Không thể nhân nhượng với nạn pháo sáng

Hình ảnh nạn nhân nữ bị trúng quả pháo bắn từ khán đài đối diện Sân vận động Hàng Đẫy ngày 11.9 thật kinh hoàng. Tại nạn này không chỉ khiến nạn nhân đau đớn về thể xác, nghiêm trọng hơn là sự ám ảnh về tinh thần sẽ còn kéo dài.

Pháo sáng trên sân Hàng Đẫy hôm 11.9

Pháo sáng trên sân Hàng Đẫy hôm 11.9

Chắc chắn rằng những người hâm mộ bóng đá chân chính của Nam Định không bao giờ chấp nhận hành vi xấu xa ấy của cổ động viên (CĐV) quá khích. Nhưng dù muốn dù không, lịch sử bóng đá VN cũng sẽ bị bôi bẩn một gam màu tối bởi một nhóm CĐV, có thể gọi họ là “hooligan” bóng đá thành Nam gây ra. Yêu đội nhà, mong muốn đội bóng của mình đạt kết quả tốt là điều hết sức bình thường. Nhưng sử dụng pháo sáng làm công cụ để tấn công người khác là phá bóng đá, là tội ác, không thể chấp nhận được.

Có người biện minh rằng pháp luật không cấm sử dụng pháo sáng, nhưng nên nhớ, VFF và VPF không cho phép sử dụng nó trong sân vận động. Trên thế giới cũng chẳng có tổ chức bóng đá nào cho phép mang pháo các loại vào sân. Vả lại, khi pháo sáng được sử dụng bừa bãi và gây thương tích cho người khác như trường hợp nêu trên thì đó là hành vi phạm pháp. Trong trường hợp này, pháo sáng được sử dụng như một thứ “hung khí nguy hiểm”. Đừng hiểu hung khí nguy hiểm là những món như dao, súng... Chỉ cần người sử dụng cố tình thực hiện hành vi sai mục đích, gây tổn hại cho người khác thì mọi vật trên tay họ đều có thể đe dọa đến sự an nguy của mọi người.

Nạn nhân nữ bị trúng quả pháo bắn từ khán đài

Bóng đá VN đã nhiều lần xảy ra nạn đốt pháo sáng ở các sân vận động. Lẽ ra cơ quan quản lý bóng đá như VFF hoặc VPF - đơn vị tổ chức - phải xử lý mạnh tay. Trường hợp những chế tài trong khuôn khổ của môn thể thao vua này chưa đủ sức răn đe các đối tượng quá khích thì BTC nên đề nghị cơ quan công an vào cuộc. Thế nhưng cứ sau sự cố nào đó thì cách tiếp cận của BTC vừa thiếu lại vừa yếu. Việc phạt BTC sân chỉ là giải pháp mềm để cảnh báo công tác kiểm tra, kiểm soát còn lỏng lẻo, chứ không giải quyết được tận gốc nhận thức, hành vi của CĐV khi đến sân.

Cận cảnh pháo sáng bay như hỏa tiễn giữa hai khán đài Hàng Đẫy

Thực tế lâu nay cũng chưa có đối tượng quá khích nào trên khán đài tại VN bị trừng trị vì sai phạm của chính họ gây ra, mà chỉ có đội bóng địa phương hoặc BTC của một sân đấu nào đó bị xử lý. Điều này khiến bản thân những kẻ cố tình gây rối cảm thấy họ như “vô can”. Vì thế họ cứ tiếp tục “được đằng chân, lân đằng đầu”, dẫn đến mức độ vi phạm ngày càng nghiêm trọng.

CĐV chảy máu lênh láng vì bị trúng pháo sáng tại sân Hàng Đẫy

CĐV chân chính luôn mong muốn mang đến cho bóng đá những gì tốt đẹp nhất. Nhưng khi kết quả thi đấu của đội nhà không như mong đợi thì người ta vẫn phải biết chấp nhận. Ngược lại, đến với sân bóng biết sai mà vẫn làm, cố tình thực hiện những hành vi phi thể thao thì chẳng khác nào là hành động phá hoại bóng đá, núp bóng số đông người hâm mộ để thỏa mãn thói côn đồ, vô trật tự cá nhân. Những kẻ như vậy chỉ khiến đội bóng địa phương bị tổn thương và làm hoen ố bộ mặt bóng đá nước nhà.

Nhất định, người cố tình gây ra điều nguy hại này phải bị pháp luật trừng trị đến nơi đến chốn để răn đe, làm gương. Chúng ta không thể nhân nhượng!

Nguồn Thanh Niên: http://thethao.thanhnien.vn/binh-luan/khong-the-nhan-nhuong-voi-nan-phao-sang-105286.html