'Không thể để Việt Nam thành nơi trung chuyển gian lận thương mại'

Vấn nạn hàng Trung Quốc 'đội lốt' Việt Nam, xuất khẩu sang Mỹ để trốn thuế đang trở thành đề tài 'nóng' bên lề Quốc hội.

Trả lời VTC News bên hành lang Quốc hội về vấn đề phòng chống gian lận thương mại, ĐBQH Hà Sỹ Đồng - Ủy viên Ủy ban Tài chính ngân sách - cho rằng, Việt Nam phải đối diện nhiều hệ lụy, thử thách trong bối cảnh cuộc chiến thương mại Mỹ-Trung kéo dài.

 ĐBQH Hà Sỹ Đồng - Ủy viên Ủy ban Tài chính ngân sách.

ĐBQH Hà Sỹ Đồng - Ủy viên Ủy ban Tài chính ngân sách.

- Khi mà chiến tranh thương mại Mỹ -Trung vẫn còn tiếp diễn thì nhiều chuyên gia thế giới và trong nước đều đưa ra cảnh báo về vấn đề gian lận xuất xứ, hàng Trung Quốc đội lốt hàng Việt Nam để xuất khẩu sang Mỹ nhằm hưởng lợi về thuế. Theo ông, đây có phải là nguy cơ và chúng ta cần ứng phó như thế nào?

Khó có thể phủ nhận thực tế rằng, Việt Nam có được một số lợi thế từ cuộc thương chiến Mỹ - Trung, như đón nhận dòng vốn FDI, kim ngạch xuất nhập khẩu tăng trưởng nhanh với mức thặng dư thương mại lớn.

Việt Nam cũng đồng thời trở thành một trong những lựa chọn của doanh nghiệp Mỹ về nhập khẩu hàng hóa thay thế hàng Trung Quốc, thể hiện ở kim ngạch xuất khẩu hàng hóa 9 tháng đầu năm 2019 của Việt Nam vào Mỹ tăng lên mức 44,7 tỉ USD, tăng 27,5%.

Tuy nhiên, chúng ta cũng phải đối diện với nguy cơ gian lận thương mại. Và đây là thách thức thực sự đối với Việt Nam.

Để tránh hiện tượng hàng Trung Quốc gắn mác hàng Việt nhằm xuất khẩu sang Mỹ, hiện chúng ta đã tích cực chủ động hợp tác với phía Mỹ để trao đổi, bàn thảo và quyết liệt triển khai xử lý vấn đề.

Cụ thể, quan hệ hợp tác giữa Tổng cục Hải quan Việt Nam với Cơ quan hữu trách phía Mỹ được thắt chặt. Cục Phòng vệ thương mại, Bộ Công Thương cũng nhanh chóng vào cuộc.

Hoạt động điều tra, giám sát, kiểm soát của các cơ quan này nhằm chủ động phát hiện, ngăn chặn hành vi gian lận, giả mạo xuất xứ, ghi nhãn hàng hóa, thực hiện chuyển tải hàng hóa bất hợp pháp, được triển khai quyết liệt.

- Theo ông, nếu tình trạng gian lận thương mại, giả mạo hàng Việt không được xử lý một cách triệt để, thì trong tương lai, chúng ta phải đối mặt với vấn đề gì?

Nếu doanh nghiệp Việt Nam không cẩn trọng, chúng ta sẽ bị Mỹ và nhiều quốc gia áp dụng biện pháp phòng vệ thương mại, hạn chế nhập hàng hóa của Việt Nam. Đã có những bài học nhãn tiền của một số ngành thép, nhôm.

Chúng ta cần nhận thức rõ ràng rằng những khó khăn, rủi ro, thách thức và hệ lụy nặng nề của vấn đề gian lận xuất xứ hàng hóa và gian lận thương mại vẫn đang hiện hữu. Nếu không cương quyết, nghiêm khắc xử lý thì rồi đây sẽ có thêm những vụ thép khác và thậm chí, ngoài thép còn nhiều mặt hàng khác bị “đội lốt”. Vô hình chung, chúng ta sẽ bị lọt vào “tầm ngắm” của nhiều nước. Lúc đó, nguy cơ hàng Việt bị áp thuế trừng phạt với mức cao từ các quốc gia nhập khẩu là khó tránh.

