Không thể ngụy biện cho thói côn đồ

Qua đường ẩu, tạo ra vụ va chạm giao thông, Lê Tấn Thành (sinh năm 1991, ở Thủ Dầu Một, Bình Dương) không những không biết lỗi do mình gây ra mà còn hùng hổ đánh một nữ sinh 15 tuổi bị thương nặng khiến dư luận bất bình, phẫn nộ.

Đáng buồn, nhiều vụ va quẹt giao thông nhưng mọi người không cư xử với nhau một cách bình thường, đúng pháp luật mà sử dụng nắm đấm, hung khí để giải quyết mâu thuẫn với nhau gây ra cảnh kẻ chết, người rơi vào vòng lao lý. Đây là cách cư xử vô văn hóa, côn đồ hung hãn, coi thường pháp luật của một số thành phần đang khiến dư luận bất an. Khi bị bắt, các đối tượng đều dùng các lý lẽ để biện minh cho hành vi của mình, tuy nhiên những lý lẽ trên chỉ là ngụy biện...

Hình ảnh đối tượng Lê Văn Thành đánh nữ sinh 15 tuổi khiến dư luận bức xúc.

Hình ảnh đối tượng Lê Văn Thành đánh nữ sinh 15 tuổi khiến dư luận bức xúc.

Hành xử côn đồ sau vụ va chạm giao thông

Chở bạn gái lưu thông trên đường Bùi Ngọc Thu (thuộc phường Tương Bình Hiệp, TP Thủ Dầu Một, tỉnh Bình Dương), bất chấp, không quan sát vô tư quẹo sang đường đột ngột khiến hai nữ sinh đi xe đạp điện phía sau không kịp xử lý tông vào ngã bị thương. Chưa dừng lại, một người phụ nữ đứng tuổi cũng va vào sự cố này và ngã chấn thương phần mềm.

Đi sai nhưng không kiểm tra xem các nạn nhân có bị thương hay không mà Lê Tấn Thành lại hành động khiến mọi người bức xúc. Thành hùng hổ xông đến đánh rồi đạp thẳng vào người nữ sinh V.N.K.V (15 tuổi) khiến em bị chấn thương phần mềm.

Chưa dừng lại, Thành còn dùng cây côn 3 khúc đánh vào đầu em V khiến em phải khâu 10 mũi. Sau khi đánh người, Thành lớn tiếng hăm dọa những người can ngăn rồi bỏ đi. Hành động của Thành khiến nhiều người bức xúc tìm kiếm và bắt giao cho công an.

Lý giải cho hành vi của mình, Thành khai do trước khi đánh em V Thành đã sử dụng bia rượu nên không làm chủ được cảm xúc. Tuy nhiên, nhìn hành động côn đồ của Thành khi ra tay một cách dã man với nữ sinh 15 tuổi mới thấy, lý do bia rượu của Thành chỉ là ngụy biện. Bởi máu côn đồ đã có trong người Thành từ lâu, trong đó phải kể đến, chỉ vì tính côn đồ mà Thành bị TAND TP Thủ Dầu Một kết án 8 năm tù về tội “cố ý gây thương tích”.

Cháu V không thể hiểu vì sao mình là nạn nhân của vụ TNGT mà lại bị đánh.

Ngoài ra, Thành còn có 1 tiền án về tội “Cướp tài sản”. Ra tù, Thành chạy xe ba gác nhưng bản tính côn đồ của anh ta vẫn chưa được cải tạo. Những lần chở hàng cho khách, Thành thường gây gổ, cự cãi và đánh nhau. Thói côn đồ đã ăn sâu vào máu nên chỉ vì va chạm nhỏ, máu “điên” nổi lên và Thành đã đánh em V như tra tấn một... kẻ thù. Thành bị khởi tố, bị bắt tạm giam về hành vi “Cố ý gây thương tích”, đây có thể là cái kết khiến dư luận nguôi ngoai. Em V hiện sức khỏe đã ổn định nhưng tinh thần vẫn còn hoảng loạn.

Bà Võ T.M.T (mẹ em V) bức xúc “Khi gia đình xem lại đoạn clip trên mà rơi nước mắt. Đối tượng đánh như muốn lấy mạng cháu V. Cháu V tạm thời nghỉ học vì vết thương trên đầu và tinh thần chưa ổn định. Gia đình chỉ mong sao pháp luật xử lý nghiêm những đối tượng như thế này để răn đe, làm gương cho các đối tượng khác, để họ biết kiềm chế, xử sự đúng luật pháp, đúng tình cảm giữa con người với con người với nhau. Đừng vì một va chạm nhỏ trên đường, chưa biết đúng sai thế nào mà hành xử côn đồ, thiếu tình người!

