Không thể để độc quyền trong in sách giáo khoa

Theo PGS.TS Phạm Tất Thắng: 'Nếu còn giữ độc quyền in sách giáo khoa thì chỉ một nhóm lợi ích được hưởng, không thể để tình trạng này kéo dài thêm'.

Sách giáo khoa nhiều năm liền do nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam độc quyền in ấn (hình minh họa, ảnh internet).

Được biết, bộ sách giáo khoa hiện hành đã được triển khai từ năm 2002, do nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam thuộc bộ GD&ĐT nắm độc quyền. Nhiều ý kiến cho rằng, cần phải “phá thế” độc quyền in sách giáo khoa để có giá cạnh tranh hơn, tránh lãng phí số tiền lớn.

Xung quanh vấn đề này, trao đổi với PV báo Người Đưa Tin, PGS.TS Phạm Tất Thắng, nguyên Nghiên cứu viên cao cấp của bộ Công Thương cho rằng: “Nếu nhìn nhận dưới góc độ kinh tế thị trường, về xu hướng phát triển của xã hội thì bất cứ hình thức độc quyền nào đều dẫn đến hậu quả không tốt.

Vì vậy, các quốc gia đều tìm mọi cách để phá bỏ độc quyền, kể cả trong kinh tế, xã hội, thương mại… Nếu vì một lý do nào đó không thể để cho có sự phát triển cạnh tranh thì cần phải có sự kiểm soát rất chặt chẽ của Nhà nước, mang tính chất độc lập. Những sản phẩm bắt buộc phải được độc quyền thì phải có sự cân nhắc kỹ lưỡng, thậm chí cần cơ quan của Quốc hội thẩm định và cho phép.

Xét trên cả 3 khía cạnh như vậy thì việc in sách giáo khoa trong thời gian vừa qua đã vi phạm cả 3 nguyên tắc cơ bản đó. Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam được độc quyền sách giáo khoa trong một thời gian dài, từ khâu biên soạn, chỉnh sửa, in ấn, phát hành… Tức là nó thành một chuỗi thì mức độ độc quyền càng trở nên nghiêm trọng”.

Theo PGS.TS Phạm Tất Thắng cho rằng, không thể để độc quyền trong in sách giáo khoa.

Vị PGS phân tích: “Nhìn vào thực tế, các nước in sách giáo khoa thường để cho thế hệ này truyền cho thế hệ khác. Đặc biệt, đối với các lớp học càng thấp thì tính ổn định càng lớn. Thậm chí, việc làm này còn rèn luyện thêm cho học sinh phẩm chất, ý thức giữ gìn sách giáo khoa cho thế hệ sau, biết quý trọng cuốn sách mình đang có.

Giá mua một bộ sách thì không quá lớn, nhưng tính cả triệu bộ sách thì là số tiền khổng lồ. Ngoài ra, rất nhiều sách đi kèm sách giáo khoa của đơn vị độc quyền in sách giáo khoa cũng sẽ được ăn theo”.

PGS.TS Phạm Tất Thắng nhìn nhận: “Nếu còn giữ độc quyền in sách giáo khoa thì chỉ một nhóm lợi ích được hưởng. Không thể để tình trạng này kéo dài thêm nữa.

Khi xóa bỏ độc quyền thì sẽ có nhiều cách đem lại cho học sinh và cho xã hội tốt hơn. Tôi nghĩ, nên để cho các nhà xuất bản khác đấu thầu in sách giáo khoa. Đây là điều hết sức bình thường. Đơn vị nào có giá cạnh tranh và đảm bảo đúng yêu cầu thì cho xuất bản”.

Nguồn Người Đưa Tin: https://nguoiduatin.vn/khong-the-de-doc-quyen-trong-in-sach-giao-khoa-a405840.html