Không thể đánh trống bỏ dùi

Thanh tra TP Hà Nội lại vừa chỉ ra hàng loạt sai phạm về trật tự xây dựng, quản lý và sử dụng đất rừng phòng hộ tại huyện Sóc Sơn (Hà Nội). Dù vậy, dư luận xã hội cũng không đánh giá cao kết luận thanh tra, bởi chưa 'chỉ mặt đặt tên' được các trường hợp vi phạm nghiêm trọng, mà chỉ chung chung là có nhiều trường hợp vi phạm. Cùng với đó, Thanh tra TP Hà Nội cũng chỉ kiến nghị xử lý cưỡng chế các công trình vi phạm giai đoạn 2017-2018, còn những công trình vi phạm khác chưa đề cập tới.

Theo Kết luận của Thanh tra TP Hà Nội, có hàng nghìn trường hợp xâm phạm đất quy hoạch rừng phòng hộ, tại nhiều xã của huyện Sóc Sơn. Kết luận thanh tra cũng chỉ ra rằng, ngay cả sau khi có Kết luận của Thanh tra Chính phủ, không những UBND huyện Sóc Sơn, UBND các xã, thị trấn tại đây không thực hiện nghiêm túc kiến nghị xử lý các công trình vi phạm, mà còn tiếp tục để “mọc” thêm nhiều công trình xây dựng không phép trên đất rừng phòng hộ, khiến tình hình ngày càng phức tạp.

Không những buông lỏng quản lý khiến nhiều hộ dân tự ý xây dựng các công trình trái phép trên đất rừng phòng hộ, chính quyền địa phương còn thực hiện việc sang nhượng, chuyển đổi sổ đỏ trái quy định cho các hộ dân. Cụ thể trường hợp nhà của ca sĩ Mỹ Linh là một ví dụ. Tháng 5/2008, UBND TP Hà Nội ban hành quy hoạch điều chỉnh rừng Sóc Sơn, toàn bộ diện tích đất mà ca sĩ Mỹ Linh đã mua nằm trọn trong rừng phòng hộ. Tuy nhiên, đến năm 2009, gia đình ca sĩ Mỹ Linh xây dựng các công trình kiên cố trong đất rừng phòng hộ mà cả chính quyền huyện và xã đều làm ngơ.

Chưa hết, dù biết gia đình ca sĩ Mỹ Linh đã xây dựng trái phép trên đất rừng phòng hộ, song tới năm 2014, Phòng TN-MT huyện Sóc Sơn vẫn cấp đổi sổ đỏ cho ông Đỗ Xuân Lâm (người đã bán đất cho ca sĩ Mỹ Linh từ trước đó). Rồi một năm sau, năm 2015, UBND huyện Sóc Sơn đã làm thủ tục sang tên sổ đỏ từ ông Đỗ Xuân Lâm sang cho ông Trương Anh Quân. Như vậy là UBND huyện Sóc Sơn, Phòng TN-MT và các cơ quan có liên quan đã cố tình cấp sổ đỏ chồng lên đất rừng phòng hộ đã được UBND TP Hà Nội phê duyệt từ năm 2008.

Còn nữa, trường hợp Phủ Thành Chương từ năm 2006 cũng đã được Thanh tra Chính phủ chỉ ra là vi phạm đất rừng đặc dụng (tới năm 2008 điều chỉnh thành đất rừng phòng hộ), song suốt từ đó đến nay các cơ quan chức năng của TP Hà Nội cũng như chính quyền các cấp từ xã, huyện tới thành phố không hề có bất cứ động thái nào để xử lý đối với công trình vi phạm này. Ngay cả tại Kết luận mới đây của Thanh tra TP Hà Nội cũng không thấy “nhắc nhở” gì đến công trình vi phạm này, mà chỉ kiến nghị chung chung là cưỡng chế các công trình vi phạm giai đoạn 2017-2018.

Nêu ví dụ 2 trường hợp trên để thấy những vi phạm nghiêm trọng trên đất rừng phòng hộ Sóc Sơn đã được nhiều cơ quan, ban, ngành kiểm tra, kết luận và kiến nghị xử lý, nhưng không hiểu vì lẽ gì suốt hơn 10 năm trôi qua vẫn “giữ nguyên hiện trạng”. Đó chính là lý do tiếp tục xảy ra hàng nghìn trường hợp vi phạm đất rừng phòng hộ Sóc Sơn như trong Kết luận của Thanh tra TP Hà Nội mới đây công bố. Khi mà mọi vi phạm dù là rất nghiêm trọng được bỏ qua, làm ngơ, thậm chí là dung túng vì lý do nào đó thì pháp luật sẽ không còn tác dụng răn đe, người ta sẽ không biết sợ.

Việc Thanh tra TP Hà Nội chỉ kiến nghị cưỡng chế các công trình vi phạm mới (giai đoạn 2017-2018) không chỉ khiến các hộ dân cùng có hành vi vi phạm như nhau cảm thấy bất công, mà cũng chưa thực sự thuyết phục dư luận xã hội. Khi đã chỉ ra sai phạm theo quy định của pháp luật thì dù đó là ai, vi phạm vào thời điểm nào cũng đều phải bị xử lý nghiêm khắc thì mới có thể răn đe, trấn áp những người đã, đang và sẽ có ý định vi phạm pháp luật. Khi có sự phân biệt giữa người nọ với người kia, giữa người vi phạm trước và vi phạm sau sẽ khiến pháp luật không còn nghiêm minh nữa.

Không chỉ đặt vấn đề vì sao Kết luận của Thanh tra TP Hà Nội lại chung chung, không chỉ đích danh tên tuổi cụ thể, mà dư luận còn nghi ngờ tình khả thi của những kiến nghị của cơ quan này. Làm sao có thể không nghi ngờ khi mà đến Kết luận của Thanh tra Chính phủ còn bị làm ngơ không thực hiện, huống hồ kiến nghị của Thanh tra Thành phố? Làm sao có thể thực thi được công lý, thể hiện tính nghiêm minh của pháp luật khi mà nhiều cá nhân, cơ quan, đơn vị còn ngại va chạm, né tránh không muốn đương đầu thể hiện ở việc cưỡng chế vi phạm?

Vậy nên người dân Thủ đô Hà Nội nói riêng và cả nước nói chung đang dõi theo mọi động thái của UBND TP Hà Nội, các sở, ban, ngành, cùng UBND huyện Sóc Sơn, các xã có vi phạm, xem thử sau hàng loạt kết luận của các cơ quan thanh tra thì những trường hợp vi phạm trật tự xây dựng, xâm phạm đất rừng phòng hộ Sóc Sơn sẽ được xử lý ra sao. Liệu lại có thêm một lần “đánh trống bỏ dùi”, hay những cá nhân, tổ chức vi phạm pháp luật sẽ bị xử lý nghiêm minh? Liệu lại tiếp tục có sự xuê xoa, “hòa cả làng”, hay những cá nhân, cơ quan, đơn vị bao che, dung túng cho vi phạm sẽ bị xử lý nghiêm khắc, dù đã nghỉ hưu? Tất cả còn phải đợi thời gian trả lời!

Lê Anh Đức

Nguồn Đại Đoàn Kết: http://daidoanket.vn/goc-nhin-dai-doan-ket/khong-the-danh-trong-bo-dui-tintuc432967