Nếu doanh nghiệp Việt Nam không cẩn trọng, chúng ta sẽ bị Mỹ và nhiều quốc gia áp dụng biện pháp phòng vệ thương mại, hạn chế nhập hàng hóa của Việt Nam.

ĐBQH Hà Sỹ Đồng - Ủy viên Ủy ban Tài chính ngân sách

- Theo ông, phải làm thế nào để hoàn toàn loại bỏ nguy cơ này?

Ngày 11/10/2019, Cục Phòng vệ Thương mại đăng tải Danh sách cảnh báo sản phẩm có nguy cơ bị điều tra phòng vệ thương mại, chống lẩn tránh thuế. Nhiều biện pháp đang được triển khai gồm: Đẩy mạnh tuyên truyền để nhân dân, doanh nghiệp không bao che, tiếp tay cho hàng hóa không rõ nguồn gốc, chủ động tố giác các hành vi vi phạm; Tăng nặng việc xử phạt để răn đe tình trạng hàng hóa lấy danh nghĩa hàng Việt Nam vào thị trường khác.

Trong Danh sách cảnh báo này, đứng đầu là các sản phẩm gồm gỗ dán dùng nguyên liệu làm gỗ cứng, đá nhân tạo, đồ bằng sắt, nệm mút, xe đạp điện, lốp xe tải/xe khách, thép chống ăn mòn, vành thép không gỉ, thép tấm cán nóng, sản phẩm đúc bằng gang, xơ sợi tổng hợp, ruy băng trang trí...

Mặt khác chúng ta đang có hiện tượng buông lỏng cấp C/O, chính quyền xác nhận “khống” nguồn gốc sản phẩm cho việc cấp C/O, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp gian lận xuất xứ hàng hóa. Vì vậy, cần siết chặt kiểm tra đối việc các doanh nghiệp FDI tận dụng quy định chuyển đổi mã số HS hàng hóa để xin cấp C/O.

Các cơ quan chức năng phải thường xuyên giám sát, kiểm tra một số doanh nghiệp FDI lợi dụng chính sách thu hút đầu tư để gia công đơn giản, "tráng men" hàng nhập nhằm hưởng ưu đãi thuế quan khi xuất khẩu.

Và điều quan trọng là có thể phải tăng chế tài xử phạt, thậm chí là tội hình sự, chứ không chỉ phạt hành chính như hiện nay.

Trong một cuộc họp báo mới đây, lãnh đạo Tổng cục Hải quan cho biết, lực lượng này phát hiện và bắt giữ 1,8 triệu tấn nhôm trị giá khoảng 4,3 tỉ USD có dấu hiệu gian lận xuất xứ Việt Nam để xuất khẩu đi Mỹ. Tổng cục Hải quan vẫn đang phối hợp với cơ quan điều tra Mỹ để tiếp tục theo dõi, điều tra, phát hiện và xử lý đối với các mặt hàng khác.

Từ khi thương chiến Mỹ - Trung bắt đầu với việc Mỹ áp “siêu thuế” lên các mặt hàng có xuất xứ từ Trung Quốc, nhiều chuyên gia kinh tế thế giới và trong nước đã đưa ra các cảnh báo về nguy cơ Việt Nam sẽ trở thành điểm trung chuyển của gian lận xuất xứ hàng hóa. Theo đó, doanh nghiệp Trung Quốc có thể kiếm cớ đưa hàng sang Việt Nam, đội lốt hàng nội địa Việt Nam để xuất sang Mỹ và trốn thuế.

Ở nhiều địa phương như TP.HCM, Bình Dương và Hải Phòng… cơ quan hải quan cũng phát hiện nhiều container hàng thành phẩm được sản xuất ở nước ngoài (gồm quần áo, giày, linh kiện điện tử...) nhưng ghi sẵn nhãn hiệu trong nước để tiêu thụ ở thị trường nội địa.

Nguồn VTC: https://vtc.vn/khong-the-de-viet-nam-thanh-noi-trung-chuyen-gian-lan-thuong-mai-d507728.html