hình thành đạo đức nhà giáo và các kỹ năng cần có sự trải nghiệm các tình huống thực tiễn trong môi trường nhà trường phổ thông. Việc đánh giá các kỹ năng giáo dục, các kỹ năng mềm hầu như còn vắng bóng, chủ yếu vẫn tập trung vào các kỹ năng dạy học.

Phát biểu tại buổi Tọa đàm, Bộ trưởng Bộ GD&TT Phùng Xuân Nhạ cho biết: Bản thân ông rất muốn lắng nghe tâm tư, góp ý của các nhà giáo. Đặc biệt là những áp lực cụ thể của giáo viên tại các vùng miền khác nhau.

Cũng theo Bộ trưởng Bộ GD&ĐT, áp lực với thầy cô giáo tạo nên từ nhiều thành tố. Trước hết từ chính bản thân các giáo viên và môi trường mà họ đang làm việc, từ cơ chế chính sách cho đến vị trí việc làm, thu nhập, đãi ngộ phụ cấp...

Mặt khác, môi trường xã hội, phụ huynh và thậm chí là học sinh cũng là những nguyên nhân dẫn đến áp lực với giáo viên. Tuy nhiên, theo Bộ trưởng, áp lực với giáo viên trong giảng dạy là có nhưng họ có những việc làm không đúng là không thể chấp nhận được.

Tất cả các thầy cô vin vào áp lực và có những hành vi đi ngược lại với thuần phong mỹ tục, chuẩn mực giáo dục thì chúng ta không chấp nhận. Giáo viên có những hành vi với học trò chưa đúng thì phải sửa sai, không sửa được thì phải loại ra khỏi ngành. Còn những thầy cô giảng dạy tốt cần được động viên, khích lệ.

Người đứng đầu ngành giáo dục cũng cho biết, sắp tới, Bộ GD&ĐT sẽ tập trung vào chính sách tuyển sinh các trường sư phạm để nhà trường tuyển sinh được các giáo sinh phù hợp. Phù hợp ở đây không phải chỉ là điểm cao. Bởi điểm cao là một điều kiện nhưng nghề giáo cần những phẩm chất riêng. Giáo viên phải có phẩm chất kiên nhẫn, yêu nghề, mến trẻ.

“Phần dạy chữ, chuyên môn có thể yên tâm nhưng cần quan tâm phần dạy người, đặc biệt rèn cho các giáo sinh phát triển phẩm chất, kỹ năng để khi ra trường thì có thể tự xử lý được nhiều vấn đề, tình huống sư phạm, đỡ bị động và có thể vượt qua áp lực”- Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ nhấn mạnh.

Huyền Thanh

Nguồn CAND: http://cand.com.vn/giao-duc/khong-the-vin-vao-ap-luc-de-bien-minh-cho-cac-hanh-vi-phan-giao-duc-524831/