'Không thể cứ lặng yên dưới vực sâu'

Đài Truyền hình Việt Nam đang phát sóng bộ phim truyền hình nhiều tập 'Lặng yên dưới vực sâu'. Đây là một bộ phim về đề tài dân tộc thiểu số và miền núi. Thông qua bối cảnh, phục trang, nhà cửa, lời thoại giữa các nhân vật, người xem dễ dàng đoán ra được phim đang phản ánh đời sống của đồng bào Mông ở vùng Tây Bắc.

Một câu hỏi được đặt ra là các nhà làm phim đang làm phim cho ai xem? Khi mà khán giả thấy ngay các nhân vật trong phim chỉ là những chàng trai, cô gái người Kinh được khoác lên người bộ quần áo dân tộc, được thả vào những ngôi nhà người Mông, nói ngôn ngữ của người Kinh có pha một chút tiếng "lơ lớ" của đồng bào địa phương. Một cảm giác chung là "không thể chấp nhận được".

Không chỉ riêng bộ phim "Lặng yên dưới vực sâu" mà hầu hết các bộ phim về đề tài dân tộc thiểu số cũng mắc phải lỗi này, như phim: "Vợ chồng A phủ", "Đất nước đứng lên", "Chiếc vòng bạc", "Chuyện của Pao", "Đàn trời", "Đỉnh núi mờ sương", "Tình thắm Sa Pa", "Chim Phí bay về nguồn cội", "Đi về phía mặt trời"…

Phim về đồng bào dân tộc thiểu số miền núi phía Bắc thì hầu hết các nhân vật đều nói giọng Hà Nội, còn phim miền Nam thì toàn tiếng Sài Gòn... chỉ thay các từ thông dụng bằng từ của người dân tộc. Khán giả nói chung và đồng bào dân tộc nói riêng thích xem phim về đời sống của chính mình, về những gì đang diễn ra xung quanh họ, chứ không phải phim của người Kinh lồng tiếng dân tộc. Do vậy, người xem thưởng thức các tác phẩm điện ảnh mà cứ như nhai vỏ trấu vậy.

Người Việt Nam chúng ta có câu "Chửi cha không bằng pha tiếng". Hẳn chúng ta ý thức được ý nghĩa của điều này. Có hai trường hợp người ta chỉ nhại giọng người khác, một là để trêu chọc vui đùa; thứ hai là cố tình nhại giọng để chế giễu, dè bỉu...

Một cảnh trong phim "Lặng yên dưới vực sâu".

Một cảnh trong phim "Lặng yên dưới vực sâu".

Hành vi "pha tiếng" bằng cách cố tình nhại giọng bản địa, thổ ngữ của người khác rõ ràng là phải hết sức thận trọng. Nếu ta đưa ra không khéo, dễ bị hiểu lầm là chế giễu là chạm vào lòng tự trọng, tự ái và rất có thể từ hành động này sẽ dẫn đến sự phản ứng bất thường, thậm chí nguy hiểm. Bởi vì sản phẩm lời nói của mỗi người, mỗi dân tộc chính là sự thể hiện rõ nhất cốt cách, nét riêng biệt... của họ.

Qua các bộ phim về đề tài dân tộc thiểu số và miền núi, các nhà làm phim cũng đã cố gắng truyền tải những giá trị văn hóa, tinh thần, nhưng đó chỉ là những những nét đẹp đơn sơ, mộc mạc, mới chỉ dừng ở mức kể lại câu chuyện bằng hình ảnh có tính chất minh họa hời hợt, đôi khi có những chi tiết không chính xác, chứ chưa phải là các tác phẩm điện ảnh được dàn dựng công phu, tạo ra sự độc đáo, đặc sắc cho nghệ thuật điện ảnh khiến cho nhân dân các dân tộc khác phải quan tâm, khám phá và cũng không mang lại cảm xúc trìu mến, thân thuộc của những người đã và đang sống trên mảnh đất ấy.

Chúng ta đều biết, sử dụng điện ảnh trong công tác thông tin, tuyên truyền sẽ đạt những hiệu quả đặc biệt. Bởi điện ảnh có sức hấp dẫn và tác động mạnh mẽ tới người xem qua hình ảnh sống động và âm thanh trung thực.

Với thể loại phim truyện là những tình huống hư cấu giúp người xem đi vào mọi ngóc ngách cuộc sống, những biến động của xã hội, những thân phận của con người. Nó luôn phát huy được vai trò nâng cao dân trí, giáo dục văn hóa, tư tưởng, giúp người xem hiểu biết sâu hơn về lịch sử, về tâm hồn, về những nét đẹp trong phong tục, tập quán, tôn giáo, tín ngưỡng của các quốc gia, dân tộc khác, đưa đến sự thỏa mãn về nhu cầu khám phá, nhu cầu thẩm mỹ và giải trí của người xem. Các tác phẩm điện ảnh hay, hấp dẫn dễ dàng chinh phục trái tim và khối óc của hàng triệu con người. Tuy nhiên, phim truyện về mảng đề tài dân tộc thiểu số và miền núi đến nay vẫn ít làm được điều đó.

Việt Nam có 54 dân tộc cùng sinh sống trên dải đất hình chữ S nhiều thế kỷ, đã trải qua biết bao khó khăn, gian khổ bởi gió bão, mưa tố dập vùi mà ít có dân tộc nào trên thế giới gặp phải, nên sự hy sinh, bi kịch, những phẩm chất kiên cường để vượt qua mưa giông, nắng lửa đã trở thành một phần trong cuộc sống hàng ngày, đều là biểu tượng cao đẹp.