Không chỉ dư luận mà ngay cả người viết khi xem lại đoạn clip va chạm giao thông mà Thành đánh cháu V cũng cảm thấy rùng mình. Nếu cú đạp của Thành đi trúng đầu cháu V thì có lẽ không chỉ là 10 mũi khâu mà có khả năng nguy hiểm đến tính mạng cháu. Những cú ra đòn của Thành khá nguy hiểm dễ dẫn đến chết người. Thói côn đồ, máu lạnh còn thể hiện từ việc sau khi đánh, Thành đe dọa rồi bình thản lên xe đi tiếp bất chấp nạn nhân như thế nào.

“Nhiều người ích kỷ, coi trọng bản thân hơn và ngày một xem thường pháp luật, côn đồ, máu lạnh. Nhìn vào clip thấy khá nhiều thanh niên ở hiện trường nhưng sao lại để đối tượng đánh đập cháu V dã man như vậy. Sự thờ ơ của mọi người thật đáng sợ! Hành vi hèn hạ và cách ra đòn của đối tượng này thật nhẫn tâm. Cũng may cho cháu gái là cú giậm chân của gã không trúng mục tiêu. Phải nghiêm trị kiểu côn đồ hung hãn coi thường luật pháp, coi thường đạo lý làm người khi hành hung trẻ vị thành niên, có như vậy xã hội mới bớt những tên ngông cuồng” - chị Nguyễn Thanh Tú (hành nghề buôn bán ở quận 6) phẫn nộ.

Cơ quan Công an thực hiện lệnh bắt khẩn cấp Lê Tấn Thành.

Nghiêm trị thói côn đồ trong ứng xử

Va chạm giao thông, không sử dụng lý để làm đúng pháp luật và không xử sự tình người mà sử dụng thói côn đồ để giải quyết, nhiều người chỉ trong phút chốc bỗng mất mạng, người thì rơi vào vòng lao lý. Đại tá Phạm Xuân Thao - Trưởng Công an quận 11 cho biết, rất nhiều vụ mâu thuẫn nhỏ như va quệt giao thông nhưng các đối tượng có hành vi côn đồ đã gây ra những vụ án đáng tiếc. Vừa qua, Công an quận 11 truy bắt một số đối tượng trong vụ hỗn chiến khiến 1 người tử vong, nguyên nhân cũng chỉ vì nhắc nhở không nẹt pô, lạng lách trong hẻm.

Trong lúc ngồi nhậu cùng Lưu Tài Trí (sinh năm 1999), Lâm Văn Trọng (sinh năm 1999, cùng ngụ quận 11) và Săm Hải Toàn (sinh năm 1998, ngụ Bình Chánh) trên lề đường đối diện hẻm 97, đường Lê Thị Bạch Cát, Hồ Long Kiệt (sinh năm 1992) nhớ chiếc điện thoại của mình còn để trong nhà nên băng qua đường về lấy. Lúc này, Huỳnh Thái Bảo (sinh năm 1994) chạy xe ngang qua mém quẹt vào Kiệt. Bảo không xin lỗi mà còn rồ ga, nẹt pô và quay lại hất hàm, cười khẩy với Kiệt. Sau khi “thách thức”, Bảo ghé vào nhà Nguyễn Chế Cương (sinh năm 1995, cũng ngụ trong hẻm 97).

Nghĩ bị thách thức, Kiệt về nhà lấy 3 ống tuýp đem ra đưa cho 3 bạn nhậu rồi cả nhóm vào tìm đánh Bảo. Bảo bỏ chạy, cả nhóm đánh bị thương một người trong nhóm Bảo. Thấy bạn bị đánh, nhóm Bảo đưa bạn đi băng vết thương, sau đó quay lại vào hẻm đập phá, đuổi chém Kiệt và Trọng. Kiệt bị chém hụt, chạy được lên gác, riêng Trọng do chạy không kịp bị cả nhóm Bảo chém gục tại chỗ. Sau khi gây án, nhóm Bảo bỏ chạy, Trọng được đưa vào bệnh viện cấp cứu nhưng không qua khỏi.

Đối tượng Lê Tấn Thành khai nhận hành vi vi phạm tại cơ quan Công an.

Cũng với thói côn đồ mà một lần chạy xe vào hẻm số 1, đường Lô Tư, phường Bình Hưng Hòa A, quận Bình Tân, Trần Văn Minh (tự Minh “dế”, sinh năm 1993, quê Bến Tre) nẹt pô, lạng lách, bị nhóm người trong hẻm nhắc nhở, trong đó có anh Hoàng Minh Thảo (sinh năm 1976). Dù đã một tháng trôi qua nhưng mỗi lần qua con hẻm này, Minh “dế” lại nhớ chuyện cũ nên tìm cách trả thù.

