'Không thể nhắm mắt gọi nhà thầu quốc tế'

Hệ lụy của nhà thầu quốc tế tại đường sắt Cát Linh - Hà Đông đặt ra cảnh báo 'không thể nhắm mắt gọi nhà thầu quốc tế' đối với dự án cao tốc Bắc-Nam.

Bộ Giao thông Vận tải (GTVT) vừa quyết định hủy sơ tuyển theo hình thức đấu thầu rộng rãi quốc tế và điều chỉnh hồ sơ mời sơ tuyển phù hợp với hình thức đấu thầu rộng rãi trong nước lựa chọn nhà đầu tư thực hiện 8 dự án PPP thuộc Dự án đường bộ cao tốc Bắc - Nam phía Đông.

Dù quyết định của đơn vị đầu ngành giao thông nhận được nhiều sự ủng hộ, tuy nhiên các chuyên gia vẫn chỉ ra những tồn tại và cảnh báo về việc hợp tác công - tư trong các dự án trọng điểm quốc gia. VTC News đã có cuộc trò chuyện với tiến sĩ kinh tế Phạm Chi Lan về vấn đề này.

- Thưa Tiến sĩ kinh tế Phạm Chi Lan, bà đánh giá thế nào về quyết định của Bộ GTVT trong việc hủy đấu thầu quốc tế đối với dự án cao tốc Bắc Nam?

Quyết định này hoàn toàn đáng hoan nghênh dù thực tế nguyên nhân là do số đơn đấu thầu nhận được nhiều nhưng thiếu chất lượng để tham gia đấu thầu. Trong số 60 nhà thầu gửi hồ sơ tham gia đấu thầu có tới 45 DN nước ngoài, chỉ có 15 nhà thầu trong nước. Một số đơn vị là DN nội địa liên doanh với nước ngoài. Số lượng nhiều như thế mà vẫn không chọn được số lượng nhà thầu đáp ứng đủ tiêu chí thì phải bỏ quyết định đấu thầu rộng rãi quốc tế thôi.

Theo tôi được biết, thực trạng nhận hồ sơ, một nửa dự án (4/8 dự án) không có nhà thầu nào đạt tiêu chuẩn. Mấy dự án còn lại thì chỉ có 1-2-3 nhà thầu. Như thế là quá ít, không đủ cơ số để tạo ra sự cạnh tranh, không tìm được nhà thầu tốt nên hủy thầu quốc tế là đúng.

 Tiến sĩ kinh tế Phạm Chi Lan. Ảnh: TL

Tiến sĩ kinh tế Phạm Chi Lan. Ảnh: TL

- Đây là cơ hội, cũng là thách thức đối với các doanh nghiệp tư nhân Việt Nam?

Quyết định hủy đấu thầu quốc tế mở ra 100% cơ hội đối với doanh nghiệp nội. Tính toán cho thấy, dự án này tổng cộng là 600 km, chia cho 8 dự án bình quân thì chỉ khoảng 60km cho 1 dự án cao tốc. Trong khi quy mô đường chỉ yêu cầu làm từ 4-6 làn thì không có gì là phức tạp, DN tư nhân Việt Nam hoàn toàn có thể làm được.

Trước đây, Bộ GTVT đặt ra tiêu chí phải có kinh nghiệm thực hiện các dự án trọng điểm quốc gia về đường cao tốc đối với DN tư nhân Việt Nam. Nhưng trên thực tế, tại các dự án này trước đây, Nhà nước luôn gạt DN tư nhân Việt Nam thì họ lấy đâu ra kinh nghiệm.

Bao nhiêu năm nay, DN tư nhân Việt Nam vẫn cứ bị gạt ra khỏi các dự án công có đầu tư lớn của Nhà nước. Đây là điều hết sức vô lý, là làm khó doanh nghiệp. Không cho làm thì không bao giờ có kinh nghiệm. Ít nhất cũng phải để cho họ làm. Tôi nghĩ trong trường hợp này, chỉ cần đơn vị từng có kinh nghiệm trong việc thực hiện công trình như cầu, hầm hay công trình xây dựng dân dụng là hoàn toàn đủ điều kiện để làm cao tốc Bắc – Nam.

- Huy động đủ vốn để đảm bảo tiêu chí đấu thầu là một vấn đề lớn đối với doanh nghiệp tư nhân Việt Nam, theo bà giải pháp là gì?

Giải pháp duy nhất của vấn đề này chính là việc liên doanh, liên kết. Phải để doanh nghiệp tư nhân Việt Nam hợp sức lại với nhau. Trước đây, Bộ GTVT từng đặt vấn đề không cho DN tư nhân Việt Nam liên doanh, liên kết với nhau thì không DN tư nhân Việt Nam nào đạt tiêu chí, có đủ nguồn vốn một lúc để tham gia đấu thầu. Hơn nữa, việc huy động cả tổng nguồn tài sản để làm 1 dự án mà chưa biết chắc như thế nào, thuận lợi không, điều đó giống như một canh bạc, một cuộc chơi vậy, không ai dám làm. Nhưng nếu Nhà nước cho các doanh nghiệp liên kết với nhau thì sẽ khác.

Quyết định cho liên doanh liên kết cũng chỉ mới đưa vào đầu tháng 5 mới đây mà đến đầu tháng 8 đã khóa sổ thì thời gian quá ít để nộp đơn dự thầu. Có hơn 2 tháng để các DN ngồi lại với nhau để bàn, phân công nhiệm vụ, huy động vốn, trách nhiệm các bên thì làm sao có thể thỏa thuận thành công. Công tác này rất phức tạp, ít nhất cũng phải nửa năm hay có khi cả năm trời các bên mới ngồi được với nhau để thỏa thuận về các vấn đề liên doanh, liên kết, đàm phán với nhau.

- Lâu nay, DN Việt Nam đã mất rất nhiều cơ hội vì các quy định trong Luật đấu thầu?

Doanh nghiệp VN từng mất rất nhiều cơ hội, nhất là khu vực tư nhân, gần như bị gạt ra ngoài hoàn toàn trong các dự án mua sắm công hay đầu tư công, chỉ có DN Nhà nước hay đầu tư nước ngoài được tham gia.

Mà nhìn xem chất lượng của các dự án này như thế nào, bao nhiêu dự án của các DN nước ngoài làm cũng rất tệ về kết quả. Mà DN Việt Nam nhận làm rồi thì họ cũng gọi thầu phụ, là các DN khác, lại chia nhỏ gói thầu ra cho các DN bên ngoài tham gia. Thành ra mới có hiện tượng 1 dự án cao tốc 100km thôi mà có quá nhiều các nhà thầu, DN tham gia.

Có những con đường vừa làm đã hỏng, như đoạn đường Đà Nẵng – Quảng Nam, rồi phát hiện ra ngay trong tháng đầu tiên, đoạn đường hỏng là đoạn đường của nhà thầu Trung Quốc. Thế mà vẫn nhắm mắt gọi nhà thầu quốc tế hay chỉ tin tưởng ở DN nhà nước thôi, điều đó rất vô lý.

Đào Bích

Nguồn VTC: https://vtc.vn/khong-the-nham-mat-goi-nha-thau-quoc-te-d500649.html