Không thể đối phó, trốn tránh pháp luật

Bất kỳ một luật hay quy định nào, sau khi ban hành cũng xuất hiện một bộ phận đối tượng tìm cách đối phó, trốn tránh.

Đội CSGT Đường Hồ Chí Minh (Phòng CSGT Thanh Hóa) từng tạm giữ hàng trăm GPLX nghi được làm giả. Ảnh: Lan Chi

Đội CSGT Đường Hồ Chí Minh (Phòng CSGT Thanh Hóa) từng tạm giữ hàng trăm GPLX nghi được làm giả. Ảnh: Lan Chi

Tiền, bằng cấp còn làm giả được thì chuyện gian dối hay sử dụng GPLX giả cũng là bình thường, nhất là sau khi Nghị định 100 có hiệu lực.

Việc khai báo mất GPLX là quyền của người dân, tuy nhiên, việc kiểm tra xử lý thuộc phạm vi trách nhiệm của lực lượng chức năng. Ngoài xử phạt tiền với lỗi vi phạm, người điều khiển xe sẽ thêm tình tiết tăng nặng, đó là sử dụng GPLX không hợp lệ. Đây là vấn đề quan trọng cần thông tin đến người dân, để nâng cao tính răn đe.

Hiện, Tổng cục Đường bộ VN và Cục CSGT đã thống nhất chia sẻ dữ liệu quản lý cấp GPLX và dữ liệu xử phạt. Mức độ chia sẻ đến đâu thì do việc tổ chức thực hiện của hai bên, nếu việc phối hợp chưa tốt phải đôn đốc để triển khai tốt hơn.

Trong trường hợp một người bị tước GPLX thì CSGT có thể truy cập cơ sở dữ liệu của Tổng cục Đường bộ để xác minh xem đó là GPLX hợp lệ hay không. Nếu GPLX không hợp lệ (đã được cấp lại GPLX mới hoặc không có trong cơ sở dữ liệu) thì khi đó ngoài việc bị xử phạt do hành vi vi phạm ban đầu, người lái xe còn bị xử phạt hành vi sử dụng GPLX không hợp lệ.

Như vậy, việc xác minh phát hiện GPLX không hợp lệ hay GPLX giả sẽ được lực lượng tuần tra kiểm soát thực hiện rất thuận lợi. Cũng giống như ngành Đăng kiểm đã công bố danh sách xe hết niên hạn và cấp quyền truy cập dữ liệu đăng kiểm cho lực lượng CSGT và Thanh tra GTVT để thuận lợi trong công tác tuần tra, kiểm soát, xử lý vi phạm liên quan đến công tác đăng kiểm nói chung và xử phạt hành vi đưa xe hết niên hạn tham gia giao thông nói riêng.

Khác với trước đây, Nghị định 100 đặt ra hình phạt nặng ngay từ đầu, tạo ra “bức tường” để ngăn chặn hành vi vi phạm, nếu cố tình “trèo tường” sẽ phải chịu hậu quả. Giải pháp đã có, quan trọng là vấn đề tổ chức thực hiện của lực lượng chức năng, làm sao kết nối chia sẻ dữ liệu một cách nhanh nhất.

Điều quan trọng là cần tuyên truyền để người dân hiểu không phải lúc nào cũng trốn tránh, đối phó được. Muốn xây dựng văn hóa tham gia giao thông an toàn một cách bền vững, cần thay đổi suy nghĩ của người dân, nâng cao nhận thức chấp hành nghiêm quy định của pháp luật về ATGT, để cho người cố tình vi phạm trở nên lạc lõng trong cộng đồng.

Tước GPLX là chế tài dành cho những hành vi uy hiếp đến ATGT. Những người có GPLX đều là những người biết rõ quy định của pháp luật mà vẫn vi phạm phải bị trừng phạt. Anh biết rằng có thể bị tước GPLX, mất cơ hội làm việc mà vẫn vi phạm, gian dối xin cấp lại, lỗi hoàn toàn thuộc về cá nhân người đó, không thuộc về quy định pháp luật. Họ đã cố tình coi thường pháp luật, coi thường chính nghề nghiệp của mình. Nếu họ qua mặt được CSGT, sử dụng bằng giả tiếp tục tham gia giao thông, gây tai nạn chết người thì lúc đó hậu quả sẽ thế nào?

Chế tài đưa ra để răn đe, để những người lái xe chuyên nghiệp đừng tự tước đi “cần câu cơm” của mình. Không có quốc gia nào ban hành quy định trừng phạt mà muốn công dân mình bị trừng phạt từ hành chính đến hình sự.

Đưa ra chế tài xử phạt nặng chính là gửi thông điệp đủ mạnh để giúp người dân dễ nhận biết, dễ nhớ đó là hành vi nguy hiểm, hành vi cấm từ đó không vi phạm nữa.

Khuất Việt Hùng - Phó chủ tịch chuyên trách Ủy ban ATGT Quốc gia

Nguồn Giao Thông: https://www.baogiaothong.vn/khong-the-doi-pho-tron-tranh-phap-luat-d451622.html