Không thể sống mà không viết

Tròn một năm ra mắt chuyên đề văn chương đặc biệt với tên gọi 'Viết & Đọc' của NXB Hội Nhà văn. Những ngày cuối thu Hà Nội, NXB Hội Nhà văn đã trang trọng tổ chức sinh nhật tuổi thứ nhất cho 'Viết & Đọc' và tổ chức tiệc mừng để tri ân các cộng tác viên là các văn nghệ sĩ hàng đầu trên cả nước suốt một năm qua đã cộng tác cùng 'Viết & Đọc' với tất cả niềm đam mê dâng hiến cho một diễn đàn văn chương lành mạnh, tôn vinh những giá trị nghệ thuật mới mẻ, đặc sắc.

Trong một không gian mùa thu Hà Nội rất đẹp ở phố Nguyễn Du, bên kia là hồ Thiền Quang... Gần như đầy đủ các văn nhân, thi sĩ, họa sĩ đã tụ về đây để dự lễ. Lễ sinh nhật và tri ân cộng tác viên đã được NXB Hội Nhà văn tổ chức khá đặc biệt khi biến buổi lễ thành một dịp sinh hoạt chuyên đề với nội dung “Không thể sống mà không viết”.

Và đó cũng là slogan mới nhất của chuyên đề “Viết & Đọc”. Tại tiệc tri ân này, các khách mời có thể đứng lên để đọc những sáng tác mới nhất, chia sẻ những câu chuyện nghệ thuật, bàn bạc những vấn đề về văn chương học thuật, được thưởng thức các bộ sưu tập phụ bản bằng hội họa cho “Viết & Đọc” của các họa sĩ hàng đầu, và được đắm mình trong âm nhạc với những bản nhạc về mùa thu do “huyền thoại nhạc Jazz” Quyền Văn Minh biểu diễn.

Cái cách mà Nhà xuất bản Hội Nhà văn tổ chức lễ sinh nhật và tri ân cộng tác viên, độc giả vừa đủ trang trọng, vừa tinh tế, vừa thể hiện sự tôn trọng tột bậc với nghệ thuật. Và cũng là để khởi lên trong tất cả mỗi nhà văn, nghệ sĩ một ngọn lửa sáng tạo, viết và đọc. Một trách nhiệm quan trọng của nghệ sĩ trước cuộc sống, trước thời đại, rằng "Không thể sống mà không viết".

Nhà văn Bảo Ninh và nhà văn Trần Nhã Thụy trong tiệc sinh nhật lần thứ nhất của chuyên đề mùa thu: “Viết & Đọc”.

Nhà văn Bảo Ninh và nhà văn Trần Nhã Thụy trong tiệc sinh nhật lần thứ nhất của chuyên đề mùa thu: “Viết & Đọc”.

Chuyên đề "Viết & Đọc" sinh ra trong thời đại công nghệ 4.0, khi mà không gian mạng đa chiều, truyền thông phát triển hùng mạnh, mạng xã hội trở thành kẻ đưa tin khổng lồ... Khi người đọc không cần phải giở bất kỳ một trang báo giấy nào ra, hay bỏ tiền tìm mua một tờ tạp chí để đọc, thì họ vẫn có thể tiếp cận được lượng thông tin đồ sộ từ nhiều kênh truyền tin khác nhau, trong đó có sự thống lĩnh của "gã báo mạng khổng lồ". Chuyên đề "Viết & Đọc" lặng lẽ ra mắt trong bối cảnh đó và tìm chọn cho chính mình, cho độc giả, cho các văn nghệ sĩ một con đường riêng để tồn tại và tỏa sáng.

Phải nói ê kíp xuất bản "Viết & Đọc", trong đó Tổng biên tập là nhà thơ Nguyễn Quang Thiều đã quá dũng cảm và kiên trì khi đầu tư tiền bạc, công sức, tâm huyết và quy tụ được một sự cộng hưởng của trí tuệ tập thể. Để họ dồn sức cho tờ tạp chí văn chương mới mẻ này được ra đời chững chạc và trở thành một giá trị trên văn đàn.

Cần phải nói thêm rằng, chuyên đề "Viết & Đọc" là một cuốn tạp chí - một thể loại báo chí gần như đã tuyệt chủng trên các giá báo bày bán hiện nay. Thế nhưng nhà thơ Nguyễn Quang Thiều và ê kíp sản xuất đã quyết định khai sinh nó, vực nó sống trở lại đàng hoàng trên giá báo. Bất chấp sự bùng nổ của các kênh thông tin của thời đại 4.0, “Viết & Đọc” đang dần dần khiến người khác phải để mắt tìm đến mình bởi những tinh hoa văn chương cống hiến cho độc giả.

Trong hành trình có vẻ như đơn độc và "trái quy luật" với báo chí hiện đại, "Viết & Đọc" đã và đang lặng lẽ mang một sứ mệnh giản dị mà lớn lao. Nó mang chứa một khoảng trời bình yên trong mát và dịu lành đến với văn hóa đọc của người Việt. Những ai còn tôn thờ chủ nghĩa đọc chậm và có thú vui tao nhã thưởng thức chữ trên bề mặt của giấy, và rung động khi nghe những thanh âm sột soạt mỗi lần lật từng trang sách ra, bồi hồi háo hức tìm ý niệm của riêng mình trên đó... thì hãy đến với “Viết & Đọc”.

