Không thể thiếu vai trò của truyền thông

Trong bối cảnh giao lưu, hội nhập văn hóa mạnh mẽ như hiện nay, vấn đề bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa Việt Nam càng trở nên cấp thiết, đòi hỏi phải có sự chung tay của nhiều cấp, nhiều ngành, thể hiện vai trò trách nhiệm của nhiều cơ quan, tổ chức, trong đó có các cơ quan báo chí truyền thông.

Ngày 18/11, tại Làng Văn hóa – Du lịch các dân tộc Việt Nam (Đồng Mô, Sơn Tây, Hà Nội), Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch phối hợp với Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tổ chức Tọa đàm “Truyền thông với bảo tồn và phát huy các giá trị di sản văn hóa dân tộc”. Đây là sự kiện nằm trong chuỗi các hoạt động của Tuần “Đại đoàn kết các dân tộc - Di sản văn hóa Việt Nam” năm 2019.

Tọa đàm “Truyền thông với bảo tồn và phát huy các giá trị di sản văn hóa dân tộc”.

Tọa đàm “Truyền thông với bảo tồn và phát huy các giá trị di sản văn hóa dân tộc”.

Tọa đàm được tổ chức nhằm góp phần làm sâu sắc hơn vai trò, đóng góp quan trọng của truyền thông với bảo tồn và phát huy các giá trị di sản văn hóa, tăng cường khối đại đoàn kết dân tộc, đồng thời giúp các nhà quản lý, các nhà báo nhận diện thực chất hơn về hiệu quả, thực trạng của công tác này.

Phát biểu tại buổi tọa đàm, bà Trương Thị Ngọc Ánh – Phó Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam nhấn mạnh: Từ nhiều năm nay, vấn đề bảo tồn, phát huy các di sản văn hóa Việt Nam đã trở thành những vấn đề thực tiễn quan trọng cần quan tâm giải quyết trong sự nghiệp xây dựng và phát triển nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc, góp phần không ngừng củng cố, nâng cao khối đại đoàn kết toàn dân tộc.

Trong nhiều năm qua, các cơ quan báo chí truyền thông đại chúng đã tập trung tuyên truyền đậm nét vấn đề bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa dân tộc dưới nhiều hình thức giới thiệu về các di tích lịch sử văn hóa, danh lam thắng cảnh, di sản văn hóa quốc gia, di sản văn hóa thế giới, đồng thời phản ánh chân thực, sinh động những phong tục tập quán, nét đẹp truyền thống, lễ hội truyền thống tốt đẹp của cộng đồng 54 dân tộc anh em. Báo chí cũng đã có những phản biện kịp thời về những chính sách, những hạn chế, bất cập trong quản lý di sản văn hóa giúp các địa phương cũng như các cơ quan quản lý Nhà nước khắc phục khiếm khuyết. Truyền thông đã và đang đóng góp quan trọng cho sự bảo tồn giữ gìn văn hóa truyền thống, các di sản văn hóa trong đời sống xã hội.

Di sản văn hóa là tài sản quý giá của dân tộc Việt Nam, di sản văn hóa là biểu tượng của sự trường tồn, là cầu nối giữa quá khứ với hiện tại và tương lai của dân tộc, gắn kết cộng đồng dân tộc để làm nên bản sắc văn hóa Việt Nam. Đảng và Nhà nước đã hết sức quan tâm chăm lo, bảo vệ và phát huy các giá trị văn hóa dân tộc, nhiều di tích được tôn tạo, trùng tu, nhiều lễ hội của cộng đồng các dân tộc được bảo tồn, phục dựng đã góp phần phát huy bản sắc dân tộc, củng cố khối đại đoàn kết toàn dân tộc. Vai trò của người dân, chủ nhân của di sản văn hóa ngày càng được khẳng định rõ, các yếu tố đó đã góp phần gia tăng khách du lịch, góp phần xóa đói giảm nghèo, nâng cao đời sống của người dân.

Tuy nhiên, thực trạng bảo tồn các giá trị di sản văn hóa hiện nay cũng còn nhiều vấn đề như xâm hại di tích, chảy máu di sản, một số nét đẹp truyền thống dân tộc bị phôi pha… vì vậy, công cuộc bảo tồn, phát huy các giá trị di sản văn hóa đã trở thành sứ mệnh và trách nhiệm của mỗi cơ quan, mỗi tổ chức, mỗi người dân Việt Nam.