Tối 3-12, thấy anh Thảo cùng nhóm bạn đang ngồi nhậu trước hẻm, Minh “dế” huy động nhóm bạn hơn 10 người, trang bị hung khí, bịt khẩu trang, dùng khẩu trang che biển số xe, sau đó xông vào chém nhóm anh Thảo. Cả nhóm truy đuổi, chém chớp nhoáng rồi bỏ đi. Tại hiện trường, 3 anh Nguyễn Văn Tuy (sinh năm 1960), Nguyễn Mạnh Hải (sinh năm 1975, cùng Bình Tân) và Trần Quốc Hiệp (sinh năm 1983, ngụ Tân Phú) bị thương tích nặng được chuyển vào bệnh viện cấp cứu.

Tại Hội nghị tổng kết 5 năm thực hiện phong trào Thi đua bảo đảm trật tự an toàn giao thông giai đoạn 2016-2020 và Năm an toàn giao thông 2020 diễn ra ngày 9-12, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình - Chủ tịch Ủy ban An toàn giao thông quốc gia - đề nghị cần phát huy các giá trị văn hóa nghệ thuật truyền thống và hiện đại trong tuyên truyền xây dựng văn hóa giao thông.

Đồng thời, Phó Thủ tướng thường trực lưu ý cần đẩy mạnh các phương tiện kỹ thuật nền tảng kỹ thuật số, mạng xã hội để tuyên truyền quy định pháp luật, định hướng các giá trị văn hóa giao thông; đấu tranh ngăn ngừa các hiện tượng phi văn hóa trong giao thông. Nhắc đến vụ nữ sinh ở Bình Dương sau va chạm, bị đánh, Phó Thủ tướng Thường trực khẳng định đây là hành vi phi văn hóa trong giao thông.

Sử dụng bạo lực để giải quyết mâu thuẫn khi va chạm giao thông xuất phát từ sự mất kiềm chế, dẫn đến vi phạm pháp luật hình sự. Thói xấu, cứ xảy ra va chạm giao thông là chửi bởi, xô xát, thậm chí là giết người mà không cần biết đúng sai, không cần đàm phán, thương lượng hay chờ cơ quan chức năng giải quyết theo đúng pháp luật. Rất nhiều người trong chúng ta chưa quen với cách hành xử, giao tiếp văn minh trong văn hóa giao thông. Nhiều người tham gia giao thông khi gặp tình huống va chạm rất ít khi tự nhận thấy lỗi thuộc về mình trước hết mà thường nhảy xuống để gây áp lực, giành phần thắng về mình.

Hai nhóm đối tượng sau khi va quẹt giao thông đã trở lại trả thù khiến 1 người tử vong.

“Đáng lo ngại là một bộ phận thanh, thiếu niên dễ bị kích động, có hành vi ứng xử bạo lực, không quen nhường nhịn, thích hơn thua, thiếu kiềm chế. Khi có sẵn hung khí trong người thì máu nóng lại tăng lên vì có... công cụ hỗ trợ. Chuyện va quẹt rồi thù tức, tìm cách trả thù “nguội” đã xảy ra, đã có người mất mạng, kẻ vào tù, tuy nhiên đây vẫn chưa là bài học cho kẻ khác nhìn vào mà rút kinh nghiệm” - anh Trần Thanh Phú (một tài xế xe tải) cho hay.

Xảy ra va chạm giao thông là điều không ai muốn. Tuy nhiên, với những đối tượng có hành vi côn đồ, không nói được lời đúng sai thì nên tránh bởi “một câu nhịn chín câu lành”. Để loại bỏ hành vi côn đồ, phi văn hóa giao thông, cần phải xử lý nghiêm những đối tượng có hành vi manh động, coi thường pháp luật, coi thường tính mạng người khác.

Và để hạn chế những sự cố đáng tiếc xảy ra khi tham gia giao thông, mọi người cần trang bị cho mình những kỹ năng văn hóa ứng xử, biết kiềm chế cũng như phải tuân thủ Luật Giao thông. Đừng vì lý do gì mà cư xử một cách côn đồ rồi sau đó dùng đủ các lý do để ngụy biện cho hành vi của mình.

Hàn Phi

Nguồn ANTG: http://antg.cand.com.vn/vu-an-noi-tieng/khong-the-nguy-bien-cho-thoi-con-do-623909/