Không thể nới lỏng thi tuyển

Tự chủ tuyển sinh vốn là bản chất của các trường ĐH. Vì nhiều nguyên nhân mà các cơ sở giáo dục ĐH Việt Nam phải 'xin được tự chủ'. Kỳ thi tốt nghiệp THPT 2020 được xem như là một dấu chấm hết cho sự 'lệ thuộc' tuyển sinh của các trường ĐH đối với Bộ GD&ĐT. Vậy là muộn hay sớm?

GS.TS.Trần Đức Viên

GS.TS.Trần Đức Viên

Nếu tính theo lộ trình đã được công bố trước về kỳ thi THPT quốc gia thì việc “buông” tay từ năm nay là sớm. Nhưng thực tế, từ năm 2015, khi Luật Giáo dục ĐH có hiệu lực, các trường ĐH đã phải chuẩn bị cho điều này.

Nếu so với thế giới thì tự chủ tuyển sinh của ĐH Việt Nam quá muộn. Thi tốt nghiệp THPT, đó là nhiệm vụ của chính quyền cấp tỉnh, thành phố thậm chí các trường phổ thông. Từ năm 2015 đến năm 2019, một kỳ thi với nhiều mục đích đã dẫn đến không ít hậu quả không mong muốn. Bức tranh thi và tuyển sinh thời gian qua của Việt Nam có nhiều gam màu tối sáng như đã biết. Địa phương tìm mọi cơ hội để học sinh của mình đạt điểm cao dẫn đến tình trạng tiêu cực thi cử. Các trường ĐH tuyển sinh như “tháo khoán”. Có thể không ai tin nhưng thực tế, khi tham gia giảng dạy, có sinh viên còn “quên” cách quy đồng mẫu số. Quá trình sàng lọc học sinh giỏi đối với ĐH không còn nữa.

Chính vì vậy, khi các trường tự chủ tuyển sinh, dư luận không khỏi nghi ngờ: liệu có nên sự bất ổn trong tuyển sinh? Trường nào cũng muốn tuyển cho đủ chỉ tiêu nên sẽ dẫn đến tình trạng “khó như trượt đại học”. Đại học không còn là một bậc học đáng giá, chất lượng cao mà có nơi trở thành lớp học thứ 13, thứ 14. Điều này ảnh hưởng đến nguồn nhân lực của đất nước. Vì tự chủ, các trường có toàn quyền lựa chọn phương án tuyển sinh, có trường tự tổ chức thi riêng, có trường xét học bạ. Thậm chí có những trường tổ chức thi “giả vờ”. Chuyện cạnh tranh tuyển sinh có nơi kém lành mạnh giữa các trường cũng từng xảy ra và khi tự chủ, sẽ lại tiếp tục. Tự chủ vốn là một chủ trương đúng đắn, rất công bằng nhưng không cẩn thận sẽ bị biến tướng, bóp méo.

Sự bất ổn này có thể được lý giải do quan niệm về chất lượng của các trường ĐH Việt Nam chưa cao. Điều đó cho thấy, vẫn cần một sự định hướng. Nếu có thể được, trong thời gian trước mắt, Bộ GD&ĐT nên đứng ra tổ chức một kỳ thi như 3 chung (kỳ thi lấy kết quả tuyển sinh cho các trường ĐH) trước kia nhưng rút gọn, cải tiến hơn: Chỉ nên thi các môn chính như Văn, Toán, bài luận, Ngoại ngữ, hoặc nếu muốn toàn diện thì cũng không nên thi quá 6 môn.

Như vậy, các trường có một cơ sở chung để xét tuyển. Hơn nữa, thí sinh cũng sẽ không mất công, mất sức, mất của để khăn gói tham gia hết kỳ thi của trường này đến trường khác để tìm kiếm một cơ hội trúng tuyển. Đây là mong mỏi không chỉ của thí sinh mà còn là của rất nhiều trường ĐH khi thời gian chuẩn bị quá gấp gáp như hiện nay.

Tương lai xa hơn, Việt Nam cần có các trung tâm khảo thí chất lượng, giống như các đơn vị tổ chức bài thi SAT, ACT của Mỹ. Như thế, mặt bằng chất lượng vào ĐH sẽ không có sự khác biệt giữa các trường. Các trường khi tuyển chỉ cần thêm một, hai tiêu chí nữa như bài phỏng vấn…

“Buông tay” để các trường tự chủ nhưng cũng phải có giải pháp để “xốc” lại chất lượng đào tạo của bậc học ĐH; không thể chỉ nhìn chất lượng của một vài trường thuộc top nọ top kia trong bảng xếp hạng để “áp” chung cho toàn hệ thống.

GS.TS.Trần Đức Viên (Nghiêm Huê ghi)

Nguồn Tiền Phong: https://www.tienphong.vn/toi-nghi/khong-the-noi-long-thi-tuyen-1647580.tpo