Không thể 'lạm phát' sân bay

Việc mới đây Sở Quy hoạch - Kiến trúc Hà Nội đề xuất cơ quan chức năng xem xét quy hoạch sân bay quốc tế thứ hai của thủ đô tại huyện Ứng Hòa, lập tức dấy lên nhiều ý kiến.

Sân bay Đồng Hới.

Sân bay Đồng Hới.

Đáng chú ý, hầu hết đều cho rằng địa điểm được đề xuất không phù hợp với quy hoạch sân bay vì quá gần đô thị đông dân, gây lãng phí tài nguyên do chiếm dụng đất sản xuất nông nghiệp.

Có người cho rằng, tốt nhất là Hà Nội nên mở rộng, nâng cấp sân bay Nội Bài thay vì xây dựng thêm một sân bay mới.

Thời gian qua, dư luận đánh giá “không bình thường” khi nhiều địa phương xin được xây dựng sân bay. Cách đây chưa lâu, UBND tỉnh Hà Tĩnh có văn bản xin bổ sung quy hoạch sân bay quốc tế Hà Tĩnh.

Trước đó, hồi tháng 7, Cục Hàng không Việt Nam đã đề nghị Bộ GTVT phê duyệt quy hoạch cảng hàng không Quảng Trị; trong khi cách đó không xa đã có sân bay Đồng Hới (tỉnh Quảng Bình “láng giềng”).

Khu vực miền Trung, với chiều dài chỉ hơn 300 km, nếu việc đề xuất mở sân bay mới được chấp thuận thì sẽ có tới 5 sân bay, gồm Vinh (Nghệ An), Hà Tĩnh, Đồng Hới (Quảng Bình), Phú Bài (Thừa Thiên-Huế), Quảng Trị.

Xây dựng sân bay là cần thiết để tăng tốc phát triển, nhưng “dày đặc” quá sẽ rất lãng phí. Cứ coi như kể từ Nghệ An đến Huế có 5 sân bay, thì trong vòng 50 năm nữa cũng không đủ hành khách, đủ hàng hóa để khai thác.

Được biết, không chỉ những địa phương kể trên đề xuất làm sân bay, mà nhiều nơi khác cũng “ấp ủ”, trong đó có thể kể đến Cao Bằng, Lào Cai, Sơn La, Lai Châu, Quảng Ngãi, Phan Thiết, Kon Tum, An Giang…

Trên thực tế, những năm qua sự tăng trưởng của ngành hàng không là rất đáng kể, với mức trên 17%/năm. Đất nước ta lại có chiều dài tương đối lớn từ Bắc xuống Nam (hơn 1.800 km), dân số đông (hiện ở mức 97 triệu người); đặc biệt xu hướng phát triển đòi hỏi phải có thêm loại hình giao thông, trong đó hàng không là quan trọng.

Tuy nhiên, không thể vì thế mà các địa phương đều muốn làm sân bay, khi mà “người láng giềng” ngay bên cạnh đã có rồi và vẫn không khai thác hết. Cũng cần lưu ý rằng, trong số 21 cảng mà Tổng Công ty Cảng hàng không Việt Nam đang quản lý chỉ có các sân bay Nội Bài, Tân Sơn Nhất, Đà Nẵng, Cam Ranh có lãi.

Các sân bay Liên Khương (Lâm Đồng), Phú Bài (Thừa Thiên-Huế) chỉ mới bắt đầu có lãi. Các sân bay còn lại đều đang đối mặt với tình trạng thua lỗ.

Cụ thể, các sân bay Vinh (Nghệ An), Tuy Hòa (Phú Yên), Cần Thơ đang lỗ 60 đến 80 tỷ đồng/năm; các sân bay Đồng Hới (Quảng Bình), Phú Quốc (Kiên Giang), Phù Cát (Bình Định), Thọ Xuân (Thanh Hóa) lỗ từ 40 đến 60 tỷ đồng/năm.

Ngay cả những cảng hàng không khai thác tốt như Côn Đảo (Bà Rịa-Vũng Tàu), Cát Bi (Hải Phòng) mỗi năm cũng lỗ gần 10 tỷ đồng.

Xây dựng một sân bay mất hàng ngàn tỷ đồng, trong khi rủi ro doanh thu rất lớn, vì thế không thể “cứ muốn là làm”, trong khi với số tiền khổng lồ ấy nếu được đầu tư vào những lĩnh vực khác sẽ tốt hơn nhiều.

Hiện đất nước đang phấn đấu có 5.000 km cao tốc, lại muốn xây dựng thêm sân bay, thiết nghĩ phải hết sức cân nhắc.

Xin nêu một ví dụ mà giới chuyên gia giao thông cho là không mấy hiệu quả, đó là có thực sự hợp lý không khi bỏ ra 12.500 tỷ đồng xây cao tốc Dầu Giây - Phan Thiết để rút ngắn cự ly với sân bay Long Thành, rồi lại tính bỏ tiếp hơn 10.000 tỷ đồng để xây dựng sân bay Phan Thiết?

Nhân đây, có lẽ cũng cần nhắc lại chuyện “lạm phát” cầu cảng biển.

Gần 10 năm trước, cả nước đã có tới 266 cảng biển lớn nhỏ. Trong khi thị phần hàng hóa phân bổ giữa các cảng chênh lệch lớn, khu vực phía Bắc chiếm khoảng 30%, phía Nam 57%, còn miền Trung chỉ chiếm 13%.

Dải bờ biển Bắc Trung Bộ, từ Thanh Hóa đến Quảng Bình hơn 100 km, đã có 3 cảng biển quy mô lớn gồm Nghi Sơn, Vũng Áng và Hòn La. Miền Trung dù có tới 20 cảng biển, nhưng chủ yếu hoạt động dưới dạng gom hàng rồi đưa đến các cảng ở Hải Phòng, TP HCM xuất đi các nước, do đó hiệu quả kinh tế thấp.

Từ “phong trào”, không muốn “thua chị kém em” dẫn tới tình trạng manh mún, kém hiệu quả, lãng phí.

Tới đây, một câu hỏi đặt ra: Vì sao những dự án cảng biển, sân bay vẫn được đặt ra trong khi hiệu quả rất thấp mặc dù “ngốn” ngân sách không hề nhỏ?

Về các dự án xây dựng sân bay, theo PGS.TS Nguyễn Thiện Tống - nguyên Chủ nhiệm Bộ môn Kỹ thuật hàng không Trường Đại học Bách khoa TP HCM, những đề xuất như vậy thể hiện cái nhìn mang tính cục bộ địa phương.

Để xây một sân bay cần có cơ sở khoa học, trong đó đầu tiên cần đánh giá về mặt nhu cầu: Khu vực dân cư nào sẽ sử dụng sân bay đó? Quy mô dân số như thế nào? Thu nhập bình quân bao nhiêu? Mức sống người dân như thế nào?... Từ đó mới quy hoạch sân bay cho tương lai.

Từ đó, với đề xuất của Hà Nội xây dựng sân bay mới tại Ứng Hòa, ông Tống nói: “Tôi cho rằng vùng Hà Nội không có nhu cầu xây sân bay thứ 2 trong vòng 30 năm tới”.

Nam Việt

Nguồn Đại Đoàn Kết: http://daidoanket.vn/khong-the-lam-phat-san-bay-519911.html