Hãy cứ ngồi xuống, chậm rãi để đắm chìm vào chữ, trên đó bao tỏa một không gian văn chương nghệ thuật thuần túy. Ở đó người đọc yêu văn chương có một nơi chốn tin cậy để tìm về. Và không chỉ mỗi độc giả, các tác giả, văn nhân nghệ sĩ, họa sĩ cũng sẽ tìm thấy mình ở trong đó, đâu đó phía sau những trang văn, phía sau những sáng tạo của mình và bè bạn. Ở đó, họ sẽ được thưởng thức những trang văn thấm đẫm những giá trị nhân văn và nỗi suy tư giằng xé của nhà văn trước thời cuộc và số phận con người.

Tôi luôn có một cảm giác, những gì nhà thơ Nguyễn Quang Thiều làm đều mang lại một cảm xúc quyến rũ và mê hoặc... Anh như một người đầy năng lượng, có khả năng thuyết phục, dẫn dụ và truyền lửa tới các văn nghệ sĩ, những người mà bấy lâu có ai đó, phút giây nào đó trong khe tối lười biếng của lòng mình, có những lúc họ đã để cho chữ nghĩa phản bội mình. Chính anh đã đánh thức họ trở lại với đời sống văn chương vốn như "sóng ở đáy sông" rằng: "Với nhà văn, không thể sống mà không viết”.

Tôi đã có cuộc trò chuyện ngắn với nhà thơ Nguyễn Quang Thiều về đứa con tinh thần của Nhà xuất bản Hội Nhà văn mà anh vô cùng tâm đắc này.

- Thưa nhà thơ Nguyễn Quang Thiều, ông hãy chia sẻ chút gì đó cho độc giả về "Viết & Đọc" sau tròn 1 năm ra mắt bạn đọc?

+ Sau một năm, chúng tôi nhận ra rằng: khát vọng về những điều mới mẻ và tốt đẹp luôn luôn trú ngụ trong tâm hồn con người, bạn hãy đến và tìm cách đánh thức những điều đó. Tư tưởng của chúng tôi thực hiện “Viết & Đọc” là như thế. Còn các phần thuộc về kỹ thuật làm sách, tạp chí và báo là việc sau đó. Những năm gần đây, chúng ta mang cảm giác con người đang rời xa văn chương. Nhưng chúng tôi lại thấy rằng: bạn đọc vẫn kiên nhẫn đợi những tác phẩm chân thực và sáng tạo của thời đại mình. Hãy làm điều gì đó một cách chân thành nhất, chất lượng nhất có thể và tôn trọng người đọc nhất, bạn sẽ gặp những tri âm của mình.

Nhà thơ Nguyễn Quang Thiều và tác giả bài viết tại buổi giao lưu.

- Tham vọng lớn nhất mà ông với tư cách là Tổng Biên tập tạp chí chuyên đề "Viết & Đọc" sẽ mang lại cho đời sống văn chương nghệ thuật đương đại là gì?

+ Trong lá thư của Ban biên tập từ số đầu tiên, tôi viết: Những người tổ chức và thực hiện “Viết & Đọc” chỉ dựng lên một ngôi nhà để những người kể chuyện của thế gian (người viết) bước vào đó và kể những câu chuyện nhân tính vì đó là điều quan trọng nhất để bắt đầu mọi hành động sau đó và để cứu rỗi toàn bộ thế giới.

Chúng tôi muốn mỗi người kể chuyện (người viết) hãy kể câu chuyện của mình bằng một cái nhìn mới mẻ nhất, trung thực nhất và truyền cảm nhất. Đời sống thực ra chẳng có gì mới mẻ, nhưng cách nhìn của những người sáng tạo sẽ mang lại sự mới mẻ cho một đời sống tưởng như đã già nua và sáo mòn.

- Được biết các họa sĩ hàng đầu trong nước cộng tác vẽ minh họa cho "Viết & Đọc" với chút nhuận bút gọi là tượng trưng. Sau một năm họ đã tặng toàn bộ các bản minh họa cho "Viết & Đọc". Một lúc nào đó ông sẽ bán đấu giá gia tài này chứ?

+ Các phụ bản trong “Viết & Đọc” là một văn bản khác tương đồng với các tác phẩm văn chương. Nhiều họa sỹ đã tặng những phụ bản của họ cho chúng tôi. Sẽ có một ngày chúng tôi tổ chức trưng bày những bức phụ bản đó và có thể bán những tác phẩm hội họa này để làm một việc gì đó thật ý nghĩa.

- Cơm áo không đùa với khách thơ, chi phí cho một số tạp chí là bao nhiêu? Ông nghĩ mình có thể mang "Viết & Đọc" đi được đường dài không? Ông sẽ tiếp tục nuôi nó như thế nào? Ông có nghĩ một lúc nào đó mỏi mệt quá ông sẽ lại thay đổi ý định và đưa "Viết & Đọc" cho một tổ chức tư nhân nào khác?

+ Đây là câu hỏi luôn đặt ra trước mắt tôi. Chi phí cho mỗi số “Viết & Đọc” khoảng trên 100 triệu. Hiện nay chúng tôi có nhà tài trợ. Nhưng đến một ngày chúng tôi phải tự lo liệu toàn bộ chi phí. Với cá nhân mình, tôi tin tôi sẽ đi cùng ấn phẩm này đến khi sức lực không cho phép. Ấn phẩm này có lý do để tôi không thể chuyển giao cho bất kỳ cá nhân nào khác khi tôi còn tồn tại trên thế gian này. Lý do để làm cho ý chí của tôi trở lên mạnh mẽ hơn bao giờ hết là tại sao chúng tôi lại không làm ra một cái gì đó tử tế cho chúng tôi và những người khác.

- Xin cảm ơn ông về những chia sẻ này.

Thu Hà Nội, tháng 10/2019

Như Bình

Nguồn VNCA: http://vnca.cand.com.vn/doi-song-van-hoa/khong-the-song-ma-khong-viet-566878/