Xu hướng truyền thông hiện nay là tìm kiếm, gặp gỡ giữa di sản và truyền thông, góp phần xóa nhòa khoảng cách trong nhận diện, đánh giá giá trị di sản của các nhà nghiên cứu văn hóa, cộng đồng, du khách tham gia lễ hội và dư luận nói chung. Việc kết hợp được thế mạnh của truyền thông trong việc hỗ trợ tuyên truyền, quảng bá, phát huy giá trị di sản văn hóa là biện pháp hữu hiệu thu hút sự quan tâm của cộng đồng với di sản văn hóa, bảo vệ di sản trước thách thức của quá trình hội nhập…

Ông Đặng Khắc Lợi – Phó Cục trưởng Cục Báo chí, Bộ Thông tin và Truyền thông nêu ý kiến, nước ta hiện có 868 cơ quan báo chí, 67 đài truyền hình. Để nâng cao hiệu quả công tác tuyên truyền về bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa dân tộc, các cơ quan báo chí cần đổi mới nội dung truyền thông về chủ đề này một cách đa dạng, phong phú và sinh động hơn. Cần chú trọng công tác đào tạo kỹ năng truyền thông cho nhà báo, phóng viên chuyên viết về lĩnh vực văn hóa, di sản. Ngoài ra, các cơ quan trong lĩnh vực Văn hóa cần có sự phối hợp chặt chẽ, thường xuyên cung cấp thông tin cho báo chí để làm đa dạng, kịp thời các nội dung tuyên truyền.

Nhà báo Phạm Vũ Dũng - Tạp chí Văn hóa nghệ thuật cho rằng, truyền thông đã cho thấy sức mạnh vượt trội trong thông tin, tuyên truyền và quảng bá về văn hóa. Cùng đó, truyền thông cũng phản ánh chân thực các vấn đề lên quan đến di sản văn hóa, danh lam thắng cảnh, các lễ hội truyền thống. Cần có giải pháp đồng bộ để thay đổi nhận thức, ứng xử với di sản văn hóa. Nhà báo Phạm Vũ Dũng nhận định, ở khía cạnh nào đó, truyền thông vẫn còn những bất cập như dung lượng, thời lượng dành cho di sản văn hóa còn khiêm tốn. Một số cơ quan truyền thông chưa thực sự quan tâm trong việc bảo vệ di sản văn hóa hoặc bộc lộ khuynh hướng thương mại hóa, chiều theo thị hiếu người tiêu dùng.

Theo bà Chu Thị Thu Hằng, Tổng biên tập Báo Văn hóa, di sản là một trong những lĩnh vực đặc thù nên cần có những lớp tập huấn về di sản, ngôn ngữ di sản, am hiểu sâu về văn hóa di sản cho phóng viên. Tuy nhiên, trách nhiệm của nhà báo, nếu chỉ chạy theo sự kiện mà không thực sự hiểu về di sản thì bài viết sẽ không sâu sắc. Phải quảng bá di sản kết nối với du lịch.

Ông Trịnh Ngọc Chung, Phó trưởng ban phụ trách Ban quản lý Làng Văn hóa – Du lịch các dân tộc Việt Nam cho rằng: Truyền thông trong thời đại ngày nay vô cùng quan trọng, thời gian tới công tác truyền thông là nhiệm vụ trọng tâm của Làng Văn hóa – Du lịch các dân tộc Việt Nam. Tuy nhiên, để làm tốt công tác truyền thông, chúng tôi phải làm tốt các công việc của Làng Văn hóa trước, như việc tái hiện các lễ hội vào cuối tuần, tập trung vào dịch vụ các món ăn miền Tây, chợ vùng cao, ẩm thực, lưu trú, giải trí... Như vậy, khách du lịch có thể ăn trưa, nghỉ tối tại các nhà dân tộc...

Phó Cục trưởng Cục Di sản (Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch) Nông Quốc Thành khẳng định, truyền thông giữ vai trò đặc biệt quan trọng trong chuỗi các hoạt động bảo vệ và phát huy các giá trị di sản văn hóa. Vai trò đặc biệt này được thể hiện ở chỗ “sức mạnh”, sự ảnh hưởng của truyền thông trong xã hội ngày nay và mối quan hệ giữa truyền thông với di sản văn hóa. Nhờ có truyền thông, nhiều di sản của Việt Nam được bạn bè trên thế giới biết nhiều hơn. Từ đó ngày càng có nhiều khách quốc tế đến du lịch tại Việt Nam. Cũng nhờ truyền thông, nhiều bất cập, lỗ hổng trong quản lý về di sản được phản ánh để tìm hướng tháo gỡ

Nói về vấn đề này, Nhà báo Phạm Vũ Dũng - Tạp chí Văn hóa nghệ thuật cho rằng, truyền thông đã cho thấy sức mạnh vượt trội trong thông tin, tuyên truyền và quảng bá về văn hóa. Cùng đó, truyền thông cũng phản ánh chân thực các vấn đề lên quan đến di sản văn hóa, danh lam thắng cảnh, các lễ hội truyền thống. Cần có giải pháp đồng bộ để thay đổi nhận thức, ứng xử với di sản văn hóa. Nhà báo Phạm Vũ Dũng nhận định, ở khía cạnh nào đó, truyền thông vẫn còn những bất cập như dung lượng, thời lượng dành cho di sản văn hóa còn khiêm tốn. Một số cơ quan truyền thông chưa thực sự quan tâm trong việc bảo vệ di sản văn hóa hoặc bộc lộ khuynh hướng thương mại hóa, chiều theo thị hiếu người tiêu dùng.

Bảo Thoa

Nguồn LĐTĐ: http://laodongthudo.vn/khong-the-thieu-vai-tro-cua-truyen-thong-99883.html