Cùng với đó là đời sống văn hóa, phong tục tập quán vô cùng phong phú, sinh động, là mảnh đất màu mỡ hứa hẹn nhiều tiềm năng, cần những bàn tay "vàng" khai thác để làm nên những tác phẩm điện ảnh hấp dẫn. Nhưng phim truyện về đề tài dân tộc thiểu số và miền núi vẫn vắng bóng.

Không phải bây giờ mà từ khi nền điện ảnh cách mạng Việt Nam ra đời cho đến nay, chúng ta có quá ít phim về đề tài này. Cũng đã có một số bộ phim để lại dấu ấn sâu đậm và đạt được những giải thưởng cao trong các kỳ Liên hoan phim quốc gia như: "Vợ chồng A Phủ", "Đất nước đứng lên", "Chuyện của Pao"…

Tuy nhiên, còn quá nhiều dân tộc thiểu số ở Việt Nam chưa hề được đề cập đến trong các tác phẩm phim truyện điện ảnh, cũng như phim truyền hình. Mảng đề tài về dân tộc thiểu số, miền núi cũng đã được chú ý khai thác nhưng số lượng là chưa đáng kể, vừa thiếu, vừa yếu về nội dung và nghệ thuật.

Có nhiều nguyên nhân dẫn đến thiếu vắng phim về mảng đề dân tộc thiểu số. Một trong những nguyên nhân căn bản chính là sự thiếu hiểu biết sâu sắc, cặn kẽ về lịch sử, về sự gắn bó sâu sắc, mật thiết, không thể tách rời giữa con người với thiên nhiên hùng vĩ, về phong tục, tập quán tốt đẹp, đầy nhân văn của đồng bào dân tộc vùng cao nên các nhà làm phim chưa khai thác được các góc cạnh, những mâu thuẫn, suy nghĩ ẩn chứa trong sâu thẳm tâm hồn của đồng bào và các vấn đề bức xúc đang đặt ra ở địa bàn miền núi, dân tộc.

Do đó, khiến cho các nhà làm phim chưa tìm được sự đồng cảm và tâm sự chung với đồng bào các dân tộc thiểu số. Việc thực hiện sản xuất phim thường ở các vùng sâu, vùng xa là vô cùng vất vả, chi phí sản xuất tốn kém khiến những nhà làm phim cũng không hào hứng với mảng đề tài này.

Có thể khẳng định, ở Việt Nam chưa có bất kỳ một cuộc điều tra xã hội học quy mô trong đối tượng là đồng bào các dân tộc thiểu số để tìm hiểu về tâm lý, suy nghĩ của đồng bào khi cảm nhận các tác phẩm điện ảnh phản ánh cuộc sống, tâm tư, tình cảm của họ.

Để làm những bộ phim hấp dẫn, thu hút người xem thì cần phải nghiên cứu tới đối tượng phản ánh và bị tác động. Bởi mỗi dân tộc đều có văn hóa, tập quán, đời sống tinh thần riêng và chắc chắn không ai thích xem và muốn xem một bộ phim nói về quê hương, dân tộc mình mà lại được phản ánh không chân thực, thậm chí là méo mó.

Những bộ phim hay về đề tài dân tộc và miền núi sẽ dễ chinh phục khán giả, bởi cũng giống như người miền xuôi, người miền núi đang đứng trước rất nhiều vấn đề: Khó khăn về kinh tế, thiếu hiểu biết, con người đứng trước cơn lũ của thay đổi theo kinh tế thị trường nhưng làm sao vẫn giữ vững được bản sắc dân tộc, tâm hồn mình, nét văn hóa độc đáo của người vùng cao; những giằng xé đấu tranh giữa cái mới và cái cũ, xóa bỏ hay giữ lại những tập tục những ràng buộc hệ lụy phải gánh chịu bởi những quy định lạc hậu từ bao đời nay; đó còn là cuộc chiến giữa tội ác và sự thiện lương ở những vùng biên ải với các thế lực thù địch, phản động, vùng có nhiều tội phạm ma túy, buôn bán người, tội phạm xuyên quốc gia... là những vấn đề hết sức nhức nhối. Đưa vào phim ảnh ra sao để ra "màu" dân tộc mà vẫn thuyết phục người xem là trăn trở của những người làm điện ảnh.

Từ những thực trạng đang tồn tại của dòng phim thuộc mảng đề tài về dân tộc thiểu số ở Việt Nam, điều quan trọng là tìm ra những giải pháp để khắc phục tình trạng này. Để đem lại một diện mạo mới cho phim ở mảng đề tài dân tộc và miền núi thì có hai khâu cần phải khám phá, đó là quan niệm, góc nhìn, sự đam mê của những người sáng tác và các định hướng, cơ chế chính sách của nhà quản lý.

Đối với các nhà quản lý phải có một chiến lược phát triển lâu dài cho phim về đề tài dân tộc thiểu số, miền núi và phải có sự ưu tiên cho dòng phim này. Còn đối với các nhà làm phim phải thay đổi cách nghĩ, các làm phim mới; các câu chuyện, vấn đề, bài học đặt ra cần phù hợp với tâm lý, nhận thức của mỗi dân tộc để cuốn hút được người xem. Đó là điều mà những người làm văn hóa, làm điện ảnh phải suy nghĩ và nhanh chóng có câu trả lời bằng những bộ phim thực sự nhân văn và hấp dẫn.

Tuệ Minh

Nguồn VNCA: http://vnca.cand.com.vn/doi-song-van-hoa/khong-the-cu-lang-yen-duoi-vuc-sau-538475/