Không thể hay không muốn xử lý phụ huynh có con gian lận điểm?

Nếu xử phạt nghiêm, còn chứng tỏ một điều mọi người đều bình đẳng trước pháp luật. Ai vi phạm cũng phải xử theo pháp luật và hoàn toàn không có ngoại lệ.

Vụ gian lận điểm thi trong kỳ thi trung học phổ thông quốc gia năm 2018 đã làm thay đổi điểm của 114 thí sinh ở cả 3 tỉnh Hà Giang, Hòa Bình, Sơn La.

Khởi tố phó phòng cá nhân vi phạm gian lận thi (Ảnh VOV)

Khởi tố phó phòng cá nhân vi phạm gian lận thi (Ảnh VOV)

Gần một năm qua đi, hiện đã có 16 cán bộ đã bị xử lý, điều tra, khởi tố trong đó có phó giám đốc sở, rồi cấp phòng, chuyên viên, phó hiệu trưởng, giáo viên.

Thế nhưng, cho đến nay, cơ quan điều tra vẫn chưa làm rõ vai trò, trách nhiệm của bất cứ phụ huynh nào trong vụ gian lận điểm thi chưa từng có trong lịch sử này.

Mới dừng lại ở việc Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ nêu quan điểm phụ huynh mua điểm nếu là người trong ngành giáo dục thì các địa phương cần xử lý nghiêm, đưa ra khỏi ngành.

Dù thế, hiện vẫn chưa có phụ huynh nào trong ngành bị xử lý như Bộ trưởng Bộ Giáo dục tuyên bố.

Xử lý phụ huynh vi phạm trong vụ gian lận điểm luôn được dư luận đặc biệt quan tâm.

Bởi, phụ huynh của 114 thí sinh được nâng điểm chủ yếu là các cán bộ, quan chức cấp trường, cấp huyện và cấp tỉnh mà tuyệt nhiên không thấy bóng dáng phụ huynh nào là nông dân nghèo và người lao động.

Ai cũng hiểu, chẳng phải bỗng dưng giám khảo lại rỗi hơi đi tặng khống điểm cho hàng loạt thí sinh nếu không có sự tác động nào đó (tiền hoặc quyền chức).

Trong khi đó, không chỉ vài ba em được sửa điểm mà hàng trăm em được hưởng bổng lộc này.

Chỉ có thể nói rằng đây chính là một “chiến dịch” làm ăn của một “băng nhóm” cán bộ có chức quyền.

Cũng có thể nghi ngờ rằng biết đâu đây chưa phải là lần làm ăn duy nhất của họ từ trước đến nay?

Trong số 3 bị can bị khởi tố, thì bị can Đỗ Mạnh Tuấn (Phó Hiệu trưởng trường phổ thông dân tộc nội trú trung học cơ sở và trung học phổ thông huyện Lạc Thủy, tỉnh Hòa Bình) khai nhận hưởng lợi bất chính hơn nửa tỉ đồng từ vụ sửa điểm.

Chỉ mới chức vụ cỏn con mà đã nhận được 500 triệu đồng trong vụ sửa điểm thì những người có trách nhiệm cao hơn sẽ nhận được số tiền là bao nhiêu? Dễ cũng phải gấp dăm lần số đó.

Và chỉ cần làm rõ “Ai làm môi giới, ai đưa tiền cho bị can Đỗ Mạnh Tuấn?” sẽ tìm ra được những người đứng sau.

Việc đưa nhận tiền để người có trách nhiệm thực hiện một hành vi không trong sáng đã cấu thành tội đưa và nhận hối lộ.

Thế nên, nếu thật sự chính quyền nơi đây muốn làm rõ vai trò của phụ huynh trong việc đưa nhận hối lộ thì chỉ cần điều tra lấy lời khai của những người đã bị truy tố sẽ có ngay kết quả.

Điều này không hề khó đối với cơ quan Công an của chúng ta.

Chỉ là vấn đề, chính quyền nơi đây có cương quyết làm đến cùng để xử lý rốt ráo hay không?

Để xảy ra sai phạm trong một kỳ thi cấp quốc gia đã là tội lỗi rất lớn. Việc xử lý sai phạm dây dưa, nước đôi càng làm dư luận thêm bất bình.

Nếu nhìn rộng ra, cùng thời điểm này, tại Mỹ cũng xảy ra vụ tiêu cực gian lận thi cử.

Thế nhưng cách xử lý hậu quả của nước bạn lại hoàn toàn khác xa với cách xử lý mà các tỉnh này đang áp dụng.

Những phụ huynh trong đường dây chạy điểm lập tức bị tống giam, phải đóng tiền tại ngoại hầu tra, và khả năng bị xử án tù là rất cao.

Việc xử phạt nghiêm minh, là cách trừng phạt đích đáng những người biết luật còn phạm luật.

Đồng thời sẽ làm bài học cho những ai đang và sẽ có ý định cướp chất sám, trí tuệ của người khác cho con cháu của mình.

Nếu xử phạt nghiêm, còn chứng tỏ một điều mọi người đều bình đẳng trước pháp luật.

Ai vi phạm cũng phải xử theo pháp luật và hoàn toàn không có ngoại lệ.

Tài liệu tham khảo:

//lsvn.vn/phap-luat-cuoc-song/tin-phap-luat/gian-lan-thi-thpt-tai-hoa-binh-nhan-hon-500-trieu-dong-de-sua-diem-thi-30533.html

Phan Tuyết

Nguồn Giáo Dục VN: http://giaoduc.net.vn/giao-duc-24h/khong-the-hay-khong-muon-xu-ly-phu-huynh-co-con-gian-lan-diem-post197930.gd