Không thể đặc cách giáo viên chỉ là ngụy biện

Chắc chắn sẽ còn không ít địa phương đang có tình trạng sử dụng giáo viên theo kiểu 'vắt chanh bỏ vỏ'.

Thời gian gần đây, nhiều tỉnh thành trong cả nước đang xảy ra tình trạng sa thải giáo viên hợp đồng.

Họ đưa ra quy định, thi tuyển ngoại ngữ để buộc những thầy cô giáo có thâm niên hơn 20 năm trong nghề phải rời bục giảng.

Ngoài thi tuyển (chưa thi đã biết rớt), chẳng lẽ không có cách làm nào nhân văn hơn để giữ những thầy cô giáo tâm huyết ở lại với nghề?

Giáo viên và học sinh tỉnh Bình Thuận. (Ảnh minh họa, nguồn: Báo Bình Thuận)

Giáo viên và học sinh tỉnh Bình Thuận. (Ảnh minh họa, nguồn: Báo Bình Thuận)

Câu chuyện nhân văn tuyển giáo viên hợp đồng ở Bình Thuận trước đây

Vào những năm 1980-1990, tại tỉnh Bình Thuận thiếu khá nhiều giáo viên ở cả 3 cấp và đặc biệt là giáo viên bậc tiểu học.

Địa bàn thiếu giáo viên chủ yếu là vùng khó khăn, vùng sâu vùng xa.

Giải pháp tỉnh nhà đưa ra lúc đó, là mở lớp đào tạo giáo viên cấp tốc (dành cho học sinh đã tốt nghiệp lớp 12) và tuyển giáo viên đã có bằng sư phạm ở các tỉnh ngoài về giảng dạy.

Chúng tôi được tập trung học 3 tháng về nghiệp vụ sư phạm, sau đó được đưa về giảng dạy ở một số trường tiểu học vùng khó.

Ngay từ tháng đầu tiên, giáo viên hợp đồng chưa bằng cấp như chúng tôi đã được xếp lương theo bậc sơ cấp, được đóng bảo hiểm xã hội và mọi chế độ không khác gì những thầy cô giáo đang trong biên chế.

Hè đến, địa phương tiếp tục mở lớp để những giáo viên hợp đồng hoàn thành chương trình học. Điều đáng nói, chúng tôi vẫn được nhận lương đầy đủ trong suốt 3 tháng hè.

Sau khi hoàn thành khóa học 6 tháng, chúng tôi bắt đầu được tính thời gian tập sự như những giáo viên đã tốt nghiệp chính quy.

Và trong thời gian này, địa phương vẫn tiếp tục mở lớp để giáo viên lấy bằng 12+2 (chuẩn giáo viên tiểu học) lúc này.

Thời gian hoàn thành chương trình chuẩn cũng là lúc chúng tôi được xét vào biên chế và xếp ngạch bậc lương theo quy định.

Từ lúc nộp hồ sơ đăng kí học cấp tốc, đến lúc nhận quyết định biên chế trong tay, những giáo viên hợp đồng như chúng tôi chưa hề phải lo lắng cho việc có được vào biên chế hay không.

Cũng chẳng ai phải bỏ ra đồng nào để lo chạy vạy, xin xỏ và cũng chẳng bị ai làm khó bất cứ điều gì.

Sự ưu ái với giáo viên dạy hợp đồng còn thể hiện ở chính sách ưu tiên luân chuyển (khi hết thời gian quy định công tác ở vùng khó) để giáo viên yên tâm công tác.

Phòng Giáo dục huyện Hàm Tân của tôi lúc đó (nay là Phòng Giáo dục thị xã La Gi) đã quy định, giáo viên dạy ở vùng khó từ 3-5 năm sẽ được chuyển trường theo nguyện vọng.

Thế là, những đồng nghiệp của tôi đã làm đơn xin chuyển về trường trung tâm của huyện. Việc chuyển trường cũng diễn ra vô cùng đơn giản và nhẹ nhàng.

Giáo viên chỉ cần làm đơn trình bày nguyện vọng và nộp về phòng giáo dục cuối tháng 5.

Đầu tháng 9, thầy cô sẽ nhận được quyết định thuyên chuyển mà không phải lo chạy vạy cá nhân nào như một số nơi đã từng bị báo chí phản ánh.

Cả 2 vợ chồng tôi, sau khi giảng dạy ở vùng khó một thời gian cũng làm đơn xin chuyển về trung tâm thị xã (lúc ấy huyện đã lên thị xã).

Chỉ một lá đơn nộp về phòng giáo dục và đợi. Tháng 9 năm đó, cả hai vợ chồng đều được chuyển về hai ngôi trường lớn của thị xã.

Nay, liên tục thấy cảnh những giáo viên hợp đồng đã có công cống hiến cho giáo dục vùng khó bị chính quyền nơi ấy tìm cách sa thải, bản thân là nhà giáo chúng tôi cũng thấy đau lòng.

Sao họ nỡ đối xử với những thầy cô giáo đã bỏ tuổi thanh xuân của mình giảng dạy và giáo dục học sinh nơi đây từ những ngày còn gian khó?

Nhìn ra các tỉnh khác

Hết 500 giáo viên ở Đắc Lắc, 296 giáo viên ở Sóc Sơn, nay lại tiếp tục có 114 giáo viên huyện Đông Anh kêu cứu vì mất việc.

Và chắc chắn sẽ còn không ít địa phương có tình trạng sử dụng giáo viên theo kiểu “vắt chanh bỏ vỏ”.

Điều mà chúng tôi cảm thấy khó hiểu và không tài nào lý giải được khi cán bộ có thẩm quyền ở những nơi sa thải giáo viên luôn thừa nhận nhiều bất cập do chính quyền mang lại.

Thế nhưng họ chỉ thừa nhận sai sót mà không có một giải pháp để khắc phục chính những sai sót của mình.

Họ lại đẩy trách nhiệm lên đầu những giáo viên vô tội bắt họ gánh chịu.

Chúng tôi vẫn không thể nào hiểu nổi tại sao chính quyền huyện Sóc Sơn không thể ra quyết định xét đặc cách cho 256 giáo viên hợp đồng nơi đây?

Điều “vướng mắc do quy định hiện hành không cho phép đặc cách” mà ông Lê Hữu Mạnh, Phó chủ tịch Ủy ban nhân dân huyện Sóc Sơn cho biết là gì mà không thể đặc cách?

Có giáo viên còn thẳng thắn bày tỏ, họ muốn xóa bỏ hợp đồng, muốn đuổi giáo viên hợp đồng ra đường rồi lại tuyển mới, nên mới quy định thi công chức bằng ngoại ngữ. Bởi, chưa thi nhiều thầy cô đã biết rớt.

Loại bỏ được 256 giáo viên hợp đồng, địa phương sẽ dôi dư một khoản ngân sách (vì giáo viên hợp đồng lâu năm mức lương khá cao). Tuyển mới, trả lương khởi điểm lại quá thấp.

Bên cạnh đó, con cháu của không ít người lại có cơ hội kiếm một xuất biên chế của ngành.

Và biết đâu đó, đã chẳng có những “miếng mồi bẻo bở”

Phải chăng vì những món lợi này mà các thầy cô giáo hợp đồng nơi đây và nhiều nơi khác đã chẳng có được cơ hội đặc cách như tỉnh Bình Thuận quê tôi?

Phan Tuyết

Nguồn Giáo Dục VN: http://giaoduc.net.vn/giao-duc-24h/khong-the-dac-cach-giao-vien-chi-la-nguy-bien-post197277.gd